Khánh Thi ám chỉ Hương Tràm là học trò vô ơn?

'Nữ hoàng dancesport' Khánh Thi đã không ngại ngần đứng ra bênh vực Thu Minh, ngay sau sự cố ồn ào giữa nữ ca sĩ 'Đường cong' với học trò cũ 'The Voice' .

Là một nghệ sĩ, đồng thời cũng là một giáo viên trong showbiz Việt, Khánh Thi có đủ trải nghiệm về nghề "trồng người" trong môi trường giải trí đầy phức tạp. Chính bởi vậy, cô rất hiểu và thông cảm với những gì mà người đồng nghiệp Thu Minh phải trải qua thời gian qua, bởi chính bản thân Khánh Thi cũng từng rơi vào tình cảnh này trước đó.

Vai trò nhạt nhòa của người thầy trong showbiz Việt

Tôi chơi với Thu Minh nhiều năm rồi và cũng có đi lưu diễn cùng Hương Tràm nữa. Tôi đánh giá hai người ai cũng có những điểm tốt và mặt hạn chế riêng. Con người thì ai cũng vậy thôi, không ai là hoàn hảo cả.

Nếu nói về tài năng thì Thu Minh thực sự là một diva của làng nhạc Việt Nam. Tất cả quãng thời gian mà chị cống hiến có khi còn hơn cả tuổi đời cộng tuổi nghề của các học trò chị ấy đang có hiện tại. Còn các bạn thí sinh đi thi The Voice tuổi đời còn quá trẻ, chủ yếu là thế hệ 9x nhưng các bạn may mắn khi mà xuất hiện trong một gameshow và được nhiều người biết tới, nhưng trong cái may đó cũng có cả những hạn chế mình khó lòng nói trước.

Thu Minh - Hương Tràm và tình thầy trò lấp lánh ánh hào quang một thủa.

Tôi học trong trường múa, được đào tạo 7, 8 năm trời, bản thân chị Thu Minh cũng là người học hành rất bài bản đi ra làm nghề, nhưng phải mất rất nhiều năm làm nghề cực khổ, thành công mới đến với chị. Còn các bạn trẻ nhờ có gameshow mà sau một đêm có thể trở thành sao, các bạn quá may mắn khi danh vọng, ánh hào quang đến quá nhanh. Thế nên chưa chắc các bạn đã có được suy nghĩ chín chắn về công lao của người thầy đối với thành công của mình hôm nay.

Thu Minh được gọi là diva vì chị ấy có một quá trình cống hiến quá xuất sắc và thăng trầm với tuổi nghề. Chị ấy kể ngày xưa đi diễn ở đâu cũng phải đi, chương trình nào cũng phải diễn, catse 50.000, 10.000 đồng, thậm chí không có tiền cũng phải diễn.

Có những lúc đi hát về trời mưa không có ai chở, phải đi xe ôm về. Còn các em một bước ra ngoài là taxi, một bước là có người chụp hình, stylish cho. Liệu các em có phải khó khăn như thời chúng tôi đã phải trải qua hay không? Khi các em nói chúng tôi có giúp đỡ các em hay không thì rất khó trả lời.

Tôi còn biết chị Thu Minh có những đêm trăn trở không ngủ được, vì học trò hát tốt rồi thì phải nghĩ cho cho nó một câu phiêu thôi mà cả đêm không ngủ được.

Để xây dựng hình tượng cho người học trò, các em đâu có biết ngươi huấn luyện viên đã gọi bao nhiêu cuộc điện thoại nhờ vả, em ơi cố gắng giúp nó nhé. Lời nói của họ phải có sức nặng như thế nào thì người ta mới đồng ý làm việc hỗ trợ các em.

Người học trò đâu có hiểu mình được mặc một bộ đồ đẹp hay chọn cho mình một bản nhạc hay cũng là tâm huyết của người huấn luyện viên. Chứ không phải họ phải kè kè mình hàng giờ, hàng ngày để chỉ mình làm cái này cái kia thì mới là dạy. Người học trò khi nhận được những lời ca tụng thì họ quên mất mình xuất phát từ đâu.

Tôi cũng có nhiều học trò giỏi, thậm chí các em cũng được lên báo, xuất hiện trong các bộ hình đẹp nhưng các em có bao giờ nhắc đến tên người thầy? Khi được phỏng vấn cũng vậy, có bao giờ các em nhắc đến tên thầy một chữ? Đó cũng là một phút chạnh lòng của người làm thầy như chúng tôi.

Những ngôi sao gameshow chưa chắc đã là tài năng thực sự

Trong gameshow, khán giả bình chọn bằng tin nhắn, khán giả rất cảm tính họ thích thì họ bình chọn nên chiến thắng ở gameshow cũng không phải là tài năng thực thụ. Đối với những thí sinh tham gia gameshow mà chiến thắng, mình chỉ nên gọi là thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Cái này tôi dám khẳng định và không ngại báo chí mổ xẻ câu chữ này. Tại vì thắng thua mà có sự bình chọn nó khác với hội đồng nghệ thuật chấm. Chính vì thế các bạn trẻ nên nghĩ mình có được may mắn nhờ người thầy đã giúp đỡ mình, bên cạnh sự tự tin về khả năng.

Khánh Thi cho rằng nên biết ơn và trân trọng những gì mà người thầy của mình đã làm và đừng coi nó nhỏ bé hay không đáng kể.

Trong chương trình The Voice người ta đã nói hẳn là vai trò huấn luyện viên, không thầy đố mày làm nên và tôi cũng được nghe rằng tất cả các huấn luyện viên chứ không riêng gì Thu Minh đều rất tâm huyết với các học trò của mình. Nhưng cũng phải thông cảm cho họ vì trong gameshow, một huấn luyện viên họ phải đào tạo mười mấy học trò chứ không phải một người.

Chính vì vậy cái tâm của họ cũng phải chia sẻ cho tất cả các học trò của mình. Người học trò khi nhận được sự chỉ bảo dù chỉ một lần trong đời thôi cũng nên nhớ đấy làm công ơn chứ không nên quay sang mổ xẻ xem người ta đã làm được gì cho mình.

Tôi không nói Hương Tràm hay cụ thể bất cứ ai, nhưng người ta làm một điều thì mình cũng biết ơn chứ không phải đợi làm 10 điều thì mới biết ơn. Tôi đánh giá học trò như thế là không tốt.

Mặt trái tình thầy trò ở showbiz Việt

Tôi là người thầy đào tạo học trò từ năm 2003 đến nay đã 8, 9 năm rồi có biết bao thế hệ học trò đã đi qua. Có thời điểm tôi đào tạo học trò để đi thi đấu cùng mình, vô tình là tạo đối thủ cho mình. Nhưng không có đối thủ thì mình cũng không có cuộc thi, thử hỏi lúc đó ai sẽ là người buồn hơn. Ngoài đời có thể là bạn nhưng lên sàn đấu chỉ có thắng và thua, mà như vậy thì thị phi là điều khó tránh khỏi. Mình phải chấp nhận bình luận. Đó là mặt trái.

Khi nhận được bó hoa của khán giả, mình đã quên mất ngày hôm qua mình đã vất vả trong phòng thu như thế nào, được nhạc sĩ chỉ bảo ra sao. Đến mình mà còn cảm nhận được như vậy huống chi những bạn trẻ hào quang đến quá nhanh hơn cả những gì mình tưởng tượng nổi.

Tôi cũng từng bật khóc vì học trò

Không chỉ có những giọt nước mắt hạnh phúc, sung sướng khi học trò chiến thắng, tôi từng phải bật khóc vì uất ức và bức xúc. Lúc thành công, lúc vinh quang, mình chỉ là người đứng kế bên thành công của các học trò. Nhưng tới khi thất bại, đôi lúc mình lại trở thành cái bia để rất nhiều người trút giận. Từ những phụ huynh học sinh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái, hay ngay cả chính những học trò cũng tỏ ý nghi ngờ sự công bằng của chính mình. Những lúc đó, nỗi đau tinh thần còn lớn hơn cả nỗi đau thể xác.

Tôi đã hi sinh nhiều để dạy dỗ các thế hệ học trò. Có những chuyến du đấu ở nước ngoài, tôi không phải là một huấn luyện viên, một cô giáo nữa mà còn giống như một người mẹ, thậm chí là một người giúp việc. Khâu cho học trò từng chiếc áo, đính từng chi tiết lên trang phục sao cho lên sân khấu thật lộng lẫy, cầm khăn, cầm nước, hò hét cổ vũ thay cho cổ động viên, tôi đã làm cả rồi. Nhưng cũng đã có lúc cái tôi nhận lại là cánh tay chỉ thẳng vào mặt mình của phụ huynh học sinh, nói tôi là đồ ác nhân, thất đức, không xứng đáng làm cô giáo!

Khánh Thi tự tay khâu áo đấu cho các học trò.

Cảm giác của tôi lúc đó tệ hại lắm, nhưng may mắn mình có thể vượt qua vì còn có rất nhiều học trò của tôi trưởng thành và vẫn nhớ tới mình. Cuộc sống không có điều gì hoàn hảo, công việc đào tạo cũng vậy. Có thể đào tạo ra những học trò tốt, nhưng cũng có thể đào tạo ra những học trò để rồi bị mất đi. Tôi cũng từng nói rồi, trò phản thầy không đau bằng thầy mất trò, sự thật là như vậy.

Tôi cũng mong rằng dù là trong môi trường giáo dục hay môi trường giải trí, các bạn hãy luôn biết cách giữ gìn sự trân trọng của mình tới với những ai từng chỉ bảo, dạy dỗ, dù chỉ là một điều rất nhỏ. Lối sống trước sau, biết tôn trọng những gì mình may mắn nhận được mới là cốt lõi của thành công của người nghệ sĩ, và nó sẽ giúp cho tên tuổi của người nghệ sĩ luôn vững bền trước bão giông.

Khánh Thi và học trò Phan Hiển

Cậu học trò Phan Hiển (Minh Trường) - niềm tự hào và an ủi lớn nhất của Khánh Thi. Từng được cô đào tạo từ khi mới chập chững vào nghề cho tới khi trở thành nhà kiện tướng quốc tế, anh vẫn luôn là cậu học trò nhỏ ngoan ngoãn và lễ phép của Khánh Thi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại