Kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc gửi bức thư ngỏ tới người dân ở Đài Loan, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những phát biểu cho thấy Trung Quốc đang điều chỉnh thái độ và chính sách với Đài Loan.
40 năm trước đây, khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức - và vì thế Mỹ không còn quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, phía Trung Quốc công bố văn kiện chính sách chính thức đối với Đài Loan dưới dạng một bức thư ngỏ.
Những nội dung quan trọng nhất trong đó là khẳng định chỉ có một đất nước Trung Quốc, xác lập mục tiêu thống nhất đất nước và kêu gọi Đài Loan chấm dứt đối đầu quân sự.
40 năm sau, ông Tập Cận Bình nhắc lại những nội dung nói trên và bổ sung hai điểm mới là đưa ra mô hình thống nhất đất nước "Một đất nước, hai chế độ" - như đã thực hiện với Hồng Kông và Ma Cao - và không cam kết rằng không sử dụng đến cả biện pháp quân sự để thống nhất đất nước.
Chính quyền hiện tại ở Đài Loan đã ngay lập tức bác bỏ đề nghị thống nhất đất nước này của ông Tập Cận Bình.
Thật ra, văn kiện xưa kia không quan trọng đối với Trung Quốc đến mức được kỷ niệm trọng thể đến vậy sau 40 năm mà vấn đề Đài Loan hiện đã trở nên quan trọng và thời sự đối với Trung Quốc đến mức Trung Quốc phải hoạch định lại chính sách đối với Đài Loan.
Một phát biểu, ba thông điệp
Phát biểu mới kia của ông Tập Cận Bình hàm chứa đồng thời 3 thông điệp gửi tới 3 đối tượng khác nhau.
Thông điệp gửi tới Đài Loan mang tính thị uy. Trung Quốc muốn thể hiện cho chính quyền Đài Loan, đương nhiệm hiện tại cũng như sau này, thấy là không nên ảo vọng về độc lập bởi Trung Quốc không bao giờ chấp nhận để cho đảo này độc lập.
Vì thế nên mới có sự khác biệt giữa văn kiện xưa và phát biểu nay, cụ thể ở chỗ trong khi văn kiện xưa chỉ là một đề nghị mời chào thì phát biểu nay chẳng khác gì một tối hậu thư đặt Đài Loan trước sự lựa chọn giữa chấp nhận thống nhất một cách hoà bình hay sẽ bị thống nhất bằng biện pháp quân sự như khi xưa Diêu Khải Thánh đã làm ở thời Khang Hy.
Cho tới trước phát biểu nói trên của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc chưa khi nào tuyên bố giải quyết vấn đề Đài Loan chỉ bằng biện pháp hoà bình nhưng đồng thời cũng chưa khi nào công khai tuyên cáo là không loại trừ thống nhất đất nước bằng biện pháp quân sự. Trung Quốc phát đi thông điệp này để khẳng định quyết tâm của Trung Quốc và để phân hoá nội bộ Đài Loan.
Video tên lửa Hsiung Feng-3 của Đài Loan được phóng đi.
Thông điệp thứ hai gửi tới Mỹ với hàm ý cảnh báo Mỹ chớ có can thiệp vào chuyện nội bộ của người Trung Quốc. Trung Quốc không thể không nhận thức đầy đủ - bởi việc này thật ra đâu có khó gì - về mối quan hệ đồng minh chiến lược đặc biệt độc nhất vô nhị giữa Mỹ và Đài Loan cũng như tầm quan trọng của Đài Loan trong chiến lược của Mỹ.
Hàm ý ở đây cũng còn là Mỹ chơi "con bài Đài Loan" như thế nào thì Trung Quốc cũng chơi con bài ấy như thế trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Thông điệp thứ ba gửi tới tất cả những nước khác trên thế giới, đặc biệt và trước hết tới 17 quốc gia hiện có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, trong đó có cả Toà thánh Vatican. Thông điệp của Trung Quốc là các đối tác này hãy suy tính lợi ích lâu dài cho kỹ trước khi làm gì vì quan hệ với Đài Loan mà bất lợi hoặc trái ý Trung Quốc.
Nguy cơ chiến tranh Trung Quốc - Đài Loan không cao
Câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc doạ vậy nhưng có thật sẽ sử dụng biện pháp quân sự để thống nhất đất nước hay không ?
Vì mọi cái đều có thể xảy ra nên kịch bản này không thể bị loại trừ hoàn toàn, nhưng khả năng xảy ra lại vô cùng ít. Bởi những lý do sau đây.
Thứ nhất, Trung Quốc chỉ có thể sử dụng biện pháp đó khi Mỹ buông bỏ hoàn toàn Đài Loan mà Mỹ sẽ không làm việc ấy bởi Trung Quốc không có gì để đánh đổi cho Mỹ làm việc ấy.
Thứ hai, tiềm lực quân sự của Đài Loan không hề nhỏ nên xung đột quân sự sẽ gây tổn thất không hề nhỏ cho cả hai bên. Nếu xảy ra thì đấy sẽ là cuộc chiến phân định thắng và thua nên mức độ tổn hại lớn đến mức cả hai phía đều phải suy tính rất kỹ càng trước khi bước vào cuộc chiến.
Thứ ba, Trung Quốc dùng biện pháp quân sự cho dẫu thống nhất được đất nước thì cũng không thu phục được người dân ở Đài Loan, nhất là sau gần 70 năm đã hình thành sự khác biệt ở Đài Loan trong cảm nhận về "người Trung Quốc" và "người Đài Loan".
Thứ tư, Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự thì phải tính đến thái độ và phản ứng bất lợi từ thế giới bên ngoài.
Sự điều chỉnh chính sách đối với Đài Loan cho thấy vấn đề Đài Loan được Trung Quốc ưu tiên hơn trước.
Xem ra, Trung Quốc đang tìm kiếm đột phá đối nội và đối ngoại mới khi Giấc mơ Trung Hoa vẫn không dễ đạt, "Nhất đới Nhất lộ" vẫn đầy trở ngại, "Made in China 2025" vẫn bị cản phá quyết liệt và Mỹ vẫn dai dẳng gây khó.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại