Khi truyền hình thực tế (THTT) bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam thì cũng là lúc hai từ “giám khảo” trở nên dần quen thuộc với các công chúng.
Người đảm nhận vị trí này chính là các ngôi sao trong làng giải trí. Điều này thực sự đã tạo nên một làn gió mới đầy hấp dẫn cho showbiz Việt vốn đang ở giai đoạn bão hòa và tẻ nhạt. Thậm chí, nó còn trở thành yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại.
Cạn kiệt nguồn giám khảo
Nhưng cũng chính lúc này, những người làm chương trình mới phát hiện ra một sự thật... phũ phàng là Việt Nam không có đủ các ngôi sao hay nhân vật nổi tiếng để đảm nhận vai trò này. Vì ngoài việc phải tìm ra người nổi tiếng thì họ còn phải đáp ứng được vấn đề chuyên môn trong chương trình tham gia.
Chính vì thế, thời gian đầu, khán giả Việt gần như mệt mỏi và phát ngán với những gương mặt như SiuBlack, Lê Hoàng, Nguyễn Quang Dũng. Sơ sơ, các nhân vật này cũng từng làm giám kháo ít nhất 3-4 chương trình. Kém hơn một chút có Mỹ Linh, Hồ Hoài Anh, Thanh Lam, Hồ Ngọc Hà, Hoài Linh, Lưu Thiên Hương, Mỹ Tâm, Khánh Thi đều làm qua ít nhất 2 chương trình mà cái nào cũng kéo dài trên 3 tháng đến cả năm.
Việc các giám khảo nhảy qua lại giữa các chương trình cũng không còn quá xa lạ. Quốc Trung và Thu Minh hoán đổi vị trí giám khảo – Huấn luyện viên giữa 2 cuộc thi VietNam Idol và Giọng hát Việt. Chí Anh hết làm giám khảo cho sao ở Bước nhảy hoàn vũ lại chuyển sang làm giám khảo cho các thí sinh ở Thử thách cùng bước nhảy (So you think you can dance).
Và quanh đi quẩn lại thì cũng chỉ có thế! Giám khảo xoay vòng đến mức có đôi khi khán giả chóng mặt đến độ chẳng còn nhận ra được họ đang chấm thi cho chương trình nào.
Khen là chính, chê cho vui
Dưới áp lực là sự nổ rộ của các chương trình THTT nên đôi lúc việc chọn giám khảo gần như lá vấn đề chỉ cần sao có thời gian tham gia là được. Hầu hết, các giám khảo của các chương trình THTT đều là các ca sĩ quen thuộc. Vì vậy, nên khán giả sẽ có được cảm nhận là các ca sĩ Việt rất đa tài khi có thể chấm thi ở bất kỳ lĩnh vực nào. Từ ca hát cho đến nhảy múa, thậm chí với vai trò đào tạo, huấn luyện cho các thí sinh.
Đây chính là điểm mấu chốt để khiến cho vai trò giám khảo bị nhạt nhòa và trở nên kém duyên dáng. Phần lớn, do không chuyên nên các nghệ sĩ cũng chỉ nhận xét đúng theo kiểu chung chung. Như khi nói về phần thi hát trong các cuộc thi như Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam Idol, Giọng hát Việt... thì các giám khảo lại lần lượt khen hết quần áo thí sinh đẹp cho đến việc bất ngờ phong tặng cho họ các danh hiệu trên trời, mà trong đó chủ yếu là tâng bốc thí sinh.
Vì lẽ đó nên không hiếm các nghệ sĩ sau khi tham gia các vai trò giám khảo đã ngay lập tức bị khán giả phong tặng cho danh hiệu “thảo mai” (từ mà gần đây giới trẻ ưa dùng để nói về tính cách ưa dùng việc khen tặng, tâng bốc nhau, giả lả khi nói chuyện của người nào đó).
Ở khu vực các cuộc thi nhảy cũng chẳng khá khẩm hơn, ngoài dàn bao là các giám khảo chuyên môn như Chí Anh, Trần Ly Ly, Khánh Thy... thì đa số các giám khảo khách mời chỉ làm đẹp đội hình là chính. Điều này xảy ra ngay cả với những ngôi sao đã từng đoạt giải lớn tại các cuộc thi tương tự. Trong chương trình Vũ điệu đam mê, BTC còn sẵn sàng bỏ đi một ghế giám khảo khách mời để đôn lên làm MC khi bị nghệ sĩ bỏ sô vào giờ chót.
Showbiz Việt vốn nhỏ bé, số lượng nghệ sĩ đủ khả năng ngồi ghế giám khảo cũng rất ít. Nhưng các chương trình THTT thì lại đang nở rộ, cái cũ chưa dẹp thì cái mới đã vội đến. Và có lẽ câu chuyện về các giám khảo của THTT Việt chắc chắn sẽ còn kéo dài cho đến khi nào các nhà tổ chức chịu đóng cửa bớt đi những chương trình không còn sức hút. Và khán giả, cuối cùng cũng sẽ là người duy nhất phải chịu thiệt thòi khi cứ phải ngày ngày xem những chương trình THTT kém chất lượng.