Vẫn còn khả năng lấy lại thương hiệu gạo ST25

Dương Hưng |

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, việc tranh giành thương hiệu, thậm chí làm giả thương hiệu không phải chuyện hiếm. Việc cần làm là vào cuộc gấp, cứu ST25 và các nông sản khác.

Hỗ trợ tối đa ông Hồ Quang Cua

Ngày 24/3, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Ngay sau khi có thông tin 4 DN Mỹ đang làm hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã họp khẩn với một số đơn vị liên quan.

Quan điểm của Bộ NN&PTNT là hỗ trợ tối đa cho ông Hồ Quang Cua (tác giả giống lúa ST25) và DN để bảo vệ thương hiệu gạo ST25. Bộ sẽ làm việc trực tiếp với ông Cua để giải quyết vụ việc.

Liên quan đến thông tin cho rằng Bộ NN&PTNT chưa công nhận giống lúa ST25 vì chưa qua khảo nghiệm trong nước, ông Cường khẳng định: Đây là thông tin hoàn toàn sai.

 Vẫn còn khả năng lấy lại thương hiệu gạo ST25  - Ảnh 1.

Việc gạo ST 25 bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho tất cả các DN Việt

Ông Cường cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải “gạo ngon nhất thế giới”, vào cuối tháng 11/2019, Bộ NN&PTNT đã đặc cách cấp bằng bảo hộ và công nhận giống lúa này. Giống ST24 được đặc cách bảo hộ vào tháng 3/2019. Như vậy, hai giống lúa được phép sản xuất kinh doanh tại những vùng đã đăng ký.

Theo ông Cường, việc các DN Mỹ đăng ký bảo hộ là về mặt thương hiệu, còn giống lúa Việt Nam đã cấp bảo hộ cho ông Hồ Quang Cua.

“Trong thời gian tới, ông Cua phải hoàn thành sớm hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu gạo ST25 với cơ quan Mỹ, cung cấp các bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 để được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Quan tâm bảo hộ thương hiệu

 Vẫn còn khả năng lấy lại thương hiệu gạo ST25  - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết, các hồ sơ của 4 DN Mỹ đang trong trạng thái chờ duyệt nên vẫn có khả năng lấy lại thương hiệu gạo ST25

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện hồ sơ của 4 DN Mỹ đăng ký với Văn phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) vẫn đang trong trạng thái chờ duyệt nên chúng ta vẫn có khả năng lấy lại thương hiệu gạo ST25.

Theo ông Toản, hiện Bộ NN&PTNT đã giao cho Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) để thúc đẩy việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với gạo ST25 và tư vấn cho DN làm bài bản hơn trong thời gian tới. Các đơn vị cũng đang phối hợp với các cơ quan tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ để tác động kịp thời với các cơ quan đại diện ở Mỹ về vụ việc.

Theo ông Toản, điểm yếu của Việt Nam là từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, việc đăng ký thương hiệu ở quốc tế chưa được quan tâm đúng mức.

Trong khi đó, Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, việc tranh giành thương hiệu, thậm chí làm giả thương hiệu không phải chuyện hiếm.

"Trong thời gian tới, ông Cua phải hoàn thành sớm hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu gạo ST25 với cơ quan Mỹ, cung cấp các bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu hợp pháp của gạo ST25 để được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này".

Ông Nguyễn Như Cường

“Nếu chúng ta không làm tốt, nhanh, sẽ luôn có những đối thủ chộp lấy cơ hội này. Do đó, các DN xuất khẩu cần phải có bộ phận tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là các luật sư, chuyên gia am hiểu luật pháp quốc tế, quan tâm hơn đến việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình ngay từ đầu”, ông Toản nói.

Bên cạnh đó, các kênh tham tán, các đại sự quán của chúng ta ở nước ngoài cần phải thường xuyên nắm bắt và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các DN khi phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết về mặt thương hiệu, pháp lý và thủ tục để tránh bị động.

TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc gạo ST25 bị các DN Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu cũng như các sự việc tương tự đã từng xảy ra trước đây như cà phê Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc…gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các DN xuất khẩu.

Ông Anh cho rằng, thông thường trách nhiệm đăng ký sở hữu thương hiệu thuộc về người sáng chế hay DN kinh doanh sản phẩm đó. Tuy nhiên, với những thương hiệu mang tầm quốc gia, các cơ quan chức năng cần chủ động hướng dẫn, khuyến cáo DN quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu.

“Đáng lý, ngay từ khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, các bộ ngành cần hướng dẫn DN đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay tại các thị trường quốc tế chủ chốt như Mỹ”, ông Anh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại