PV: Thưa anh Chí Trung, anh có cho rằng mình là người tử tế?
NSƯT Chí Trung: Tôi luôn coi tôi là người tử tế và lúc nào tôi cũng cố chứng minh lời tôi nói là đúng!.
PV: Vậy người tử tế là người như thế nào, theo anh?
Là người sống biết nghĩ nhiều đến mọi người, biết hy sinh nhu cầu nhỏ bé để hướng đến cái lớn chung của tập thể. Tuy nhiên chữ “tập thể” còn phải bàn nhiều, lắm khi tập thể cũng xấu! “tập thể” mà tôi nói ở đây là tập thể tốt, cùng làm những cái tốt. Đó là tập thể mà anh luôn sống vì nó, ví dụ Nhà hát Tuổi trẻ là tập thể như thế!
PV: Làm người tốt, người tử tế có khó không, thưa anh?
Như Lục Vân Tiên trong truyện xưa, ngày nay cũng có những người nghĩa hiệp. Ví dụ hàng ngày trên báo đăng tin có những hiệp sĩ đã dũng cảm bắt cướp, liều mình vì sự bình yên chung của mọi người. Nhưng tôi muốn phân biệt rõ thế này: Có những hiệp sĩ hành xử nghĩa hiệp chỉ để thỏa mãn lòng ham thích muốn trở thành một hiện tượng, và có những hiệp sĩ đột ngột trở thành hiệp sĩ… do hoàn cảnh. Tôi là một trong những hiệp sĩ đột ngột trở thành hiệp sĩ ấy đấy!
Tôi cho rằng, chất hiệp sĩ, thứ nhất là trong con người đàn ông cần phải có; thứ hai là trong phẩm chất công dân cần phải có. Thế nhưng ngày nay, nhiều giá trị đạo đức đang bị mất dần đi.
Ví dụ, bây giờ giá trị đạo đức mà người lớn dạy con trẻ, bố mẹ dạy con, ông bà dạy cháu trong gia đình là cái gì? Không dạy tiên học lễ hậu học văn, không dạy kính trên nhường dưới, những điều hay lẽ phải của cuộc sống… mà lại cứ dúi con vào học. Học, học và học!. Học để thỏa mãn bệnh thành tích chung?...
Ai cũng mong con mình có thể trở thành tiến sĩ cao siêu, thành giỏi giang xinh đẹp... Nhưng nói thật, người đánh giày có đạo đức tốt còn hơn là những giáo sư, tiến sĩ mà “tiến sĩ giấy”, “giáo sư bằng”, tức là không thực chất. Đó là thực tế cuộc sống hiện nay.
Tôi có phải là người tốt không? Trong thời điểm hiện nay tôi là người tốt, tôi sẵn sàng làm Lục Vân Tiên trong những hoàn cảnh cụ thể, nhưng không phải mọi lúc mọi nơi. Bởi đơn giản nếu như mọi người không đồng lòng thì tôi sẽ trở thành một kẻ đơn độc. Và như vậy cái tốt không mang lại hiệu quả cao. Một mình tôi không thể đuổi được cướp tốc độ cao, không chặn bắt được chúng, tôi lăn kềnh ra ngã, gãy chân gãy tay, tôi bị nó trở lại báo thù… ai có thể bảo vệ tôi?. Vậy là tôi nghĩ. Tôi có thể trở thành Lục Vân Tiên, nhưng mà có điều kiện.
Tất cả chúng ta phải đồng lòng thì những Lục Vân Tiên ấy không cá biệt, không thành biểu tượng trên sách nữa mà nó phải là cuộc sống, trong mỗi trái tim con người phải có một Lục Vân Tiên. Trái tim tôi có, trái tim bạn có, nhưng không bật ra được. Ai cũng tốt một cách có điều kiện, đó là điều không nên. Lẽ ra họ phải là người tốt không có điều kiện.
Làm “Lục Vân Tiên có điều kiện” là một sự cơ hội. Nếu đuổi được, đánh được chắc ăn thì mới đuổi, còn nếu nó đông, 2-3 thằng bặm trợn xăm trổ đầy người, mình có một mình thì đuổi làm gì, ngại nó quay lại trả thù mình!.
Cách đây hơn 2 chục chục năm, có đứa ăn cắp cốp xe máy ở số 10 Ngô Thì Nhậm, tôi nhìn thấy 2 thằng nó ăn cắp của người ta, tôi đuổi theo, đến hết chợ Hôm rồi sang cuối phố Bà Triệu, vào con đường cụt. 2 thằng đỗ lại, hỏi: “ông muốn gì?”. Tôi quát: “Mày đồ ăn cướp, trả lại cho người ta ngay!”. Nó đe dọa: “Mày nhớ mặt tao”. Tôi chùn lại, quay xe đi. Người ta vẫn bị mất. Và mình thấy mình trở nên lố bịch. Nếu nó hành hung, ai cứu tôi?
Nên tôi muốn nói rằng, làm người tốt phải là phong trào, công thức, phản ứng đương nhiên ở mỗi người. Nếu tất cả chúng ta đều thấy rằng chúng ta cần phải bảo vệ nhau trước cái xấu, chúng ta không còn là một cá nhân đơn độc.
Tôi thực ra là người tốt, dũng cảm nhưng nay trở thành một người tốt có điều kiện vì xã hội không cho tôi trở thành Lục Vân Tiên. Tôi sẵn sàng làm Lục Vân Tiên nếu tất cả chúng ta đều đồng lòng chống lại kẻ xấu.
PV: Anh có thể làm người tốt, nhưng không cần phải bắt cướp. Bắt cướp là việc của công an!
Đúng ra là thế nhưng không phải lúc nào người thi hành công vụ cũng kịp thời. Ví dụ thế này: Trong vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương, gần 3 tiếng đồng hồ sau khi cháy lực lượng cứu hỏa mới đến; hay 4 tiếng sau khi chìm tàu ở Cần Giờ, cứu hộ mới đến. Thật thụ động!
Có lẽ những người thi hành công vụ họ không cảm thấy đó là nhiệm vụ bắt buộc. Trong khi thực ra đấy là việc trách nhiệm của họ, họ sẽ bị truy tố trong những trường hợp vô trách nhiệm.
Mặt khác phải tạo điều kiện đảm bảo để họ làm việc một cách tự nguyện, hết lòng, vì đó là nhiệm vụ của họ.
Cuộc sống khó khăn nên ai cũng dùng cái nghề của mình để kiếm sống. Cũng như người nghệ sĩ, lẽ ra làm việc để cống hiến thì chúng tôi, trong một số trường hợp, làm để kiếm sống. Làm thế là không phải. Cũng như công an, nhiệm vụ của họ là để bảo vệ bình yên cuộc sống như 10 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Nhưng, trong một số trường hợp, họ buộc phải hoạt động, họ miễn cưỡng trong công việc, họ chưa thấy niềm vui.
Mọi cái của chúng ta đều trong giai đoạn quá độ, chuyển giao từ “trách nhiệm” sang “nghĩa tình- tâm đức của công việc”. Tôi chỉ tiếc thời kỳ quá độ của chúng ta (từ “quá độ” ở đây tôi dùng theo nghĩa hẹp, chỉ ý thức của chúng ta trong đời sống, chứ không nói chuyện vĩ mô) kéo dài quá lâu và không có đường ra. Bố mẹ thì bảo: “Con chịu khó chút đi, bố mẹ còn nghèo, còn phải phấn đấu”. Lúc con lớp 1 -2 như vậy, lớp 11-12 vẫn vậy, lúc con lấy vợ, lấy chồng, sinh con cái rồi bố mẹ vẫn bảo vậy. Đời sống người ta hữu hạn mà sao cứ cố gắng mãi ở thời kỳ “quá độ”.
PV: Có lẽ ta nên nói với mỗi người rằng: đừng thờ ơ với rủi ro của người khác, để cái ác lấn tới, vì một lúc nào đó có thể ta sẽ là nạn nhân. Anh thấy đúng không?
Tôi nói rồi, trong mỗi con người đều có cái tốt cái xấu, điều trắng đen, nhưng làm sao để xã hội chúng ta đồng lòng để cái tốt nhân lên, cái xấu bị dẹp đi. Cần sự đồng lòng chuyển biến về ý thức. Ví dụ, tôi với bạn đừng thấy cái xấu mà làm ngơ, hãy cùng đứng lên chống lại cái xấu thì sẽ tốt. Một mình tôi đứng lên, thì người khác có khi lại bảo tôi là nhiều chuyện…
Với những chuyện tại Nhà hát, tôi đấu tranh đến mức độ khắc kỷ. Không dung túng bất cứ một biểu hiện tiêu cực nào, dù nhỏ.
PV: Lại nói về Nhà hát. Có phải kịch tử tế thì ít người xem ?
Năm qua, vì sao tôi dựng lại vở “Lời thề thứ 9” của Lưu Quang Vũ?. Làm vở này, diễn viên khóc và tôi cũng khóc. Có phóng viên hỏi: anh có thân với anh Vũ không?. Tôi nói: hồi xưa không thân. Lúc đó tôi còn trẻ, chưa cảm nhận được sâu sắc. Nhưng 25 năm nay, kể từ khi anh mất, tôi tìm mãi người như anh mà không có. Bỗng nhiên, tôi càng đọc anh, càng khóc, càng nhớ. Tôi cảm thấy thân lắm.
Vở “Mùa hạ cuối cùng” của Lưu Quang Vũ mà tôi dựng năm qua, tự dưng tôi được giải Đạo diễn xuất sắc (Liên hoan Các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, tưởng niệm 25 năm ngày mất của nhà thơ- 9/2013). Tôi chỉ làm những vở kịch ấy như món quà, nén hương gửi anh Vũ - chị Quỳnh, rất nhớ họ. Tôi không trông mong, không cần biết tôi được cái gì…
Tôi dựng kịch Lưu Quang Vũ trước tiên là cho diễn viên của tôi. Đồng hành với mục đích đó là cho khán giả trẻ của tôi. Sau đó mới đến tôi, càng xa hơn nữa mới đến… Cục NT-BD. Hài kịch chúng tôi làm hàng trăm vở, thu hút khán giả, nhưng nhân vật chỉ là nhân vật nhỏ và nó nhỏ mãi. Nhưng nhân vật của Lưu Quang Vũ và vở kịch của anh toàn nhân vật lớn, dù vai phụ, nó vẫn lớn vì nhân cách, vì tri thức. Diễn viên tham gia kịch Lưu Quang Vũ, họ phải lớn lên theo và tôi đã làm được điều đấy, khi diễn viên nói với tôi (qua facebook) rằng: “mỗi lần diễn một nhân vật trong vở của anh Vũ xong, cảm thấy mình hạnh phúc”.
Phải từ những việc hàng ngày. Trong mỗi gia đình cũng vậy. Những chuyện xấu xa, nếu vợ chồng ngồi ăn cơm, bàn với nhau, con cái nắm được hết. Thì thào nói xấu hàng xóm, con cái nghe được hết. Vợ chồng cãi chửi nhau thì con cái dễ hỏng. Sau này nó sống như mình, nó hành xử như mình. Tôi đã đưa những chi tiết đó vào hài kịch, những vở không phải không thành công về doanh thu. Nên hài kịch không phải là vô bổ, đừng nói hài kịch là không tử tế.
Nhưng tôi muốn diễn viên của chúng tôi được trở thành nhân vật lớn, được diễn những vở lớn.
Tôi đang cho mua sách về và thành lập 1 tủ sách. Tôi yêu cầu anh chị em rằng là vào Facebook ít thôi, nhắn tin ít thôi, mỗi tuần hãy đọc 1 quyển sách, viết thu hoạch. Tôi xây dựng tủ sách với khoảng 2.000 đầu sách cho diễn viên đọc. Văn hóa đọc là văn hóa nhất, truyền hình, phim cũng không bằng, thực sự đọc là đi vào tâm hồn nhất. Tháng 12/2013, chúng tôi đã đem những vở kịch Lưu Quang Vũ trở trở TP.HCM và đã giành trọn cảm tình của khán giả (Thêm câu này được không ạ? Em theo dõi báo chí thấy đánh giá thế).
Từ tháng 11/2013, Nhà hát Tuổi trẻ đã diễn miễn phí vở “Mùa hạ cuối cùng” cho học sinh, sinh viên các trường PTTH và ĐH-CĐ tại Hà Nội. Tôi không dựng vở này để đi thi 1 buổi cho vui, mà muốn mang giá trị nhân văn trong kịch Lưu Quang Vũ đến các trường, với khán giả trẻ. Học sinh sinh viên đến Nhà hát xem kịch miễn phí, thậm chí được gửi xe miễn phí, chỉ có điều sau khi xem xong, hai bên cùng trao đổi, thảo luận, tìm ra điều tử tế với nhau.
Khi mình có tâm thức đúng, có được cách làm đúng, cộng chút may mắn thì sẽ tìm ra những người tử tế đồng hành để nhân rộng những điều tử tế. Làm cho giá trị lan tỏa lên mới là thành công. Tôi cho rằng đó là một trong những điều tử tế trong công việc của tôi.
PV: Xin cảm ơn anh và chúc anh sang năm mới tiếp tục theo đuổi những giá trị tốt đẹp trong công việc để nhân rộng những điều tử tế!./.