Tìm thí sinh kiểu "xoay vòng"
Những ca sĩ phòng trà, ca sĩ lang thang xuất hiện trên sâu khấu các cuộc thi ca hát trên truyền hình vốn không phải nhiều. Trong khi để có được những ca sĩ như vậy, những người vừa có sự hoang dại, tự nhiên, không "vẩn đục" và có thực lực thì càng hiếm tựa lá mùa thu. Do đó, việc tìm thí sinh sẽ có những quy định không theo quy định nào.
Theo chia sẻ một nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tìm kiếm các thí sinh, có rất nhiều những thí sinh là các ca sĩ hạng C hoặc là những thí sinh tham dự rất nhiều các cuộc thi ca hát. Họ chính là những thí sinh "xoay vòng". Những thí sinh này thường xuất hiện tại những vòng loại, vòng sơ tuyển, họ dễ tạo dư luận, gây tranh cãi cũng như tạo sự chú ý từ giám khảo, HLV.
Những thí sinh này không phải do họ chủ động tham gia, đó chính là chủ đích của nhà sản xuất chương trình bỏ tiền mời họ tham gia. Những thí sinh này là những ca sĩ hạng C, "thí sinh đi thi chuyên nghiệp" thường bị loại giữa chừng hoặc chủ động xin dừng thi.
Nói về "thí sinh chuyên nghiệp hóa", anh T thản nhiên tiết lộ mình là một trong những người như vậy: "Tôi từng tham gia hai lần tại cuộc thi China’s Got Talent , những lần đó đều do ban tổ chức chủ động liên hệ mời tôi tham gia. Ngoài ra, còn có rất nhiều các cuộc thi tìm kiếm tài năng trên truyền hình mời tôi tham dự". Thậm chí tại cuộc thi Happy Boys năm nay, trong số những thí sinh "xinh gái" có không ít người chỉ là "diễn viên quần chúng".
Những công ty chuyên đào tạo thí sinh
Ngày nay đã xuất hiện những công ty chuyên đào tạo thí sinh cho các cuộc thi ca hát. Họ có nhiệm vụ đào tạo những thí sinh giúp những nhà sản xuất chương trình, tạo những thí sinh có hoàn cảnh, thí sinh gây sự chú ý. Trong tay các công ty này có đội ngũ thí sinh chuyên nghiệp, vì vậy, các cuộc thi chỉ cần bỏ ra một khoản tiền sẽ được cung cấp "dịch vụ" đặc biệt này, anh T tiết lộ với phóng viên tờ QQ.
Về mức giá, anh T cho biết, anh không rõ giá trung bình là bao nhiêu, tuy nhiên có một số công ty cung cấp đơn giá rất chi tiết và rõ ràng. Theo một nguồn tin tờ QQ nhận được, thí sinh Trương Chung Linh từ cuộc thi Supper Girls năm 2006 được trả với giá 10.000 NDT (34 triệu đồng) cho mỗi lần lên sân khấu. Trong khi thí sinh Dị Huệ tại Supper Girls 2005 có giá cao nhất, mỗi lần xuất hiện trên sân khấu sẽ được trả 20.000 tệ (khoảng 67 triệu đồng).
Cũng theo tiết lộ của anh T, các công ty chuyên cung cấp thí sinh cho các cuộc thi sẽ được lợi nhiều khi "gà" của họ tham dự nhiều cuộc thi: "Thí sinh càng xuất hiện nhiều trên truyền hình, cơ hội được mời diễn càng lớn, diễn nhiều thì tiền thù lao được trả càng cao".
Ca sĩ đi thi vì muốn nổi danh
Anh T còn tiết lộ với tờ QQ, những ca sĩ chuyên nghiệp không ít người đăng ký tham dự các cuộc thi ca hát. Trong số họ, có người muốn thực hiện giấc mơ được ca hát, nhưng cũng có người nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý với công chúng.
Ngoài việc đánh bóng tên tuổi, giá cát-xê của họ cũng sẽ tăng vùn vụt nếu họ tiếp tục lọt sâu vào những vòng trong, số tiền này do chính ban tổ chức trả cho ca sĩ. Những ca sĩ này còn được ban tổ chức bao trọn gói tiền vé đi lại, ăn ở và được trả cả thù lao vì đã nhận lời tham gia cuộc thi.
Sự việc trên của anh T được một nhân viên của chương trình The Voice xác nhận là có thật. Với người phụ trách tìm kiếm thí sinh thi tài, việc thí sinh biết nhạc lý, biết hát và có tuổi đời phù hợp yêu cầu chương trình đề ra là chưa đủ.
Khi chương trình được phát sóng, ban tổ chức phải chú ý đến việc lăng-xê chương trình và thí sinh tới công chúng, người hâm mộ. Vì vậy, việc tìm đến các ca sĩ có tên tuổi trợ giúp là điều tất nhiên, thậm chí còn gây được sự chú ý nhờ tên tuổi hoặc ngay cả "scandal" của họ nếu có để thu hút dư luận.
Một ví dụ từ trường hợp này là nữ ca sĩ Đài Loan Lý Gia Vy được trả tiền để tham dự cuộc thi X Factor hay nam ca sĩ người Nội Mông Hô Tư Lăng tại cuộc thi Chinese Idol cũng vậy, cả hai đều đánh bài "chuồn" bằng cách xin rút lui khi cuộc thi đã đi được nửa chặng đường.
Không đủ thí sinh thì “mượn” của chương trình khác
Mặc dù có không ít những thí sinh kiểu "xoay vòng" hoặc những ca sĩ hạng C muốn xuất hiện tại các cuộc thi làm đội ngũ thí sinh cho các cuộc thi ca hát. Tuy nhiên, những thí sinh mới có thực lực, tiềm năng lại hạn chế. Trong khi tìm kiếm những thí sinh như vậy ở trong khu dân cư, các trường nghệ thuật, hộp đêm, ga tàu, bến xe hay trên mạng đều không thể đủ cho chương trình.
Tiết lộ từ giám đốc điều hành một cuộc thi tiết lộ, thường sẽ có những quy tắc không theo cách thông thường nhưng lại khá đơn giản. Đó là tìm "mượn" thí sinh từ các cuộc thi tương đương khác, thực chất là lôi kéo, dụ dỗ hay nẫng tay trên các thí sinh của chương trình khác bằng món tiền khổng lồ. Hễ thấy thí sinh của cuộc thi nào có tiềm lực, ban tổ chức sẽ tìm mọi cách để kéo thí sinh này về cuộc thi của họ.
Về hiện tượng này, thành viên ban tổ chức cuộc thi Amazing Voice tiết lộ, ban tổ chức cuộc thi The Voice từng có ý định thu nạp và lôi kéo thí sinh top 12 Phàn Phó của Amazing Voice qua đó thi. Hiện tượng này trong năm 2013 diễn ra ngày một nhiều, các thí sinh từ cuộc thi Mama Mia có đến 6-7 thí sinh bị các cuộc thi khác lôi kéo bằng tin nhắn và điện thoại.
Tiết lộ của tổng giám đốc Vương Lỗi Khanh từ cuộc thi Chinese Idol cho biết, thí sinh hạt giống Dương Phàm từ cuộc thi của ông bị The Voice mùa hai lôi kéo. Ngoài ra nhóm A Cát Thái khi đang tham dự cuộc thi Chinese Idol cũng tự nguyện xin rút lui khỏi chương trình.
Gặp trường hợp tương tự, đạo diễn Nghiêm Minh từ cuộc thi Đại địa phi ca ngán ngẩm nói: "Chỉ những chương trình có tiếng tăm và kinh phí dồi dào mới có khả năng lôi kéo, dụ dỗ thí sinh của cuộc thi khác. Trước đây, từng có thí sinh tham dự cuộc thi của chúng tôi, một thí sinh có năng lực.
Thế nhưng thí sinh này đã nói lại với chúng tôi, có một vài cuộc thi khác cũng muốn bạn ấy qua bên đó, họ đồng ý trả thí sinh này nhiều tiền hơn. Nghe đến vậy chúng tôi nhất định không nhượng bộ, sau đó không thấy người bên đó dòm ngó nữa".
Teo tờ QQ điều tra cho biết, để bảo vệ những "hạt giống" tiềm năng, ban tổ chức các cuộc thi của những đài khác dụ dỗ, "nẫng tay trên". Một loại hợp đồng được thảo ra với yêu cầu các thí sinh phải cam kết tham gia chương trình từ đầu đến cuối.
Thậm chí nếu thấy thí sinh có tiềm lực, nhà đài sẵn sàng ký hợp đồng quản lý đối với thí sinh này ngay từ khi tham gia cuộc thi. Trường hợp này có thể kể đến việc làm của ban tổ chức cuộc thi Happy Boys, đây được coi như một truyền thống của cuộc thi này nhằm giữ chân thí sinh.
Hứa hẹn phẫu thuật thẩm mỹ để thu hút thí sinh
Ngoài việc lo sợ thí sinh bị cuộc thi từ đài khác "bắt cóc", nhiều cuộc thi đã nghĩ ra trăm phương nghìn kế để giữ chân thí sinh. Họ hứa hẹn, tung hỏa mù về một viễn cảnh tươi đẹp dành cho các thí sinh ở phía trước.
Một người hoạt động sản xuất chương trình thi thố trên truyền hình đã phát biểu một cách hình tượng như thế này: "Bây giờ, thí sinh đã từ vị trí bên A trở thành vị trí bên B".
Những thí sinh hạt giống giờ đây có thể tự ý thỏa thuận, thương lượng giá cả với các chương trình. Muốn khai quật được thí sinh thì chỉ còn cách bỏ ra nhiều tiền, không có mức tiền cao nhất mà chỉ có mức tiền cao hơn càng tốt.
Nếu không muốn bị đối thủ khác giành giật thí sinh, càng phải bỏ ra mức tiền cao hơn mà đối thủ bỏ ra. Một trường hợp thí sinh năm nay mà cá nhân trên dẫn chứng, có ba chương trình đều muốn có thí sinh này, rút cục thí sinh đã xem xét mức giá mà ba chương trình đưa ra để chọn lựa.
Ngoài ra, để tạo ra sự nhiệt tình và thái độ tích cực của các thí sinh, không ít cuộc thi còn đưa ra những hứa hẹn, phần thưởng cho các thí sinh. "Có cuộc thi đặt ra tiêu chuẩn, vào top 30 sẽ có phần thưởng bao nhiêu tiền, vào top 20 sẽ có thêm bao nhiêu trợ cấp. Còn nếu vào đến top 10 không cần phải bàn", anh A hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình thực tế chia sẻ. Tất nhiên mức tiền các thí sinh nhận được không phải là nhỏ, thường là những món tiền mà họ có mơ mới có.
Hiện nay, thông thường một thí sinh tham dự cuộc thi nào cũng phải bỏ ra từ 2-3 tháng, vì vậy không ít chương trình còn ký hợp đồng lao động đối với các thí sinh. Trong hợp đồng nói rõ thời gian nào thí sinh được nhân bao nhiêu tiền. Việc này là một cách giúp thí sinh không phải lo đến kế sinh nhai, khiến họ cảm thấy yên tâm theo đuổi cuộc thi.
Ông Vương Lỗi Khanh nói với tờ QQ, top 20 thí sinh của Chinese Idol đều nhận được hợp đồng riêng. Không chỉ trên phương diện âm nhạc, thậm chí họ còn được tạo điều kiện xuất hiện trên sân khấu, đóng phim, làm MC… Đối với những thí sinh thực sự có tiềm lực sẽ được bao trọn gói để trở thành một ngôi sao thần tượng trong tương lai.
Đối với top 12 thí sinh cuộc thi Happy Boys, họ được ký hợp đồng và được biểu diễn trên sân khấu ca nhạc của đài Imgo TV. Ngoài ra, nhiều cuộc thi cũng ký hợp đồng với những thí sinh có năng lực.
Ví dụ, thí sinh của The Voice có thể ký hợp đồng làm ca sĩ cho công ty Bright Star. Có chương trình dù không đủ năng lực ký hợp đồng thu âm với các công ty, bù lại họ có thể ký hợp đồng biểu diễn với các đài vệ tinh hoặc ký với những công ty có liên quan đến lĩnh vực truyền hình.
Việc tạo điều kiện bồi dưỡng chuyên nghiệp cho các thí sinh, giúp thí sinh tỏa sáng cũng là điều mà cuộc thi tìm kiếm tài năng, cuộc thi ca hát chú ý đến.
Có thể nói đến trường hợp cuộc thi Chinese Idol năm nay, trong quá trình đào tạo thần tượng, chương trình này không tiếc tiền mời nữ MC lừng danh xứ Đài Tiểu S, Thái Khang Vĩnh, nam ca sĩ La Chí Tường hay nhóm nhạc Vương Chí Chung cùng nhiều chuyên gia âm nhạc đến giúp các thí sinh trên đường trở thành ngôi sao sáng giá và nổi tiếng. Đặc biệt, cuộc thi Happy Boys theo tiết lộ của ông Nghiêm Minh cho biết, cuộc thi năm nay vẫn được tổ chức trong một tòa lâu đài lớn dành riêng cho các thí sinh.
Hơn nữa, các thí sinh năm nay không những được nhận cát-xê từ chương trình. Trong quá trình đào tạo rèn luyện thân hình, luyện âm đều do những chuyên gia đảm nhiệm. Ngoài ra còn mời các huấn luyện viên từ Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu đến giúp sức. Không những thế, có cuộc thi còn sẵn sàng chi tiền cho thí sinh top 10 đến Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ, kinh phí đều do phía ban tổ chức bao 100%.
Như vậy, xem ra cuộc chạy đua hay có thể gọi là cuộc chiến ngầm giữa các cuộc thi ca hát đang phát triển như vũ bão ở Trung Quốc ngày nay, người được lợi nhất vẫn là khán giả. Để được thưởng thức những hình ảnh đẹp lung linh, những màn trình diễn ấn tượng cùng câu chuyện xúc động, bất ngờ đến giật gân của thí sinh.
Những lời nhận xét có cánh hay sự ngán ngẩm của giám khảo. Tất cả chỉ là những chiêu trò, mánh khóe và kịch bản được tổ chức một cách có hệ thống, thậm chí còn có cả những đơn vị trung gian, nhà cung cấp thí sinh cho các cuộc thi này.
Liệu khán giả có phải đang bị chính những cuộc thi tìm kiếm tài năng như thế này lừa phỉnh nhưng vẫn không rứt ra được? Đó chính là công nghệ, là nghệ thuật của những tay phù thủy truyền hình luôn tìm mọi chiêu trò, cách thức để thu hút người xem.