Olivia và Raul De Freitas hiện đang hưởng tuần trăng mật tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Maldives, Ấn Độ Dương. Cặp đôi người Nam Phi vừa kết hôn và đến Maldives vào ngày 22/3 vừa qua, dự tính ở lại đây trong 6 ngày.
Đi trăng mật vào thời điểm này đối với cô dâu 27 tuổi và chú rể 28 tuổi quả thật là một chuyện khó tin. Nhưng vì trước đó họ chưa từng sống cùng nhau, vì vậy đây có thể là một cuộc khởi đầu tốt đẹp cho hôn nhân của họ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cặp đôi cũng cân nhắc kỹ lưỡng về chuyến đi.
Tuy nhiên, chẳng có thông báo nào ảnh hưởng đến họ, và đại lý du lịch cũng đảm bảo rằng dù có chuyện gì xảy ra công dân Nam Phi sẽ được trở về nhà. Cặp đôi sẽ có một chuyến đi tuyệt vời.
Đến thứ 4 (25/3), cặp đôi nhận được thông báo rằng tất cả các sân bay ở Nam Phi sẽ đóng cửa vào ngày hôm sau, thứ 5 (26/3).
Các chuyến bay trở về Nam Phi đều mất 5 tiếng đồng hồ đến Doha, Qatar, sau đó chờ quá cảnh mất 3 tiếng trước khi mất thêm 9 tiếng ngồi máy bay đến sân bay Johannesburg, Nam Phi. Vì vậy, cặp đôi đã không kịp về nước trước khi sân bay đóng cửa.
Trước tình hình này, cặp đôi đã cân nhắc đi tàu cao tốc kéo dài một tiếng rưỡi đến đảo chính và thử vận may tại sân bay.
Thế nhưng, lúc này Maldives cũng tuyên bố phong tỏa, không cho bất kỳ du khách mới nào bước vào. Nếu như họ rời khỏi khu nghỉ dưỡng, họ có thể không được phép quay lại. Cuối cùng, họ đã quyết định ở lại Maldives.
Họ đã tìm đến Lãnh sự quán Nam Phi ở Maldives và Đại sứ quán Nam Phi gần nhất ở Sri Lanka để nhờ giúp đỡ.
Một đại diện nói với họ thông qua WhatsApp rằng có 40 người Nam Phi khác cũng đang ở Maldives và họ đã lựa chọn thuê máy bay riêng để về nhà an toàn với chi phí 104.000 đô la Mỹ (gần 2,5 tỷ đồng).
Với số tiền này, mọi người có thể chia nhau, tuy nhiên thông điệp cần lưu ý là chính phủ chỉ kết nối với khoảng một nửa trong số 40 người.
Tức là chỉ có 20 người có khả năng chi trả số tiền này, còn lại thì từ chối trả tiền. Mặc dù vậy, sau nhiều ngày đàm phán giữa đại diện Nam Phi và Bộ ngoại giao Maldives thì chuyến bay riêng vẫn không được chấp thuận.
Cuối cùng, cặp đôi quyết định ở lại và thuê một phòng trong khu nghỉ mát với giá 750 đô la Mỹ (hơn 17 triệu đồng) một đêm.
Họ là hai vị khách duy nhất tại nơi đây. Không có hy vọng nào rời khỏi Maldives, cặp đôi giống như “trị vì" hòn đảo nhỏ và tận hưởng cuộc sống.
Những ngày dài bị mắc kẹt, họ chỉ ngủ, ăn, đi lặn, mọi thứ cứ lặp lại đều đặn ngày qua ngày.
Các nhân viên tại khu nghỉ phát vẫn sẵn sàng để phục vụ riêng cho hai vị khách cuối cùng này. Vào bữa sáng, có 9 người phục vụ bên bàn ăn của họ. Các nữ nhân viên, người pha chế và đầu bếp đều tập trung phục vụ cặp đôi.
Họ sẵn sàng chuẩn bị bữa tối dưới ánh nến công phu trên bãi biển. Nhiều nghệ sĩ biểu diễn hằng đêm vẫn tiếp tục công việc của mình để phục vụ cho du khách, dù chỉ còn 2 người.
Cặp đôi được ban quản lý khu nghỉ dưỡng đặc biệt ưu ái. Người hướng dẫn lâu lâu đi ngang lại nài nỉ họ đi lặn. Một hòn đảo chỉ có 2 người, tha hồ tận hưởng cát vàng biển xanh.
Cô Olivia bắt đầu chơi nhiều môn thể thao như bóng bàn, anh Raul thì chơi bóng cùng nhân viên vào buổi chiều.
Gần đây nhất, cặp đôi nghe nói có chuyến bay về Nam Phi vào ngày thứ 2 (6/4). Nam Phi có lệnh phong tỏa kéo dài đến 16/4, vì vậy cũng như mọi nơi, các nghị định về du lịch và di chuyển liên tục thay đổi.
Cô Olivia cho biết: "Thật khó nếu như chúng tôi tiếp tục ở lại đây". Mặc dù cặp đôi nhận được mức chiết khấu hào phóng nhưng việc ở lại Maldives quá lâu khiến hóa đơn ngày càng nặng hơn.
Mỗi ngày trôi qua, họ lại phải lấy tiền tiết kiệm để chi tiêu, số tiền mà họ dành dụm để mua nhà.
Bên cạnh khoản nợ tuần trăng mật đang leo thang, họ có thể phải trả thêm tiền vé máy bay để bay về.
"Mọi người thường hay nói rằng muốn bị mắc kẹt ở trên hòn đảo, nhưng phải đến khi bị mắc kẹt thật sự bạn mới hiểu được", cô Olivia trải lòng.
Vào ngày Chủ Nhật vừa qua (5/4), theo cặp đôi cho biết, họ được đại sứ quán thông báo qua WhatsApp rằng họ có một tiếng để đóng gói hành lý.
Sau khi nói lời tạm biệt và cảm ơn, cặp đôi được đưa đi bằng tàu cao tốc đến khu nghỉ mát 5 sao khác, nơi người Nam Phi ở Maldives đang được tập trung.
Chính quyền địa phương tuyên bố sẽ trợ cấp phần lớn chi phí lưu trú cho họ. Tuy nhiên, việc khi nào họ trở về quê nhà vẫn chưa được xác định.