Mỹ sẽ lại tấn công Syria?
Cả trên thực địa cũng như trên dư luận hiện đều thấy có ngày càng thêm nhiều dấu hiệu về hành động quân sự của các bên liên quan ở Syria trong thời gian tới. Chúng đưa đến cảm nhận là những trận đánh lớn mới dường như đang ở phía trước.
Sự thật như thế nào thật khó phân định bởi ẩn hiện trong cuộc chiến tâm lý hiện tại có những ý đồ khác nhau về tiến hành các hoạt động quân sự, bởi sau trận đánh ảo rất có thể là trận đánh thật.
Ở bên ngoài, cả Mỹ và Nga đều tăng cường triển khai thêm quân đội và vũ khí đến khu vực gần Syria như thể bài binh bố trận cho những hoạt động quân sự quy mô phạm vi lớn và mức độ quyết liệt lớn ở Syria.
Đương nhiên là hai nước này không nhằm vào cùng địch thủ bởi địch thủ chung chính thức của họ là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) về cơ bản đã bị đánh tan ở Syria.
Video: Người dân thành phố Douma, Syria đón chào Cảnh sát Quân sự Nga
Ở bên trong, phía chính phủ Syria và phe nổi dậy hiện đồn trú ở vùng phía bắc nước này cũng chuẩn bị sẵn sàng cho trận đánh có thể được coi là cuối cùng và quyết định nhất giữa hai bên.
Phía chính phủ Syria muốn tận dụng sự thắng thế hiện tại để đánh trận cuối cùng với phe nổi dậy nhằm đè bẹp và chấm dứt hoàn toàn mọi sự đối kháng của lực lượng này về quân sự và rồi buộc họ phải chấp nhận đi vào giải pháp chính trị.
Phe nổi dậy ý thức được về chủ định ấy của phía chính phủ Syria nên phải chuẩn bị đối mặt và ứng phó với thách thức tồn tại hay không tồn tại. Trận này là trận thật.
Động thái khác nữa không kém phần quan trọng và quyết định là việc chính phủ Syria và Iran ký kết thoả thuận mới về tăng cường hợp tác quân sự. Thoả thuận này không chỉ nhằm vào cục diện chiến trường hiện tại mà còn cả nhằm tới tương lai chính trị an ninh ở Syria.
Mục tiêu của Mỹ và đồng minh
Giữa những diễn biến như thế, rất đáng được chú ý là việc Nga lên tiếng cảnh báo Mỹ và đồng minh về khả năng có kẻ nào đó sử dụng vũ khí hoá học để rồi đổ vấy trách nhiệm sang cho phía chính phủ Syria, lấy đó làm cớ để tiến hành những hoạt động tấn công quân sự nhằm vào chính phủ và quân đội chính phủ Syria.
Mỹ tuy cho biết không có ý định tấn công quân sự vào Syria nhưng luôn sẵn sàng tấn công quân đội và chính phủ Syria nếu phía này sử dụng vũ khí hoá học.
Tức là chỉ cần dậy lên thông tin rằng vũ khí hoá học được sử dụng là Mỹ và đồng minh sẽ tấn công quân đội chính phủ Syria bất kể thông tin ấy chưa được kiểm chứng và chưa xác định được sự thật.
Tên lửa phòng không Syria kích hoạt nhằm chống trả lại cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu hôm 14/4
Cho tới nay, phía Mỹ và đồng minh luôn hành xử như vậy. Dùng lý do ấy để tiến hành những cuộc tấn công quân sự vào quân đội và chính phủ Syria, Mỹ và đồng minh nhằm 3 mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất là tiêu hao tiềm lực quân sự của phía chính phủ Syria, qua đó ngăn cản phía chính phủ của ông Assad tập trung đè bẹp lực lượng nổi dậy ở Syria, kéo dài sự tồn tại và chống đối của lực lượng này.
Sau khi IS bị tiêu diệt, Mỹ chỉ còn cách ấy để duy trì sự hiện diện quân sự trực tiếp ở Syria.
Mục đích thứ hai là hạ thấp uy tín của chính phủ Syria và cá nhân tổng thống nước này Bashir al-Assad, khuấy động cảm nhận chính thể hiện tại ở Syria là mối đe doạ an ninh chung đối với các nước khác trong khu vực vì sở hữu và sử dụng vũ khí huỷ diệt.
Mục tiêu thứ ba là làm cho thiên hạ mất lòng tin vào Nga và buộc Nga phải lưu ý đến Mỹ trong việc vận hành quá trình tìm kiếm và thực hiện giải pháp chính trị cho Syria.
Từ năm 2015, Nga đã đảm bảo là chính phủ Syria tiêu huỷ hoàn toàn kho vũ khí hoá học. Sự cảnh báo nói trên của Nga là kết quả của những bài học mà Nga đã rút ra được từ việc Mỹ và đồng minh tiến hành những cuộc chiến tranh ở Iraq và Syria.
Hiện tại, đấy mới là một trận ảo, nhưng luôn đi cùng kịch bản trở thành trận thật. Nếu liên quân chính phủ Syria, Nga và Iran giành phần thắng quân sự trong những trận đánh cuối cùng sắp tới ở vùng miền bắc Syria thì Mỹ sẽ bị bật khỏi nước này.
Vì thế, Mỹ và đồng minh đang tìm mọi cách để ngăn cản. Một bên chơi trận ảo để trận thật không xảy ra. Còn một phía chơi trận ảo trước và đánh trận thật sau.