Vẫn hay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp đầu xuân, vậy bạn biết gì về nơi này?

Lê Tiên Long |

Mỗi dịp Xuân về, rất nhiều người lại đến "phố ông đồ" ở bên Văn Miếu để xin chữ về treo lấy may. Bạn có biết Văn Miếu hình thành từ khi nào không?

Chiều dài 948 năm lịch sử

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là hai quần thể di tích lịch sử văn hóa lâu đời nổi bật của kinh thành Thăng Long.

Văn Miếu là công trình được xây dựng từ năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ các vị Thánh của đạo Nho, gồm Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Khổng Tử là Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử), và Thất thập nhị hiền (72 nhà Nho tiêu biểu được tôn lên bậc Hiền triết).

Vẫn hay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp đầu xuân, vậy bạn biết gì về nơi này? - Ảnh 1.

Hình minh họa

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua Lý Thành Tông cho làm Văn Miếu... bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học". Như vậy, Văn miếu ban đầu không chỉ là nơi thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, mà còn là trường học Hoàng gia. Học trò đầu tiên của nhà trường là Thái tử Lý Càn Đức, con trai vua Lý Thánh Tông, sau này là vua Lý Nhân Tông.

Còn Quốc Tử Giám là trường học cho các hoàng tử và con các gia đình quan lại, quý tộc, được xây năm 1076 ngay cạnh Văn Miếu, dưới thời vua Lý Nhân Tông.

Các mới tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện nay, như nhà Thái Học, lầu chuông, gác trống, đều được đầu xây dựng lại đầu những năm 2000.

Nơi thờ thầy giáo Việt

Bên cạnh thờ các vị tiên thánh của Đạo Nho, Văn Miếu Hà Nội còn thờ người thầy giáo nổi tiếng thời Trần là Chu Văn An.

Đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm quan Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Đến năm 1370 Chu Văn An qua đời được vua Trần Nghệ Tông cho thờ ở Văn Miếu bên cạnh Thất thập nhị hiền.

Vẫn hay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp đầu xuân, vậy bạn biết gì về nơi này? - Ảnh 2.

Bia tiến sĩ. Hình minh họa

Trong bộ sách Đại Việt sử ký tiền biên, sử thần Ngô Thì Sĩ nhắc đến việc trước đây Văn Miếu còn thờ các quan triều Trần trong là Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình, nhưng việc thờ phụng hai vị này không kéo dài lâu.

Bia tiến sĩ từ triều Lê

Hiện nay, những di tích cổ xưa nhất trong quần thể di tích Văn Miếu - Quốc Tử giám là những hàng bia tiến sĩ được dựng từ triều Lê. Tổng cộng có 82 tấm bia Tiến sĩ, trên đó khắc ghi họ tên và quê quán của 1.307 lượt người thi đỗ trong 82 khoa thi được tổ chức dưới triều Lê - Mạc (1442-1779).

Trong các triều đại phong kiến Việt Nam, đã tổ chức 184 khoa thi, nhưng vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, chỉ có 82 bia Tiến sĩ hiện còn lưu trữ được.

Trong bài văn khắc trên bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442), Phụng trực đại phu Hàn lâm viện Thừa chỉ Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã viết những câu văn bất hủ: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn".

Văn Miếu Môn và Khuê Văn Các

Đến tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách thường thích chụp ảnh lưu niệm cùng các kiến trúc Văn Miếu Môn, Khuê Văn Các và Thiên Quang tỉnh.

Văn Miếu Môn là cổng chính (nghinh môn) phía ngoài khu di tích, nằm trên phố Quốc Tử Giám. Cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới.

Vẫn hay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp đầu xuân, vậy bạn biết gì về nơi này? - Ảnh 3.

Văn Miếu Môn. Hình minh họa

Thiên Quang tỉnh, tức giếng Thiên Quang, là giếng hình vuông, nằm giữa các dãy nhà bia. Còn Khuê Văn Các là một căn lầu tám mái lợp ngói được đặt trên bốn trụ cột, phần kiến trúc chính bằng gỗ, sơn son, mở 4 cửa sổ tròn ra 4 hướng có then bằng gỗ tiện, tạo hình ảnh biểu tượng sao Khuê đang tỏa sáng, tượng trưng cho Văn học.

Ai là người xây Khuê Văn Các

Từ năm 2012, hình ảnh Khuê Văn Các đã được công nhận là biểu tượng chính thức của thành phố Hà Nội. Nhiều người nghĩ rằng, Khuê Văn Các đã có từ rất lâu, cùng với lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Thực ra, kiến trúc này mới được xây dựng cách đây hơn 200 năm, vào đầu triều Nguyễn. Người quyết định cho xây Khuê Văn Các là Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành. Tòa lầu được xây vào năm 1805,

Khuê Văn Các cao gần chín thước, được dựng trên một nền vuông cao cân xứng có lát gạch Bát Tràng mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét. Để bước lên được nền vuông này phài đi qua ba bậc thang đá. Kiểu dáng kiến trúc Khuê Văn Các rất hài hòa và độc đáo.

Vẫn hay đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi dịp đầu xuân, vậy bạn biết gì về nơi này? - Ảnh 4.

Khuê Văn Các. Hình minh họa

Tầng dưới là 4 trụ gạch vuông, mỗi cạnh của trụ có chiều dài một mét và trên các mặt trụ đều có chạm nổi các hoa văn rất tinh vi và sắc sảo. Tầng trên là kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc là bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát có độ bền cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại