Chúng tôi trích đăng nguyên văn bài viết của đạo diễn trẻ, đang được cộng đồng quan tâm vì những lời chỉ trích hài hước về việc “rước” Omar sang Việt Nam chỉ vì…đẹp.
Vé “chợ đen” chỉ 10.000 đồng/vé nhưng không có người mua
Khoảng hơn 19h tối (giờ diễn ghi trên vé), dạo vòng quanh trước cổng sân vận động quân khu 7, người viết bài không hình dung được sức hút của một đêm nhạc được quảng bá rầm rộ với nhiều chiêu trò lại chỉ vỏn vẹn lác đác vài chục người đang gửi xe ở bãi. Cánh vé chợ đen thì ngồi ủ rũ quơ quào miệng như không còn hơi hét: "10 ngàn cho một vé coi chương trình đây chú ơi!”. Không khí khác hẳn với những đêm nhạc của ca sĩ trong nước tổ chức tại đây.
Dù ghi trên vé là 19h nhưng phải đến 20h10' đêm nhạc mới bắt đầu diễn ra, xung quanh khán đài và cả ở sân chắc cũng có khoảng gần 3,000 người tham dự. Trước đó, một số ít đã bỏ về vì trời mưa to và không đúng kì vọng của họ cho một show diễn có khách mời quốc tế. Ở phạm vi bài viết này, người viết không đi quá sâu vào tường thuật đêm diễn mà chỉ tổng hợp những điểm trừ để chia sẻ cùng bạn đọc.
Trai đẹp Omar xuất hiện tích tắc chỉ để…chào khán giả
Kịch bản chương trình được đánh giá là kém và không thấy được sự sắp xếp hợp lí của bàn tay đạo diễn chuyên nghiệp. Ngoại trừ các phần ca hát của các ngôi sao trong nước gây sốt khán giả và cũng không để khán giả buồn lòng dù nội dung ca khúc chả có gì ăn nhập với “Kết nối ước mơ” thì tiết mục liên quan đến khách mời dường như đuối và không có chút lửa.
Đội người mẫu trình diễn trong không gian loãng và trời thì cứ mưa, khán giả cũng không mặn mà với tiết mục thời trang bởi ở địa điểm này dường như thiếu phù hợp.
Những tưởng, màn thời trang là cứu cánh để kết nối với phần diễn của các khách mời thì ngược lại với kì vọng, các khách mời được đón tiếp vụng về để tiến ra sân khấu và nói lời cảm ơn, giao lưu vài câu ngắn ngủi rồi chào tạm biệt. Chương trình ca nhạc lại tiếp diễn… Được biết, hoa hậu Thùy Dung cũng đã thay đồ và bỏ diễn khi gần đến tiết mục của cô. Trước đó, siêu mẫu Ngọc Tình cũng bỏ tập và từ chối tham gia đêm này.
Lại nói về bộ phận truyền thông của chương trình, một kịch bản cho event còn lỏng lẻo thì làm sao một kế hoạch truyền thông - tiếp thị có thể tốt hơn được? Thấy người đi dự treo status trạng thái than rằng khán giả vắng quá thì ngay lập tức những thành viên trong BTC liền đáp trả bằng các status kiểu “khán giả đến quá đông dù trời mưa”. Hay “3 anh em Lưu gia đã tài trợ 7,000 áo mưa cho khán giả” khi thấy có người tung hê cả sân vận động chỉ lác đác gần 3,000 người lổm nhổm (trong khi sức chứa dự kiến của BTC là 20,000 người). Xử lý “khủng hoảng” như trường hợp này thì rõ ràng không nên!
Thất vọng…toàn tập
Nếu như BTC đừng tung hê quá “đao to búa lớn” về mục đích – ý nghĩa chương trình thì có lẽ sẽ không bị khó xử với cái tên “Kết nối ước mơ”. Một bạn trẻ xem xong show diễn đã thất vọng cho biết: “ước mơ gì mới được chứ? Ngay cả việc 4 người họ được mời qua đây em còn chưa hiểu để làm gì và em nghĩ bản thân họ cũng không biết mục đích của họ xuất hiện là để làm gì thì kết nối ước mơ gì chứ?”
Và có lẽ, các đơn vị tài trợ cũng chả lấy gì làm vui vẻ khi chứng kiến số tiền mình bỏ ra để đi đến kết quả như thế. Hình ảnh và thương hiệu của nhà tài trợ cũng mờ mịt và khán giả trong nghề quảng cáo còn không biết ai tài trợ nếu như không dò hỏi đồng nghiệp đặng…cười mỉm!
Nếu như phần xuất hiện của các khách mời được viết kịch bản chắc hơn, ý tưởng tốt hơn thì rõ ràng chương trình sẽ ít nhiều ghi được điểm trong mắt khán giả. Nếu như thay vì cho các khách mời xuất hiện trong quán Bar ở hoạt động bên lề mà hướng đến việc MC dẫn khách mời lê la hàng quán dân dã của Sài Gòn, thưởng thức các món ăn mà giới trẻ ưa thích rồi quay clip phát trong chương trình, hoặc đưa lên mạng nhằm quảng bá du lịch, quảng bá ẩm thực đường phố Sài Gòn thì càng đẹp hơn đúng không?
Nếu như phần giao lưu của 3 anh em họ Lưu được quan tâm kĩ hơn, khai thác kinh nghiệm đóng phim bom tấn, hoặc những khó khăn của họ khi tham gia đóng phim. Đồng thời chiếu lại một đoạn clip phim họ tham gia thì có lẽ họ cũng có cơ sở để trò chuyện và gần gũi khán giả hơn.
Nếu như, các khách mời cùng tập chung bài hát nào đó hoặc mặc hẳn áo truyền thống Việt Nam để xuất hiện theo mô tuýp cũ các đơn vị khác vẫn tổ chức thì ít ra cũng có chút gì gợi nhớ trong khách mời khi họ về nước.
Thật vậy, với bài viết lung tung chả có sắp xếp trước như thế này, người viết cảm thấy còn khó, bởi có quá nhiều điều cần nhìn nhận về chương trình này, không biết xếp ý như thế nào cho hết. Trước khi tạm kết bài này, chắc hẳn khán giả quan tâm đều cùng suy nghĩ “mục đích của chương trình này là để làm gì?”
Và có lẽ sự thất bại không như mong muốn của đêm nay sẽ là một “kỷ niệm” khó quên của 4 anh chàng. Cả 4 khách mời chắc cũng hoang mang: “Mục đích mình đến Việt Nam tham dự sự kiện này là để làm gì nhỉ?”
Omar đã được BTC bảo vệ nghiêm ngặt như…Tổng thống?
Phóng viên Tử Văn đã bị người của BTC “trục xuất” khi đang phỏng vấn anh chàng “trai đẹp” Omar. Anh bức xúc:
“Hôm nay đọc Facebook mấy anh chị phóng viên đi dự show trai đẹp bị trục xuất, thấy ai cũng thấy bực. Omar của quý vị có cái gì mà phải cách ly như tội phạm, khi xuất hiện thì hộ tống như tổng thống vậy? Ai tới thì đuổi nói "Vô đây làm gì"...chụp hình thì bị đuổi như đuổi tà.
Khi Omar về thì hàng chục bảo vệ đứng canh trog phòng cách ly, rồi dàn hàng ngang ra để tiễn vị Vua của họ 1 cách trịnh trọng nhất...Thật ngưỡng mộ”.