Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khó lường trên toàn cầu, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào cuối tháng trước, cam kết chung tay cùng người dân Syria chống lại nguy cơ virus lan rộng ở nước này.
Đây được coi là cơ hội vàng để UAE tiếp tục gia tăng mối quan hệ với chính quyền Assad nhằm giành lấy những lợi thế đáng giá trước Thổ Nhĩ Kỳ - một trong những đối thủ lớn nhất của nước này ở khu vực.
Đại sứ quán UAE tại Syria.
Mới đây, tờ Middle East Eye tiết lộ nguồn tin mật về việc UAE đã đề nghị hỗ trợ chính quyền Assad 3 tỷ USD để phá vỡ lệnh ngừng bắn ở Idlib giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, khởi động lại cuộc tấn công chiếm lại phần lãnh thổ quan trọng của đất nước.
Động thái này của UAE không chỉ nhằm mục đích khiến Thổ Nhĩ Kỳ tiêu tan mọi ảnh hưởng ở Syria mà còn khiến cho nước này phân tâm khỏi cuộc xung đột ở Libya, nơi Abu Dhabi và Ankara cũng ở hai bên bờ đối lập.
Mặc dù cuộc chiến Syria đang dần ngã ngũ với những người chiến thắng đã được xác định, UAE vẫn tin sẽ gặt hái được lợi ích đáng kể trong giai đoạn này một khi tham gia hợp tác cùng Tổng thống Assad.
Chính sách của UAE ở Syria
Không giống như các đồng minh khác của Mỹ, trong giai đoạn trước, cách tiếp cận của Abu Dhabi ở Syria chỉ ở mức cầm chừng, bao gồm viện trợ tài chính cho số lượng lớn chiến binh ở miền Nam Syria khi cuộc xung đột bùng nổ trở lại vào tháng 2/2014.
Tuy nhiên, Abu Dhabi sử dụng các nhóm này để hướng tới mục tiêu đối trọng với các lực lượng Hồi giáo đối thủ, như Anh em Hồi giáo, và các nhóm chiến binh, như Ahrar al-Sham. Điều này cho thấy sự khác biệt trong chiến lược của UAE với Saudi.
Hơn nữa, không giống như Riyadh, Abu Dhabi không ủng hộ phiến quân có ý định lật đổ chính quyền Assad. Mục đích trọng tâm nhất vẫn chỉ là đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, trong khi trấn áp ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo khác nhau.
Về sau này, UAE đã tìm cách kiểm soát các lực lượng đối lập miền Nam để chấm dứt cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Chính phủ Syria.
Sau sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng 9/2015 giúp Tổng thống Assad đánh bại các lực lượng đối lập và lấy lại lãnh thổ, UAE tiếp tục thích nghi với tình hình, tìm cách tăng cường quan hệ với Moscow.
Ngoại trưởng UAE thậm chí còn chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ bắn hạ chiến đấu cơ Nga vào tháng 11/2015, gọi đây không khác gì một hành động khủng bố.
Chống lại Ankara và Doha
Xe quân sự Nga trên đường phố Syria.
Mặc dù Moscow thường xuyên bị phương Tây phản đối trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria, nhưng ngược lại, UAE lại luôn hoan nghênh vai trò của Nga, đồng thời từ bỏ sự hỗ trợ cho phe đối lập miền Nam - chấm dứt phong trào kháng chiến tại đó.
UAE hy vọng rằng Nga sẽ gây áp lực với đồng minh Iran để hạ thấp sự hiện diện của Tehran ở Syria. Tuy nhiên, vì Nga không thực hiện ý muốn này, UAE đã chuyển trọng tâm sang miền Bắc Syria, đầu tư vào đảng Liên minh Dân chủ (PYD) và Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) người Kurd – vốn là đối thủ của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoản hỗ trợ này đã tăng lên khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các hoạt động quân sự chống lại YPG.
Giờ đây, Abu Dhabi ưu tiên chống lại Ankara và Doha hơn cả Tehran, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng vùng Vịnh năm 2017 đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đến gần nhau hơn.
UAE cũng hỗ trợ cuộc tấn công của tướng Khalifa Haftar vào Tripoli kể từ tháng 4/2019. Abu Dhabi hiện đang tìm cách bảo đảm sự kiểm soát của tướng Haftar đối với toàn bộ đất nước. Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 1, với sự trợ giúp cho Chính phủ Hiệp định quốc gia đang đe dọa thêm lợi ích của UAE ở Libya.
Trục chống Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi thắt chặt quan hệ với Moscow, UAE cũng tìm cách hợp nhất các đối tác cần thiết tạo thành một trục chống Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria đã tạo ra một rào cản cho lợi ích đối với UAE, khi Tổng thống Putin không thể từ bỏ hợp tác với Ankara trong khi cân bằng mối quan hệ của Moscow với cả hai nhà lãnh đạo Assad và Erdogan.
Một kịch bản tương tự đã xuất hiện ở Libya sau khi Moscow và Ankara đồng ý thiết lập lệnh ngừng bắn vào tháng 1.
Phần lớn hướng đi của UAE đã được định hướng theo chính sách Syria mơ hồ của Mỹ. Sau khi Washington tuyên bố rút quân khỏi Syria vào tháng 1/2019, Abu Dhabi bám lấy Nga và Syria, thể hiện mình như một đồng minh tích cực.
Trong thời gian tới, Abu Dhabi sẽ tiếp tục ủng hộ Tổng thống Assad, coi sự hiện diện của ông là rào chắn lớn nhất chống lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Idlib là điểm nóng của cuộc xung đột.
Bất kỳ sự suy giảm nào trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều có lợi cho UAE, tạo cơ hội giúp chính quyền Syria giành lại lãnh thổ hợp pháp, đồng thời chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực. UAE có thể tiếp tục các động thái thúc đẩy để khiến Moscow coi Ankara là kẻ thù chung.
Về cơ bản, UAE đã đóng một vai trò linh hoạt để tối đa hóa ảnh hưởng của mình ở Syria, xây dựng nền tảng chính cho tham vọng của Abu Dhabi với tư cách bá chủ khu vực.