Vận đen tiếp tục đeo bám tiêm kích MiG-29, cạn nhiên liệu rơi ngay khi đang tập trận?

Trà Khánh |

Chi phí vận hành cùng phụ tùng thay thế đắt đỏ, đang khiến các phi đội tiêm kích MiG-29 ở Đông Âu “chết dần chết mòn”, cùng với đó là những tai nạn liên tiếp.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Slovakia, không quân nước này vừa mất một chiếc tiêm kích MiG-29 khi đang tập trận gần thành phố Zlaté Moravce hôm 28/9 (theo giờ địa phương).

Điều khá may mắn là phi công chiếc MiG-29 trên đã kịp thoát ly ra khỏi máy bay khi gặp sự cố và chỉ bị thương nhẹ.

Sputnik dẫn báo cáo điều tra ban đầu của Không quân Slovakia cho hay, nguyên nhân dẫn tới tai nạn có thể là do tiêm kích MiG-29 bị cạn nhiên liệu. Hiện chính quyền Slovakia đang tiến hành điều tra chi tiết về nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc trên.

Tuy nhiên, nếu thông tin MiG-29 gặp tai nạn vì cạn nhiêu liệu là thật thì đây quá là bê bối không hề nhỏ đối với Không quân Slovakia. Bởi trước khi cất cánh, không lý nào các nhân viên kỹ thuật mặt đất lẫn phi công không kiểm tra mức nhiên liệu bên trong máy bay.

Trong khi đó, số tiêm kích của Không quân Slovakia cũng không quá nhiều chỉ 11 chiếc và việc cung cấp nhiên liệu cho số máy bay này không phải là vấn đề quá lớn. Dù nguyên nhân dẫn tới tai nạn là gì đi nữa thì Slovakia cũng vừa mất đi 10% phi đội tiêm kích của mình.

Kể từ khi xuất hiện vào đầu những năm 1970 cho tới nay, tiêm kích MiG-29 luôn được xem như là một biểu tượng sức mạnh không quân của Liên Xô, tuy nhiên chiến tích mà dòng máy bay chiến đấu này đạt được trong hơn 40 năm phục vụ lại không mấy ấn tượng.

Điều này thể hiện rõ qua các cuộc chiến mà MiG-29 tham gia từ Đông Âu cho đến Trung Đông kể từ đầu những năm 1990 cho đến nay. Vai trò của MiG-29 trong không quân các nước hiện tại cũng không mấy nổi bật và dần bị thay thế bởi các chiến đấu cơ hiệu quả hơn.

Mặt khác chi phí vận hành cùng phụ tùng thay thế đắt đỏ, đang khiến các phi đội tiêm kích MiG-29 trên khắp thế giới "chết dần chết mòn", kể cả ở Nga. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến MiG-29 liên tiếp gặp nạn.

Số phận bi đát của MiG-29 cũng báo hiệu cho sự đi xuống của Cục Thiết kế Mikoyan với hàng loạt chiến đấu cơ đình đám một thời, và dần để mất thị phần vào tay "người anh em" Sukhoi.

Mikoyan MiG-29 (định danh của NATO - Fulcrum) là mẫu máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không do Cục Thiết kế Mikoyan phát triển cho Không quân Liên Xô.

Trong những năm 1970, Mikoyan đặt mục tiêu phát triển MiG-29, cùng với Sukhoi Su-27, thành dòng máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không để đối phó với các chiến đấu cơ thế hệ mới của Mỹ như F-15 Eagle và F-16 Fighting Falcon.

Nhiệm vụ chính của MiG-29 là chiếm ưu thế trên không trong một khu vực nhỏ để hỗ trợ các đơn vị bộ binh cơ giới của Liên Xô, do đó nó luôn được bố trí tương đối gần với tiền tuyến, có thể cất, hạ cánh ở những sân bay dã chiến.

Ngoài ra, MiG-29 còn được giao nhiệm vụ bảo vệ cứ điểm và ngăn chặn đối phương dùng đường hàng không vận chuyển hàng hậu cần, bảo vệ các máy bay cường kích khỏi các máy bay tiêm kích của NATO như F-15 và F-16.

MiG-29 được đưa vào biên chế cho không quân Liên Xô năm 1982 và được sử dụng trong không quân nhiều nước Đông Âu cũng như tại Trung Đông.

Không quân Ukraine giới thiệu dàn chiến đấu cơ chủ lực với công chúng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại