Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố chung về Syria vào ngày 10/11 trong khuôn khổ cuộc gặp bên lề Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng. Tuyên bố này cho rằng hai bên không sử dụng giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và cần một giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tuyên bố chung về Syria nói trên do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phối hợp đưa ra. Dù có một loạt các vấn đề cần phải thảo luận nhưng hai bên đều tập trung vào vấn đề nóng nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất, nơi mỗi bước tiến triển sẽ đều phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.
Vì IS đã bị đánh đuổi ra khỏi các vùng đất mà nhóm khủng bố này chiếm giữ, sự tập trung giờ đây được đổ dồn vào triển vọng đưa ra một giải pháp hòa bình. Các bên đều nhất trí tiếp tục cùng nhau nỗ lực chống IS và khẳng định cam kết với chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Hai bên sẽ “duy trì các kênh đối thoại quân sự mở” để đảm bảo an toàn lực lượng của cả hai phía.
Trong những tháng qua, dưới sự kết hợp tấn công của quân đội Syria và Lực lượng dân chủ Syria (SDF) đứng đầu là người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, IS đã bị đánh bật khỏi các thành lũy chính ở Syria. Mới đây, IS cũng đang mất thành lũy cuối cùng ở đất nước này. Tuy cuộc chiến ở Syria đã đạt được thành tựu lớn nhưng cái kết cho cuộc xung đột này vẫn hết sức xa vời. Dù đang dần lắng xuống nhưng nó có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.
Quân đội chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Syria dưới sự trợ giúp của lực lượng không quân Nga. Nhưng hơn 40% đất nước vẫn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính phủ, bao gồm cả các khu vực có nhiều giếng dầu nhất.
Lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn không muốn rời khỏi vùng đất mà họ đã giành lại từ tay IS, bao gồm cả thành phố Raqqa. Các khu vực nằm ngoài quyền kiểm soát của ông Assad bao gồm phần lớn miền bắc Syria, cũng như tỉnh Deir Ezzor ở phía đông và Daraa ở phía Nam.
Các cuộc đụng độ tiếp tục nổ ra trên khắp đất nước. Giải pháp chính trị vẫn chưa được đưa ra. Cộng đồng quốc tế vẫn chia rẽ về cách thức đạt được giải pháp hòa bình. Phe đối lập cũng không thống nhất với các nhà tài trợ của các nhóm khác nhau theo đuổi các mục tiêu khác nhau.
Đại hội đối thoại quốc gia Syria ban đầu dự kiến diễn ra vào 18/11 đã bị hoãn lại. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã gặp nhau tại Sochi vào ngày 13/11 để thảo luận về các triển vọng của sáng kiến. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các mục tiêu cho sự tham dự của Liên đoàn dân chủ người Kurd trong sự kiện này. Vào ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố về việc mời 33 tổ chức tham dự Đại hội. Tiến trình Geneva do Liên Hợp quốc làm trung gian cũng gặp phải những trở ngại và giờ đây cũng đang bị trì hoãn.
Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã đưa ra vấn đề vũ khí hóa học được phương Tây đổ cho chế độ Assad thực hiện để khiến tiến trình đàm phán trở nên phức tạp hơn.
Vì không còn kiểm soát được khu vực nào nên IS chuyển sang hình thức hoạt động ngầm để chiến đấu du kích. Chẳng hạn, lực lượng thánh chiến không phản kháng mạnh ở Abu Kamal và rời khỏi thành phố này, nhưng thực tế chúng không biến mất. Chúng có thể bị đánh bom và bắn tỉa nhưng súng đạn không thể tiêu diệt hoàn toàn hệ tư tưởng này. SC cho rằng không thể nào đánh thắng IS về lâu dài nếu như cộng đồng dân cư địa phương không chống lại những tư tưởng cực đoan mà lực lượng thánh chiến lan truyền. Và cách tốt nhất để giải quyết gốc rễ chủ nghĩa khủng bố chính là nhờ vào nỗ lực quốc tế.
Trong hoàn cảnh này, mối liên hệ giữa Nga và Mỹ là một nhân tố quyết định trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề. Đối thoại và thỏa hiệp của tất cả các bên liên quan là cách duy nhất để thúc đẩy quá trình giải quyết chứ không phải xung đột và kiểm soát lãnh thổ. SC nhận định giờ là lúc thảo luận chi tiết về việc cung cấp viện trợ quốc tế để giảm thiểu những nỗi khổ của người dân.
Vậy ai sẽ là bên chịu trách nhiệm phân phối viện trợ cho các cộng đồng dân cư và cách thức kiểm soát quá trình này như thế nào? Câu hỏi này đang được đẩy lên hàng đầu. Tái xây dựng lòng tin, bảo vệ người dân, cung cấp cứu trợ nhân đạo và duy trì ngừng bắn là những nhiệm vụ đang phải giải quyết.
Syria là nơi quân đội Nga và Mỹ có thể dễ dàng đụng độ nếu có sự cố. Tuy nhiên cả hai bên đã tránh được điều nay trong suốt thời gian qua. Tính đến thời điểm này, các nỗ lực ngừng xung đột phần lớn đều hiệu quả. Và các tổng thống Nga và Mỹ đều nhận ra rằng nhất thiết phải phối hợp nhiều biện pháp để xây dựng lại đất nước. Cho dù có những căng thẳng địa chính trị và mất lòng tin lẫn nhau, Nga và Mỹ đang hợp tác với nhau trên một số lĩnh vực có vai trò vô cùng quan trọng tới an ninh toàn cầu.
Hôm 2/11, khi được hỏi về triển vọng của cuộc gặp với Tổng thống Nga tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, Tổng thống Trump đã cho rằng: “Ông Putin rất quan trọng vì Nga có thể giúp chúng tôi trong vấn đề Triều Tiên. Họ có thể giúp chúng tôi trong vấn đề Syria. Chúng tôi phải đàm phán về Ukraine".
Syria được chọn là vấn đề được đề cập tại hội nghị APEC vì đây là cơ hội để giới hạn thiệt hại trong quan hệ Nga- Mỹ. Dù thế nào thì Nga cũng là nhân tố quan trọng để thúc đẩy cuộc đối thoại, và tổng thống Mỹ nhận thức rất rõ điều này.