Trong suốt chiều dài lịch sử, Hàn Quốc trải qua nhiều thời kỳ bị đô hộ lần lượt bởi Trung Quốc và Nhật Bản nhờ nằm ở vị trí chiến lược.
Bất chấp sống dưới chế độ đô hộ, Hàn Quốc sau khi giành được độc lập đã phát triển nhanh chóng trở thành 1 trong những cường quốc đáng nể trên thế giới.
70 năm về trước, sau chiến tranh, Hàn Quốc là một trong những nước nghèo nhất thế giới, thua cả các quốc gia ở khu vực sa mạc Sahara, Nam Phi.
Vậy nhưng khi bước sang thế kỷ 21, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia giàu có với tốc độ phát triển mọi mặt nhanh nhất nhì thế giới, từ nước phải đi vay nợ giờ đã đổi vị thế trở thành chủ nợ.
Góp phần tạo nên sự thành công của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến sự đóng góp của bề dày văn hóa, trong đó có nunchi.
Theo nhà báo người Mỹ gốc Hàn, Euny Hong, nunchi chính là chìa khóa hạnh phúc và thành công của toàn bộ người dân xứ sở kim chi.
Thật khó để định nghĩa nunchi bởi không có từ ngữ tiếng Việt hay bất kì ngôn ngữ nào có thể giải thích nó.
Chúng ta chỉ có thể hiểu đơn giản nunchi là đòi hỏi một người phải có sự tinh tế, nhạy cảm nhất định và khả năng nắm bắt thái độ cũng như cách cư xử của mọi người xung quanh để từ đó đưa ra hành động phù hợp với hoàn cảnh.
Nunchi giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội, giúp con người xích lại gần nhau và tin tưởng nhau hơn.
Nunchi là cách người Hàn “đọc” suy nghĩ của người khác nên được ví như một dạng siêu năng lực. Nét văn hóa này có mặt trong cuộc sống đời thường của người dân xứ kim chi bởi con người được giáo dục từ khi còn rất nhỏ.
“Trẻ con Hàn Quốc được dạy về nunchi từ năm 3 tuổi. Chúng được học thông qua những tình huống tiêu cực.
Ví dụ như tất cả mọi người đang đứng phía bên phải thang cuốn và 1 đứa trẻ đứng bên trái thì bố mẹ chúng sẽ la mắng con rằng: ‘Tại sao con không có nunchi (ý tứ) chút nào vậy?’.
Câu hỏi đó nhằm nhắc nhở đứa trẻ phải để ý đến mọi người và hoàn cảnh xung quanh mình” - Euny Hong viết trong cuốn The Power of Nunchi: the Korean Secret to Happiness and Success (tạm dịch: Sức mạnh của nunchi: Bí quyết hạnh phúc và thành công của người Hàn Quốc).
Sở dĩ nunchi có tầm quan trọng lớn trong cuộc sống của người Hàn Quốc là bởi quốc gia này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo bất chấp việc đã trở thành nước phát triển và hiện đại bậc nhất thế giới.
Nho giáo xem trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín nên người Hàn Quốc luôn đề cao tinh thần tập thể, đến nỗi họ không dám thể hiện bản thân của mình trước mặt đám đông.
Ở Hàn Quốc, mọi người nhất định phải cư xử theo cấp bậc. Không quan trọng tuổi tác, một người chỉ cần có địa vị xã hội cao hơn cũng đủ để họ nhận được sự tôn trọng nhất định.
Nhân viên công sở dù hoàn thành hết công việc trong ngày cũng không dám đứng lên ra về nếu như sếp chưa tan sở.
Nhân viên luôn phải có nunchi để dò xét thái độ của sếp để không làm phật lòng cấp trên. Trong cuộc họp, ý kiến của cấp trên là quan trọng nhất, cấp dưới không đồng tình cũng không được lên tiếng phản đối.
Việc này không chỉ giới hạn tương tự như đối với các mối quan hệ khác như con cái và ông bà, bố mẹ, mẹ chồng và nàng dâu, tiền bối và hậu bối
Một người không có nunchi sẽ bị đánh giá là người chỉ xem mình là trung tâm.
Giống như ông bà ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, người thiếu nunchi bị cho là không có tinh thần tập thể, không quan tâm thậm chí xem thường cảm xúc của người khác.
Nunchi không chỉ thể hiện sự khéo léo, tâm lý của một người mà còn chứng tỏ người đó có nhiều kinh nghiệm xã hội.
Nếu như chưa ra đời nhiều, không tích lũy được kinh nghiệm thì một người khó mà có cơ hội hiểu và thấm nhuần văn hóa nunchi.
Nunchi giúp nâng cao tinh thần dân tộc của người Hàn Quốc. Bất kể là đi đến đâu, người dân xứ sở kim luôn hướng về quê hương của mình, luôn sẵn sàng đoàn kết và giúp đỡ đồng hương.
Sự gắn kết lớn về mặt tinh thần, trở thành một tập thể vững mạnh cùng nhau đi lên là bí quyết giúp Hàn Quốc thành công như ngày hôm nay.
Con người có nunchi sẽ trở nên gần gũi, thân thiết và thấu hiểu nhau hơn. Từ đó, mọi người dù đi đến đâu cũng cảm giác được sự quan tâm và lo lắng từ người khác.
Nunchi mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người Hàn Quốc cũng là vì vậy.
Tuy nhiên, nunchi cũng có nhiều nhược điểm. Việc không dám nêu ra ý kiến trước mặt người lớn hay cấp trên sẽ khiến công việc trở nên rập khuôn, thiếu sự sáng tạo.
Vì lúc nào cũng phải nhìn sắc mặt sếp mà làm việc nên bầu không khí công sở luôn trong tình trạng căng thẳng, bức bối. Đáng nói hơn, đây chính là nguyên nhân hình thành tư tưởng người trên coi thường kẻ yếu, kẻ nghèo. Những scandal xem nhân viên như cỏ rác của giới siêu giàu Hàn Quốc (chaebol) là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Năm đó, bà Cho Hyun Ah, ái nữ của tập đoàn vận tải Hanjin nắm trong tay hãng hàng không Korean Air, đã bắt một tiếp viên hàng không phải quỳ xuống xin lỗi chỉ vì lỡ phục vụ hạt mắc ca trong túi ni lông thay vì để trên đĩa – quy định bắt buộc khi phục vụ khách hàng hạng thương gia.
Chưa dừng lại ở đó, bà Cho còn yêu cầu máy bay quay đầu trở lại sân bay Mỹ để tống cổ nhân viên này, làm chậm trễ chuyến đi của toàn bộ hành khách khác.
Dù sau đó bà Cho bị dư luận chỉ trích dữ dội nhưng có thể thấy đây là hiện trạng phổ biến của giới chaebol ở Hàn Quốc, cậy tiền và quyền ức hiếp người yếu thế.
Tất nhiên với văn hóa nunchi và tôn trọng cấp bậc, người giàu vẫn luôn giữ thế thượng phong còn kẻ nghèo hèn thì cứ mãi ở vị trí bề tôi tớ.
Tóm lại, bất cứ vấn đề gì cũng đều có 2 mặt của nó, nunchi cũng vậy. Người dân xứ sở kim chi tất nhiên cũng nhận ra và chấp nhận những mặt tối của nó.
Nhưng với việc nunchi được ví như bí quyết thành công cũng như hạnh phúc của người Hàn, giúp đất nước đi lên trở thành cường quốc cũng là điều không thể không thừa nhận.