Vân Đồn ‘mã hồi’ giá đất

Ngọc Mai |

Ngay sau khi được mở giao dịch trở lại từ đầu năm 2019, giá đất nhiều nơi tại Vân Đồn (Quảng Ninh) lập tức được loan tin đang tăng 30- 50%. Mục sở thị Vân Đồn những ngày cuối tháng 3/2019, có thể nhận thấy: Giá đất đúng là có tăng nhưng giao dịch không “xôm” như đồn thổi, thậm chí còn bị không ít cò và giới đầu cơ “check in”, làm giá .

1 năm sau lệnh cấm giao dịch

Những ngày cuối tháng 3, phóng viên Tiền Phong có mặt tại Vân Đồn (Quảng Ninh), nơi được coi là sốt đất “mã hồi” ( quay trở lại) sau quãng thời gian náo loạn bởi đón tin hụt Vân Đồn lên đặc khu.

Dù đã có sân bay với những dự án và resort được quảng bá ồn ào nhưng về cơ bản, Vân Đồn vẫn như bãi chiến trường ngổn ngang, thậm chí nhiều nơi bỏ hoang, nhếch nhác.

Từ bùng binh khu trung tâm rẽ vào đường 334 (Khu trung tâm Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh), các văn phòng giao dịch bất động sản mọc lên như nấm. Chỉ chưa đầy 4km quanh trung tâm Cái Rồng, đã có tới gần 30 văn phòng.

Trò chuyện bên quán nước, một “thổ dân từng sống tại khu vực này bảo: chưa bao giờ Vân Đồn lại có nhiều văn phòng nhà đất đến vậy. Theo lời ông này kể: Sau cơn sốt đất vào cuối năm 2017, hiện những sàn giao dịch này đa số toàn dân Hà Nội “mò về mở”.

Các nhà mặt đường tận dụng vừa làm văn phòng nhà đất vừa bán nước mắm, chả mực, vé máy bay, quán cà phê... Thậm chí có nhà nghỉ cũng tận dụng một góc làm văn phòng bất động sản.

Từ đường 334, chúng tôi rẽ vào biển chỉ dẫn Khu đô thị ven biển Cái Rồng, vừa bước xuống xe, thấy khách ngó nghiêng lập tức một nam thanh niên đến hỏi han hướng dẫn việc mua đất. Vị này giới thiệu tên T.D, sống ở ngay trung tâm Cái Rồng và đang có nhiều lô đất chính chủ muốn bán.

Không cần biết khách nhu cầu mua đất thế nào, anh T.D tự giới thiệu mình thông thuộc các vị trí, lô đất tại Vân Đồn thao thao quảng bá: “Khu anh chị đứng ở đây gần biển giờ đã tăng lên 35 triệu đồng/m2.

Đất tăng 5 giá từ khi chính quyền cho mở lại giao dịch từ đầu tháng 1 năm nay. Còn đi sâu vào khu sát biển giờ giá cũng lên 60- 65 triệu đồng/m2”.

Khi chúng tôi thắc mắc hiện chính quyền dù mở lại giao dịch nhưng đang thanh tra có ảnh hưởng gì đến việc mua bán thời điểm này không, anh T.D liền trấn an: “Giờ được công chứng chuyển nhượng là anh chị yên tâm về mặt pháp lý rồi. Chị không mua nhanh, tháng sau tăng nữa thiệt mất mấy trăm triệu đồng/lô ngay”.

Đang dở câu chuyện với “cò” T.D, một người đàn ông trung tuổi đến góp chuyện. Ông này rỉ tai: “Tháng trước có người Hà Nội về đây mua cả lô 400m2 với giá 29 triệu đồng/m2 nay lô đất này lãi cả tỷ đồng mà có người hỏi mua lại nhưng chủ đất nhất định không bán vì chờ giá tăng nữa”.

Nhiều người dân bản địa tại đây cảnh báo: “Ở đây toàn cò các sàn thôi, các cô chú mua đất phải cẩn thận. Giá khu này thấp hơn nhiều lời cò quảng cáo nhưng cũng không có khách hỏi mua mấy đâu”.

Hạ tầng ngổn ngang

Thực tế, khi đi sâu vào trong khu đô thị ven biển Cái Rồng, hạ tầng ở đây chưa hoàn thiện, cảnh quan ven bờ biển nhếch nhác. Những khu đất “cò” môi giới tại đây đều là đất phân lô để cỏ mọc hoang tàn nhưng vẫn được hét giá 25- 50 triệu đồng/m2.

Đến khu đô thị Phương Đông Cty CP Đầu tư xây dựng Phương Đông làm chủ đầu tư. Dự án mới đang trong quá trình làm hạ tầng với ngổn ngang vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, ngay từ cổng chào, các văn phòng môi giới di động đã mọc lên để tiếp thị dự án. Các “cò” nhiệt tình tư vấn khách với giá dao động từ: 25- 45 triệu đồng/m2 tại đây.

Hay Khu dân cư trung tâm thị trấn Cái Rồng (tên thường gọi khu Vương Long) của Cty đầu tư và phát triển Vương Long dù được phê duyệt từ năm 2008 nhưng đến nay hạ tầng vẫn ngổn ngang.

Đến chỗ nào ở Vân Đồn cũng thấy một cảnh tương tự. Hễ thấy bóng khách bước xuống từ xe ô tô là “cò” gọi lại hỏi thăm rồi tư vấn mua đất.

Trong câu chuyện vòng vo đến lúc thật thân tình cởi mở, người phụ trách một sàn giao dịch tại đây mới bật mí thêm: “Ở Vân Đồn, thị trường nhỏ, nguồn cung không nhiều, chỉ cần vài sàn đổ tiền về là có thể làm sốt được ngay”.

Nhìn nhận câu chuyện trăm người môi giới, một người mua, nhà đầu tư am hiểu thị trường đất Vân Đồn cho rằng: Hiện tại, giao dịch thực của các nhà đầu tư rất ít, chủ yếu là các sàn đặt cọc vào đấy, rồi cùng “hè” tăng giá. “Nói thực, thị trường có dấu hiệu sốt ảo trở lại”, ông này nói.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Tập đoàn CEN Group lại nhìn nhận, một khi đã là thị trường đầu tư rất khó tránh khỏi có các chiêu thổi giá. “Mấu chốt” của thị trường đầu cơ, đó là ai là người thoát hàng trước và ai sẽ ra sau.

Theo ông Hưng, kinh doanh bất động sản phải có quan điểm và chiến lược rõ ràng. Nếu là đầu tư dài hạn, đủ khả năng “ôm” hàng trong 5-10 năm thì mua dự án với giá hợp lý ở vùng xa hơn, còn đầu tư ngắn hạn nên chọn dự án có thanh khoản cao.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Châu Thành Hưng, Phó Chủ tịch huyện Vân Đồn cho rằng, từ đầu năm đến nay sau khi chính quyền cho giao dịch trở lại các giao dịch về bất động sản trên địa bàn, giá đất tăng nhẹ chứ không “sốt” như thông tin đưa.

"Nếu thị trường chỉ được dẫn dắt bởi các dự án quy mô nhỏ và một nhóm người thì sóng sẽ chỉ duy trì được thời gian ngắn và mức giá tăng cũng không lớn" ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch HĐQT Cty PR và Phát triển đô thị Phú Quý

Tại Vân Đồn, các dự án như: Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn tại xã Vạn Yên; Phân khu B8 thuộc Dự án Con đường di sản tại xã Hạ Long; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 2; Khu dịch vụ và nghỉ dưỡng khu vực đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn - Phân khu B hiện vẫn đang quây tôn không biết bị "ngâm" đến bao giờ...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại