Ván cờ quyền lực Trung Đông: Cuộc chiến mới đã “đạn lên nòng“

Hồng Nhung |

“Sợ hãi là điều duy nhất ngăn cản chiến tranh, nhưng cũng có thể kích hoạt chiến tranh sớm xảy ra”, Robert Malley, phó chủ tịch về chính sách của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định trong bài viết trên Defense One mới đây.

Theo ông Malley, Lebanon từ lâu đã là một hình ảnh trung thực đại diện cho cả Trung Đông. Các nước mạnh hơn trong khu vực sử dụng Lebanon theo các cách khác nhau, là một địa điểm cho những cuộc chiến ủy nhiệm của họ, một nơi diễn ra xung đột giữa Ả Rập Xê-út và Israel, và là vùng đất thử nghiệm cho một cuộc xung đột định kỳ trong bối cảnh Ả Rập Xê-út và Iran cùng chung sống.

Đó là nơi mà khu vực tiến hành các cuộc chiến tranh và làm trung gian cho các thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Vào tuần đầu tháng 11, giống như nhiều lần khác, Trung Đông đã không thuận lợi với Lebanon.

Ván cờ quyền lực Trung Đông: Cuộc chiến mới đã “đạn lên nòng“ - Ảnh 1.

Thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã tuyên bố từ chức vào ngày 4/11 (ảnh: News.ro)

Tin tức xuất hiện dồn dập vào ngày 4/11 dưới hình thức ba sự việc diễn ra liên tiếp trong vòng có 10 tiếng đồng hồ. Đầu tiên, thủ tướng Lebanon Saad Hariri đã tuyên bố từ chức. Ông Malley cho rằng việc ông Hariri đưa ra tuyên bố từ Riyadh đã cho biết nhiều điều về câu chuyện; ông đã đọc diễn văn với sự thành thật của một người bị bắt phải đọc, việc chính ông bị giam giữ đã nói phần còn lại.

Quyết định này do Thủ tướng Lebanon tuyên bố nhưng lại diễn ra ở Ả Rập Xê-út. Mohammed bin Salman, thái tử Ả Rập Xê-út và là người lãnh đạo thực sự, có lý do để mong muốn điều này xảy ra. Căng thẳng giữa Ả Rập Xê-út và Iran đang gia tăng và thái tử bin Salman quyết tâm miêu tả Tehran là nguồn gốc của tất cả tội ác trong khu vực. Đối với Hariri, để kiểm soát một chính phủ bao gồm Hezbollah về cơ bản đã làm yếu đi thông điệp chính đó, điều này nghĩa là cho phép một trong những đồng minh thân cận nhất của Riyadh hợp tác với đối tác trung thành nhất của Tehran.

Ở cương vị thủ tướng, ông Hariri đã tạo ra cảm giác có thể chung sống với Hezbollah và mở rộng quan hệ với Iran. Sự ra đi của ông đã được thiết kế để xóa sạch mọi nghi ngờ. Ông đã được yêu cầu đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng một năm trước, vào thời điểm mà mục tiêu là bảo vệ Lebanon khỏi sự đối đầu giữa Ả Rập Xê-út và Iran. Nhưng giờ đây với sự ra đi của ông, Lebanon hoàn toàn bị đặt vào thế nguy hiểm. Lebanon đã gia nhập vào phe kẻ thù của Ả Rập Xê-út, ông Malley nhận định.

Sự việc thứ hai là tin tức Ả Rập Xê-út đã đánh chặn được một tên lửa phóng đi từ Yemen công khai nhắm bắn vào sân bay của Riyadh. Đây không phải là tên lửa đầu tiên mà Houthis, nhóm nổi dậy người Yemen được Iran và Hezbollah ủng hộ, bắn vào người hàng xóm phương bắc, nhưng thời gian và tầm bắn chưa từng thấy của tên lửa có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn.

Mức độ các thế lực bên ngoài ủng hộ Houthis trở thành vấn đề của một số cuộc tranh luận, mặc dù các quan chức Mỹ và Ả Rập Xê-út đều không hề nghi ngờ rằng chương trình tên lửa đạn đạo của phong trào nổi dậy không thể đạt được bước tiến lớn như vậy nếu không có sự đào tạo và trợ giúp đáng kể của nhà tài trợ. Giống như Hariri khi hành động liều mạng, các quan chức Ả Rập Xê-út nhanh chóng công khai một đường dây liên kết trực tiếp cuộc tấn công với Iran và Hezbollah. Họ tuyên bố đó là một hành động gây chiến mà họ bị đổ trách nhiệm và họ sẽ đáp trả.

Ván cờ quyền lực Trung Đông: Cuộc chiến mới đã “đạn lên nòng“ - Ảnh 2.

Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman (ảnh: News.com.au)

Sự việc thứ ba là vụ thanh trừng lớn của Ả Rập Xê-út, trong đó có hơn 10 hoàng tử cùng hàng chục doanh nhân và quan chức cấp cao đã bị quản thúc tại gia. Đây là động thái làm sạch nội bộ của thái tử Salman nhằm loại bỏ bất cứ lực lượng tiềm ẩn nào cạnh tranh về quân sự, chính trị, kinh tế hoặc phương tiện truyền thông. Theo ông Malley, kết hợp với các bước đi trước đây, điều này có nghĩa là bây giờ ông Salman về cơ bản đã theo dõi tất cả mọi người là rường cột truyền thống của chế độ.

Một số người tự hỏi liệu có phải ông Salman đã kích động quá nhiều kẻ thù cùng một lúc hay không khi mà ông chưa được thử thách và thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, kinh nghiệm thiếu sót đã được ông bù đắp bằng những tham vọng lớn hơn, và giờ đây ông đang ở đúng vị trí mà bản thân khao khát: có thể phá vỡ nhiều năm thụ động và thúc đẩy Ả Rập Xê-út cải tổ vì ông thấy phù hợp với chính sách đối nội và đối ngoại của vương quốc, đặc biệt là để đối đầu với Iran một cách hiệu quả hơn.

Ông Malley cho rằng cả ba sự việc này đều theo một hướng như nhau: hướng đi của một nhà lãnh đạo Ả Rập Xê-út ngày càng táo bạo và chỉ theo đuổi một mục đích duy nhất là mong muốn hợp tác với Mỹ để đối phó với mối đe dọa của Iran, động thái làm tất cả e sợ bởi các sự kiện liên quan đến Yemen.

Lebanon và khu vực được cho là đã nhìn thấy tất cả điều này trước đây; một khoảng trống trong lãnh đạo giữa bối cảnh căng thẳng đang gia tăng không phải là chuyện gì mới. Tuy nhiên, điều mới là một Israel khiếp sợ bất thường, lãnh đạo Ả Rập Xê-út quyết đoán và liều lĩnh bất thường, và tất nhiên cả một vị Tổng thống Mỹ cũng bất thường.

Đối với Israel, trong nhiều tháng nay đã có những tiếng chuông cảnh báo về sự hiện diện ngày càng lớn của Hezbollah và Iran ở Syria, và đặc biệt hơn nữa là phong trào của người Lebanon sớm có được khả năng tự sản xuất các tên lửa dẫn đường chính xác– sự phát triển được các quan chức Israel xem là một yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chơi và Israel cần phải ngăn chặn.

Đối với người lãnh đạo mới của Ả Rập Xê-út: ông Bin Salman tin rằng Iran từ lâu đã coi Ả Rập Xê-út như một bàn đạp, và Ả Rập Xê-út đã bị bắt buộc như vậy quá lâu. Ông thấy Tehran sở hữu của cải, thiết bị quân sự, hay các đồng minh quốc tế hùng mạnh ít hơn hẳn Riyadh, nhưng lại vẫn tiến lên mở rộng kiểm soát ở Baghdad, Damascus, Beirut và Sanaa.

Ông tin rằng chỉ có cách kháng cự mạnh mẽ và táo bạo hơn - cho dù ở Yemen, Iraq, hay Lebanon - thì Ả Rập Xê-út và các đối tác mới có thể bắt Iran dừng lại và xoay chuyển tình thế. Và đến nay, ông Bin Salman đã cho thấy, từ khủng hoảng quân sự ở Yemen cho tới sai lầm ngoại giao khi tìm cách cô lập Qatar, xu hướng rơi vào khủng hoảng lớn hơn là chấm dứt khủng hoảng.

Đối với Mỹ: Mặc dù không thể đoán trước và hay thay đổi ở nhiều khía cạnh, tổng thống Donald Trump ít nhất cũng nhất quán ở một mặt nào đó, đấy là thái độ thù địch đối với Iran đã trở thành tiêu chuẩn trong chính sách Trung Đông của chính quyền ông Trump.

Các quan chức Mỹ khiến ông Trump sốt sắng hành động chống lại Iran nhằm khôi phục tín nhiệm và khả năng can thiệp của Mỹ mà ông cảm thấy rằng người tiền nhiệm của ông (người mà tác giả Malley đã tư vấn về các vấn đề Trung Đông) đã lãng phí.

Ông Malley nhận xét cách tiếp cận của ông Trump có một phần rất giống của thái tử Salman: bác bỏ cam kết ngoại giao với Tehran và tin rằng cần phải thiết lập một sự cân bằng quyền lực mới, khiến ông Trump có ít khả năng hạn chế bản năng của Bin Salman hơn là khuyến khích chúng.

Ông Malley nhận định ít người Lebanon tin rằng một cuộc chiến tranh toàn diện sắp xảy ra, vì cả ba bên giữ vai trò chính đều có lý do để tự kiềm chế. Tuy Israel rất muốn tấn công Hezbollah nhưng bị kìm hãm không được hành động như vậy, bởi viễn cảnh một loạt tên lửa bắn vào các trung tâm đô thị của nước này.

Israel có khả năng tấn công gây tổn thất lớn hơn nhiều, nhưng Hezbollah lại sở hữu năng lực chịu đựng cao hơn hẳn, điều này có nghĩa là bất kỳ hoạt động quy mô lớn nào của Israel cũng có nguy cơ bị kéo dài vô thời hạn.

Ả Rập Xê-út không có khả năng trực tiếp thách thức Iran về mặt quân sự và phải xem xét mối đe dọa từ sự trả đũa của Iran trên lãnh thổ nước này. Và trong việc đánh giá tùy chọn tiến xa hơn với Iran hay các đồng minh, Mỹ tiếp tục tính đến sự gần gũi của dân quân Shia của Iraq do Iran hậu thuẫn với quân nhân Mỹ, và khả năng lực lượng này có thể lại tiếp tục các cuộc tấn công của họ.

Tuy nhiên, người Lebanon, dù có liên kết với Hezbollah hay những tổ chức khác, dường như cũng tin rằng một số kiểu hành động đã trở thành thực tế không thể tránh khỏi. Cuộc tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi quá liều lĩnh, lời cảnh báo của Ả Rập Xê-út quá rõ ràng, sự lo lắng của Israel quá lớn, và thái độ thù địch của Mỹ đối với Iran và Hezbollah cũng quá rõ ràng.

Theo đó, chính quyền Trump đang đặt nghi vấn về thỏa thuận hạt nhân Iran và xem xét tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran, làm gia tăng căng thẳng không cần thiết, hơn nữa còn thiếu vắng sự liên hệ thường xuyên, cấp cao giữa hai nước trong khi điều đó có thể làm giảm bớt căng thẳng.

Nói rộng hơn, ông Malley cho rằng vì cùng một lý do mà những kẻ địch của Iran có thể sẽ hành động, Iran và Hezbollah có thể sẽ phản ứng lại: Cả hai bên đều muốn tránh một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhưng lại không thể cho thấy điều đó. Câu hỏi đặt ra là liệu trong bối cảnh này, hành động hạn chế của một bên và phản ứng hạn chế của bên kia có thể ngăn chặn xung đột hay vẫn khiến xung đột leo thang.

Sự thiếu vắng trong tình hình này là bất kỳ dấu hiệu ngoại giao nào - giữa Iran với Ả Rập Xê-út, Iran và Mỹ, hoặc Ả Rập Xê-út và Houthi. Thay vào đó, khu vực đối mặt với sự tự do hành động của tất cả các bên, trong đó sự kiềm chế duy nhất có tác dụng đối với hành động của mỗi bên là nỗi lo sợ về những gì nó có thể gây ra. Điều đó rất khó khiến mọi người yên tâm.

Ở Lebanon, mọi người không biết ai có thể sẽ thực hiện cuộc tấn công đầu tiên. Ai (Iran hay Hezbollah) có thể là mục tiêu của cuộc tấn công? Nó có thể xảy ra khi nào, ở đâu (ở Lebanon, Syria, hay Iran) và sẽ diễn ra như thế nào? Nhưng họ cảm nhận được điều gì đó sẽ xảy ra. Và họ sợ rằng nếu thêm lần này, Lebanon chắc chắn sẽ tan vỡ, ông Malley kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại