Nạn nhân bị mỉa mai
Những vụ việc lộ clip quay lén ảnh hưởng nghiêm trọng tới nạn nhân, nhất là về mặt tinh thần, danh dự. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nạn nhân không được bảo vệ, ngược lại phải nhận về những lời mỉa mai, bình phẩm từ cộng đồng mạng.
Cuối tháng 6, Châu Bùi công khai việc bị quay lén khi tới chụp hình tại một studio ở quận 3 (TP.HCM). Cô cho biết " tê liệt khi nhìn thấy cơ thể mình trong video quay lén".
Vụ việc nhanh chóng trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội. Ngoài những bình luận bảo vệ nữ người mẫu và lên án hành vi đồi bại, nhiều người để lại bình luận xấu xí như: "xin link", "xin clip không che"...
Một số khác bình phẩm về cơ thể, ngoại hình nạn nhân: "em này có gì mà phải quay clip", "xấu thế mà cũng có clip",...
Không riêng Châu Bùi, nhiều nghệ sĩ, hoặc người bình thường cũng trở thành nạn nhân của những lời khiếm nhã. Nhiều tài khoản mạng xã hội có được clip nhạy cảm từ những camera quay lén và phát tán lên nhiều nền tảng.
Châu Bùi cho biết khi công khai chuyện này, sẽ khó tránh những ý kiến trái chiều. Nữ người mẫu nói: "Tại sao ngoài kia có những người nhẫn tâm với nạn nhân đến vậy? Họ không chỉ bình luận về tôi, còn xúc phạm cơ thể phụ nữ. Tôi tự thấy mình may mắn vì kịp thời phát hiện sự việc và hình ảnh bị quay lén chưa phát tán. Nhưng những nạn nhân khác không may mắn như tôi thì sao? Trước đám đông như vậy, họ lấy đâu ra dũng khí để lên tiếng tự bảo vệ mình".
Năm 2019, Văn Mai Hương cũng bị lộ clip nhạy cảm do camera trong nhà riêng bị xâm nhập. Nhiều chủ tài khoản mạng xã hội cho rằng nữ ca sĩ tự tung clip với mục đích không trong sáng, hoặc trách nữ ca sĩ thiếu thận trọng khi lựa chọn trang phục ở nhà.
Nhiều nạn nhân bỗng nhiên bị đổ lỗi, trong khi chính họ đang cần sự giúp sức từ cộng đồng để ngăn chặn video nhạy cảm bị lan truyền.
Vô tình tiếp tay cho kẻ xấu
Mỗi khi vụ việc lộ video quay lén được chia sẻ trên mạng xã hội, hàng trăm người đổ xô vào bình luận đòi xem hình ảnh nhạy cảm của nạn nhân. Đó là biểu hiện của trình độ dân trí thấp, ứng xử kém văn hóa trên không gian mạng.
Chuyên gia tham vấn và trị liệu tâm lý Lê Thế Hanh cho rằng một khi xã hội chưa có thái độ phẫn nộ đủ mạnh, chưa tạo nên những diễn đàn phản đối, lên án mạnh mẽ hành vi quay lén người khác, rất khó để chấm dứt được hành vi đồi bại, vô văn hóa này.
"Hầu hết cá nhân có hành vi quay lén đều mang nét tâm lý lệch lạc với chuẩn mực đạo đức của các nền văn hóa. Động lực ban đầu thúc đẩy hành vi của các cá nhân này thường xuất phát từ sự tò mò. Nhiều hành vi lệch chuẩn đã diễn ra lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống", chuyên gia phân tích.
Những bình luận “xin link”, “xin clip”… xuất hiện trên mạng xã hội như một xu hướng, một thói quen. "Điều đó có thể làm cho nạn nhân bị tổn thương tâm lý nặng nề khi họ biết rằng hình ảnh nhạy cảm của mình đã bị rất nhiều người nhìn thấy. Ngược lại, bình luận khiếm nhã cũng thúc đẩy hành vi lệch chuẩn của những người đăng clip nhạy cảm, cổ vũ cho hành động sai lệch xuất hiện nhiều hơn", chuyên gia Lê Thế Hanh phân tích.
Các nền tảng mạng xã hội đã đưa ra những chuẩn mực cộng động nhất định, người dùng cũng cần rèn ứng xử trên không gian mạng. Chuyên gia cho rằng người dùng cần có ý thức loại bỏ hoặc báo cáo với nền tảng về những nội dung độc hại, bày tỏ quan điểm phản đối những nội dung xấu một cách mạnh mẽ.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - cho biết hành vi quay lén người khác diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Hai trường hợp điển hình là lắp đặt camera giấu kín và xâm nhập camera. Vì thế, khi phát hiện có hành vi quay lén, nạn nhân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất. "Nạn nhân không nên trao đổi với đối tượng mà hãy làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng để bảo vệ mình", luật sư nói.