Hình tượng MẸ lồng lộng trong cuộc thi Thơ Xuân

Ban tổ chức |

(Soha.vn) - Cuộc thi “Làm và nối thơ xuân” do Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã chính thức khép lại với dư âm thật đẹp về hình tượng MẸ. Sau đây là nội dung tổng kết cuộc thi.

Hạng mục: Bài thơ hoàn chỉnh

Tết nhớ mẹ, Tết về bên mẹ… trở thành niềm khắc khoải của nhiều tác giả gửi thơ về dự thi.

Xuân, mẹ và ước mong của con của Tân Văn là nỗi khắc khoải khi người con trai Tết này không về bên mẹ, không được cùng mẹ “Nhóm lửa hồng cùng nấu bánh chưng xanh”. Vì anh hiểu rằng, chỉ dăm ba Xuân nữa thôi “Nhóm lửa hồng chỉ có mỗi anh em con”.

Thế nên, dù “Cuộc đời mẹ là một khúc Xuân ca / Luôn bên con ở phương trời xứ lạ”, dù hình bóng mẹ luôn thường trực trong ký ức, thì Tân Văn vẫn muốn một điều rất thực: “Ngồi bên mẹ trong những ngày năm mới / Cả xuân này con chỉ ước có là bao”.

Trong khi đó, Giao thừa nhớ mẹ của Thu Hiền lại là nỗi niềm một người con gái đi lấy chồng xa “Chiều ba mươi Tết ngóng ra ngóng vào”, bởi “Tết về, xuân đến con nào cũng xa”. Thế rồi những hình ảnh Tết cũ cứ lần lượt hiện lại trong tâm trí, và cũng mong: “Con chỉ có một ước mong / Về bên cha mẹ thấy lòng bình yên”… Mẹ cũng gắn liền với “Xuân này con nhớ mẹ” của Bùi Văn Đức, hay “Nhớ xuân xưa” của Nguyễn Quang Tín.

Nhưng có lẽ bài thơ chất chứa nỗi niềm nhất là “Những đứa trẻ tuổi 30 trong căn nhà mẹ mùa xuân” của Lương Đình Khoa. Dù là những thằng đàn ông tuổi 30 “ngạo nghễ với đời”, dạt phiêu sương gió, đi khắp thế gian, kể cả đến khi có là U60, U70, thì “về lặng dưới mái nhà mẹ bao dung, Vẫn ngỡ mình là đứa trẻ…”

Dù đi suốt cuộc đời, con vẫn là đứa trẻ về bên mẹ. Ảnh tranh cát trong bài hát nổi tiếng "Nhật ký của mẹ".

Dù đi suốt cuộc đời, con vẫn là đứa trẻ về bên mẹ. Ảnh tranh cát trong bài hát nổi tiếng "Nhật ký của mẹ".

Những câu thơ ngắn dài liên tiếp, những ký ức ngồn ngộn trong câu từ lấp lánh, đan xen nhau, cảm giác như chính những kỷ niệm, bon chen, va vấp, thăng trầm trong một đời người. Nhưng dẫu bão giông vần vũ trên đầu, vẫn thấy gió lặng trời yên bên thềm xuân trong ngôi nhà cha mẹ.

30 năm – trong ngôi nhà thơ ấu đời mình
Vẫn góc sân rêu, vẫn khung cửa bạc
Có đứa bé tuổi 30 – đêm mùa xuân bật khóc
Gục vào lòng mẹ, ôm bờ vai cha – vì hạnh phúc này vẫn còn giữ được trong tay!

Điều thú vị là bài thơ được Lương Đình Khoa sáng tác đúng lúc 8h01 sáng ngày “mùng 2 Tết mẹ”. Dường như dư âm hạnh phúc được ở bên mẹ của một con người giàu trải nghiệm vẫn còn rất dạt dào, nên Khoa đã làm bài thơ này… Cũng thú vị không kém khi được biết, Lương Đình Khoa chính là tác giả bài thơ nổi tiếng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Cửa sổ 30 Hoàng Diệu vẫn mở đấy thôi khi hàng trăm nghìn người dân đến viếng Đại tướng ở Hà Nội…

Bên cạnh thơ về Mẹ thì cuộc thi cũng nhận được những bài thơ hay về Em. Nguyễn Tài Diệu nhắn nhủ trong Nhớ: “Em về quê mẹ đón Xuân / Nhớ mang ít “lạnh” cho anh trong này / Tình quê cứ mãi đong đầy / Nhớ cho anh! Gửi thư này nghe Xuân”! Khổ thơ đầu kết lại đầy trẻ trung thể hiện tâm hồn người đang yêu thuở 18, đôi mươi phơi phới.

Hay như trong bài Em mang mùa xuân trở lại của Đông Thanh Trúc, nhịp thơ như hối thúc, như giận hờn, như giục giã, nhưng ai cũng cảm nhận được trọn vẹn sự trìu mến của người con trai dành cho người con gái. “Chiều xuân thơm! Chiều xuân thơm!... Muốn đi bên em trong gió lộng, muốn gần chút nữa vòng tay ôm”… Rất mãnh liệt, rạo rực, nhưng thật bất ngờ: “Yêu em như mùa xuân tinh khiết / Làm sao anh có thể gần hơn”!

Tham gia ngay từ đầu với rất nhiều bài thơ tự sáng tác và ứng đối, tác giả Nguyễn Minh Út lại mang đến những dư vị đa dạng cho cuộc thi. Khi thì là "Dáng xuân" với "Dáng em xanh cả màu mưa trên đồng"; lúc là chục câu lục bát chúc vui và hóm hỉnh dành tặng mọi người, chẳng hạn: "Doanh nghiệp vực dậy ào ào / Ngân hàng địa ốc cũng nhào vô chơi / Công nhân viên chức thảnh thơi / Lương thưởng cao ngất cho đời lên hương"... Nhưng có lẽ lắng đọng nhất khi đọc thơ Nguyễn Minh Út là phút hoài niệm mang hơi hướng giống một vị thiền sư trong thơ cổ: 

Ta ngồi đây từng ngày không mong đợi
Một nhành mai Mãn Giác cuối đêm qua
Bỗng giật mình nghe gió ngựa từ xa
Sắc lạnh trôi trên đường chiều hanh nắng

(Xuân đời - Nguyễn Minh Út)

Hạng mục: Nối thơ

Có lẽ đây là cuộc thi nối thơ lần đầu tổ chức trên mặt báo nên độc giả nhiều phần bỡ ngỡ, người gửi chưa thật nhiều, mà người chơi đôi khi cũng... "quên luật". Dù vậy, cũng có những câu thơ nối rất thú vị. 

"Mở màn" tham gia nối thơ, tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh viết: "Khi Xuân đến Đông lại rời đi mất / Lúc Đông về Xuân lại chẳng còn đây / Nhưng thật may năm nay ta chạm mặt / Quyện vào nhau làm nên Tết sum vầy". Tác giả ra đề là dùng 2 chữ "sum vầy" cuối cùng để bắt đầu bài thơ nối. 

Bạn đọc Ngô Hoàng Liên viết: "Sum vầy chờ đợi cả năm / Một năm vất vả lo toan bộn bề / Xuân về trên khắp đường quê / Cụ già em nhỏ nụ cười hân hoan". Nguyễn Minh Út ứng đối: "Sum vầy, ly biệt cứ Xuân, Đông / Tạo hoá xưa nay chẳng bất công / Tuần hoàn định luật âu là thế / Sum vầy cho thỏa lúc chờ mong"! v.v.

Rôm rả hơn cả là "đề thơ" của tác giả Bùi Thắng. Anh viết:

Xuân về trên khắp muôn nơi
Lộc non lá biếc bầu trời thắm xanh
Giọt sương trên lá long lanh
Nụ hoa trắng nở trên cành cây khô

Nối theo vần "ô", bạn đọc Lưu Hải Yến viết: "Người về lòng dạ ngẩn ngơ / Nhớ câu hẹn ước người ơi đừng về / Xuân sang chồi nụ đâm bông / Vườn hồng thiếp đợi, canh thâu thiếp chờ". 

Còn bạn đọc Nguyễn Đức Chính thì dường như muốn tâm sự hơn là "thi", anh viết: "Lang thang đọc SOHA, đọc được tip nối thơ, tiểu đệ mạo muội cũng xin tiếp đôi dòng: "Đào phai trải thắm vườn Hồ / Quýt vàng trĩu quả dưới làn mưa xuân / Đầu hồi chum muối dưa hành / Góc sân lửa đỏ bện mùi chưng xanh". 

Nếu "Chồi xuân" nảy lộc đâm cành, trổ hoa kết trái rồi thơm mùi bánh chưng xanh thôi thì mình thấy chưa đủ nên có viết thêm một đoạn nữa: Thơ xuân với lòng yêu nước!

Nhớ ngày đạp núi Khe Xanh
Xuyên Thành sáu tám lòng tràn nhiệt hăng
Vui Xuân chiến thắng bảy nhăm
Đến Xuân bảy chín tiếng căm vang trời
Giờ đây biển đảo sục sôi
Quyết bền ý chí xẻ đôi quân thù

Trong khi đó, bạn Trần Nhật Thăng lại có 4 câu nối rất "thời sự" về chuyện thời tiết quá lạnh nhiều nơi xuất hiện tuyết: "Xuân này tuyết phủ Sa Pa / Lại thêm Cao - Lạng tuyết sa trắng đèo? / Thời gian thì cứ bay "vèo"? / Bốn mùa thay đổi nên nghèo mất "Thơ"!

Câu chuyện thời sự Sa Pa có tuyết "đi vào" cuộc thi nối thơ. 

Bạn đọc Hương Bùi cũng "mơ về núi rừng": "Núi rưng bát ngát hương đưa / Sắc xuân rực rỡ muôn màu Đào, Mai / Nàng xuân xanh mướt miên man / Hương xuân vương vấn nặng tình thi nhân". Tác giả Nguyễn Minh Út thì nối: "Lung linh mặt đất sông hồ / Cành mai điểm xuyết thắm tô cuộc đời / Mơn man cơn gió chào mời / Bâng khuâng dạ trẻ ấm hơi lòng già".

Nhìn chung, các bài thơ nối của bạn đọc chỉ dừng ở mức độ "hợp vần" mà BTC chưa tìm thấy những thơ nào "xuất thần" để có thể trao giải. 

Kết quả giải thưởng: 

Sau khi tổng kết, BTC đã quyết định trao 2 giải là "Bài thơ hoàn chỉnh hay nhất" và "Bài ra đề nối thơ thú vị nhất", còn giải "Nối thơ" hẹn bạn đọc ở một cuộc thi tương tự gần nhất do chưa tìm được bài thơ nối thật hay...

* Bài thơ hoàn chỉnh hay nhất: Những đứa trẻ tuổi 30 trong căn nhà mẹ mùa xuân , tác giả Lương Đình Khoa.

* Tác giả ra đề thơ thú vị nhất: Tác giả Bùi Thắng ( bấm vào đây xem đề thơ và các câu thơ nối )

BTC sẽ liên hệ với 2 tác giả nêu trên để trao giải thưởng là lì xì 1 triệu đồng mỗi giải. Số tiền sẽ được gửi qua tài khoản của các tác giả hoặc nhận trực tiếp tại tòa soạn.

Trân trọng cảm ơn quý độc giả đã ủng hộ và tham gia cuộc thi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại