Theo CNN, trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump, vụ thử tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng diễn ra chỉ 23 ngày sau khi ông nhậm chức. Theo CNN, vào thời điểm đó, Tổng thống Trump và Thủ tướng Shinzo Abe đang ngồi ăn tối trên sân thượng trong một câu lạc bộ sang trọng ở Mar-a-Lago, Florida. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia buổi giám sát thử nghiệm tên lửa đạn đạo thành công trong thời gian đó.
Bầu cử Mỹ 2020 sắp diễn ra, nếu cựu phó Tổng thống Joseph Biden có thể giành chiến thắng thì các vấn đề về Triều Tiên sẽ đi về đâu trong chính sách của Mỹ?
Theo giới quan sát, các nhận định về Triều Tiên đối với thế giới thật sự khó khăn.
Trong nhiệm kỳ cho dù là thời cựu Tổng thống Barack Obama hay Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim Jong-un và các cố vấn của ông được đánh giá là luôn biết cách thu hút sự chú ý của Mỹ. Vì vậy, cho dù là Tổng thống Trump tái đắc cử hay cựu phó Tổng thống Biden giành chiến thắng thì chính sách ngoại giao của Mỹ không thể thiếu vấn đề Triều Tiên.
Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump
Quá trình giải giáp vũ khí Triều Tiên vẫn là một trong số các vấn đề chính sách đối ngoại khó khăn với Mỹ. Kể từ năm 2006, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm thành công 6 thiết bị hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Đây là những loại vũ khí mà Chủ tịch Kim nói rằng nó có thể đánh chặn mọi thách thức và đảm bảo sự liên tục của chính quyền.
Tuy nhiên, việc theo đuổi quyết tâm của Triều Tiên đối với những loại vũ khí trên đã khiến nước này phải chịu nhiều áp lực. Bình Nhưỡng liên tục phải chịu các lệnh trừng phạt vì liên quan đến chương trình hạt nhân. Về cơ bản, kinh tế Triều Tiên được đánh giá là chậm phát triển và tác động đến cuộc sống của người dân. Chủ tịch Kim nhiều lần đã đưa ra lời hứa sẽ nỗ lực mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân đất nước.
Trong khi đó, Mỹ đã từng hi vọng rằng các trừng phạt sẽ đưa Triều Tiên và đặc biệt là Chủ tịch Kim vào vòng đàm phán. Tổng thống Trump đã kỳ vọng có thể trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên cùng ngồi đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo của Triều Tiên. Và điều đó đã trở thành hiện thực.
Tổng thống Turmp từng mong muốn một thỏa thuận lớn có thể khiến Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Đổi lại, Mỹ sẽ nới lỏng các trừng phạt đối với nước này. Tuy nhiên, theo CNN, Chủ tịch Kim chỉ sẵn sàng đóng cửa khu hạt nhân lớn nhất Triều Tiên là Yongbyon.
Theo cựu Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tín hiệu này không đủ đối với Tổng thống Trump.
"Có nhiều cơ hội thông qua thượng đỉnh hai bên giữa các nhà lãnh đạo nhưng lại không giải quyết được nhiều vấn đề", Markus Garlauskas – cựu tình báo quốc gia đối với Triều Tiên tại Hội đồng Tình báo quốc gia Mỹ nói.
Ông Garlauskas đã chứng minh rằng điều này không hề thiếu tín hiệu trao đổi giữa các nhà lãnh đạo cho vấn đề Triều Tiên. Nhưng mọi thứ vẫn chưa được giải quyết.
"Rào cản cơ bản là Bình Nhưỡng không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh.
Đối thoại sớm và thường xuyên
Cho đến hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump vẫn xem gặp gỡ thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên là một chiến thắng. Đó là bởi vì kể từ tháng 11/2017, Chủ tịch Kim không hề thử nghiệm bất kỳ vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào.
Trong thượng đỉnh đầu tiên, ông Trump và ông Kim đã được thỏa thuận ngầm rằng miễn là các đàm phán vẫn diễn ra, Triều Tiên không thử ICBM hay bom hạt nhân nào cả. Ngược lại, Tổng thống Trump sẽ giảm số lượng các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Các cuộc tập trận được đánh giá là sự chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các xung đột diễn ra nhưng Bình Nhưỡng lại xem là thách thức đối với quốc gia.
Ông Joseph Yun – đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên trong chính quyền cựu Tổng thống Obama và Tổng thống Trump nói rằng điều quan trọng phải có định hướng đúng ngay từ đầu trong chính sách ngoại giao với Triều Tiên.
"Chúng ta có thể gửi thông điệp đến Triều Tiên và ngỏ ý muốn đàm phán và chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên, đến hiện tại, hãy cho chúng tôi thêm thời gian và không nên thực hiện bất kỳ cuộc kiểm tra nào", ông Yun nhấn mạnh.
Mỗi ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng năm nay đều có ưu nhược điểm riêng. Quan hệ của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể đã khiến căng thẳng bán đảo Triều Tiên giảm nhiệt nhưng cam kết của ông về phi hạt nhân được cho là không hề thực tế.
Theo CNN, về cơ bản, cả Tổng thống Trump và cựu phó Tổng thống Biden đều gặp nhiều thách thức đối với vấn đề của Triều Tiên. Bằng cách nào để khiến Triều Tiên có thể chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo?
Cho đến nay vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác.