Là một trong những nhà chuyên môn chính của Bài hát Việt trong nhiều năm liền, nhạc sĩ Lê Thanh Tâm là một người đứng ngoài lề trong những vụ lùm xùm của showbiz. Nhưng với góc nhìn mang đậm dấu ấn trách nhiệm cá nhân, anh chia sẻ quan điểm của mình về hiện tượng khai kín thông tin trên Facebook (FB) người nổi tiếng.
Anh nghĩ sao về hiện tượng thời gian gần đây Facebook của nghệ sĩ (kể cả trang cá nhân lẫn Fanpage) đều được một số trang mạng sử dụng để khai thác thông tin, bất kể có được chủ tài khoản đồng ý?
- Việc khai thác thông tin là quyền của nhà báo, và nếu là nhà báo có thẻ hành nghề thì đương nhiên họ được quyền thu thập thông tin công khai, nếu không làm sao họ có thể giúp công chúng, người dân tiệp cận được với những vấn đề của xã hội?
Tuy nhiên, nếu là những người không có thẻ hành nghề, hoặc nói chung là những người lâu lâu mới có một bài viết, kiểu như bạn đọc viết, thì chẳng khác gì ngồi lê đôi mách cả. Không sai nhưng cũng không đáng dể tâm.
FB là một trang mạng xã hội không hơn không kém, thông tin được công khai trên đây, chắc chắn là nhưng thông tin mà chủ tài khoản muốn mọi người cùng biết và chia sẻ, nói trắng ra nó không phải là nhật ký cá nhân.
Điều ai cũng biết đó là đưa một status lên FB chủ yếu là để có nhiều người đọc được chúng. Bí mật mà đưa lên FB thì sao gọi là bí mật được? Mà anh đã đưa lên dưới dạng ai đọc cũng được thì anh còn bắt người ta xin phép để chia sẻ ư? Đấy là cái đòi hỏi không đúng của người chủ tài khoản.
Nói chung muốn người ta không biết, thì đừng có đưa lên FB, còn đã đưa lên, chắc chắn là muốn được nhiều người biết.
Như vậy, cá nhân anh đồng ý/chấp nhận việc khai thác thông tin trên Facebook của nghệ sĩ?
- Cá nhân tôi đồng ý những việc không bị pháp luật ngăn cấm. Miễn sao không vi phạm pháp luật thì đó là quyền của con người.
Người ta không bao giờ bị kiện vì tuân thủ pháp luật cả. Còn anh làm gì tôi không quan tâm. Nhưng nếu anh làm một hành động mà ai cũng biết, sau đó bị lên báo, anh bảo đó là vi phạm quyền của anh, chuyện đó đâu có được? Người ta hay dùng cụm từ "người của công chúng" để ngụy biện, nhưng lấy thước đo nào để phân biệt ai là người của công chúng, ai không phải? Cái đó mập mờ lắm. Nên cứ hiểu luật và làm những cái đúng luật là được.
Bản thân anh và vợ (ca sĩ Hải Yến) có từng bị khai thác thông tin Facebook trên báo chí?
- Chuyện này khá đơn giản, cuộc sống của vợ chồng Tâm và Yến không khác gì các gia đình bình thường cả. Không có gì ồn ào nhạy cảm đáng bận tâm cả, với lại hai đứa cũng không "HOT" đến mức bị đưa vào tầm ngắm mà khai thác nên không có vấn đề gì xảy ra.
Vả lại việc nó có bị khai thác hay không cũng là quyền của người khác. Chi bằng có gì quan trọng thì bình tĩnh mà để trong lòng chứ không đưa lên FB làm gì.
Theo dõi một số vụ việc gần đây, như việc Facebook giả mạo của Mai Phương Thúy đăng những thông tin bất lợi cho cô ấy; hay một số bài viết khác trích nguyên những status , "tâm thư" của người nổi tiếng, gây bão dư luận... Anh thấy việc nghệ sĩ sử dụng Facebook cần có những khuyến cáo gì cho chính bản thân họ, để tránh những lùm xùm không cần thiết?
- Tâm thấy rõ rằng các bạn nghệ sĩ khi đã đưa thông tin lên mạng xã hội là có chủ đích muốn được đồng cảm, và phần nào đó là muốn thông tin được lan truyền như một làn sóng.. Sóng to hay nhỏ thì mình không thể biết trước. Nên thực ra nếu cảm thấy sóng to có thể ảnh hưởng xấu đến bản thân thì thôi đừng viết gì nhạy cảm lên cả.
Nhiều người muốn có được sự quan tâm và cố tình làm gì đấy để tạo ảnh hưởng, nhưng sau đó sự ảnh hưởng ấy phản tác dụng, thì lại đi đổ thừa, theo Tâm trông nó rất buồn cười.
Việc giả mạo FB thực ra rất kỳ cục, vì FB của một cá nhân không cần đăng ký bản quyền sở hữu, cũng không cần độc quyền thương hiệu, thế thì sao lại bảo là giả mạo??? Đấy là do nhầm lẫn chứ! Mà đã là nhầm lẫn thì sao mà trách gì được.
Nếu bạn không thích bị như thế thì đành từ chối không dùng FB nữa thôi, tuyên bố với báo chi là "tôi không có bất cứ tài khoản FB nào" là được. Thực ra chắc là không ai dám làm thế, vì lượng Fan theo dõi nghệ sĩ thông qua FB là rất nhiều. Vậy, nghệ sĩ buộc phải lựa chọn, dùng FB có mặt lợi và hại ngang nhau - hay không dùng FB và sẽ mất sự quan tâm của cộng đồng mạng xã hội này.
Theo anh, người nổi tiếng và các trang mạng nên có những giới hạn nào trong việc chia sẻ thông tin trên Facebook cũng như sử dụng nguồn tin Facebook?
- Đối với Tâm, những thông tin ngoài mục đích giới thiệu sản phẩm thì thông tin liên quan đến đời tư nghệ sĩ, chủ yếu là để đọc cho vui, và giải trí, thông qua đó độc giả sẽ thấy quan tâm và có cảm giác thú vị với những nghệ sĩ mình yêu thích. Còn với người nổi tiếng mà không làm gì cả, Tâm không hiểu báo chí đưa thông tin làm gì. Thường là Tâm không đọc.
Internet và mạng xã hội thực chất vẫn có luật lệ riêng để giới hạn quyền và nghĩa vụ của nó, tuy nhiên ai cũng biết việc thực hiện giới hạn cho nó là gần như không thể. Thế nên, cẩn tắc vô áy náy, đã không biết chắc thì thôi vậy. Nếu đã lên mạng thì đừng mong có gì giới hạn cả. Tâm tiếp cận với Internet gần 20 năm nay, rõ ràng là không thể tạo nên một giới hạn nào hết.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!