"Ván bài" được - mất của Trung Quốc khi ASEAN rút tuyên bố chung

Thi Anh |

Chuyện ASEAN rút tuyên bố có thể dính dáng tới Trung Quốc nhưng khi ấy Bắc Kinh có lẽ chưa biết mình sẽ mất gì.

Thất bại của Trung Quốc là gì?

Hội nghị Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc vừa qua đã có nhiều diễn biến bất ngờ. Sau cuộc họp kéo dài ngoài dự kiến, buổi họp báo chung giữa 2 bên bị hủy, thông cáo chung với luận điểm "quan ngại sâu sắc" về vấn đề biển Đông cũng bị rút lại sau khi được công bố .

Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là thất bại của ASEAN và thành công trong chiến thuật chia rẽ - chế ngự của Trung Quốc. Nhưng theo tạp chí Diplomat, sự việc lần này cho thấy Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu định sẵn của mình, trong khi nhiều nước ASEAN lại thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước.

Theo Straitimes của Singapore, từ trước khi hội nghị diễn ra, Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn nội dung để "phím" cho ASEAN. Và vào những giờ phút cuối cùng của hội nghị, Trung Quốc đã đề nghị ASEAN cân nhắc đưa 10 điểm thống nhất vào thông cáo. Động thái này được đánh giá là nhằm chia rẽ ASEAN.

Diplomat đã tiếp cận và xem xét các văn kiện có liên quan tới hội nghị, bao gồm nội dung mà phía Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn, tuyên bố chung đã được rút lại cũng như không được công bố của ASEAN và tuyên bố đơn lẻ của các nước trong khối.

Theo đó, tạp chí phân tích này cho rằng, Bắc Kinh đã muốn thông cáo chung làm nổi rõ 3 điểm chính như sau:

1. Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á có thể giải quyết các bất đồng liên quan tới biển Đông mà không có sự can dự của bên ngoài, kể cả phán quyết sắp được Tòa trọng tài thường trực (PCA) công bố.

2. Không phải đề cao vấn đề biển Đông khi ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ bởi đó chỉ là một vấn đề trong mối quan hệ đối tác của Bắc Kinh và ASEAN.

3. Biển Đông không phải vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc mà là vấn đề giữa Bắc Kinh và 4 quốc gia thành viên, đặc biệt là Philippines.

Thực ra, hai bên đã trao đổi nội dung tuyên bố và Trung Quốc đã gây sức ép để các quốc gia thành viên ASEAN phát ngôn đại diện cho mình nhưng kết quả là ASEAN đã không chấp thuận. Rõ ràng, Bắc Kinh không thể tác động tới ASEAN và định hướng tuyên bố chung của khối theo ý mình.

Hội nghị tại Vân Nam là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy ASEAN và Trung Quốc không thể giải quyết được vấn đề nếu Bắc Kinh tiếp tục gây ảnh hưởng tới sự đoàn kết của khối.

Ván bài được - mất của Trung Quốc khi ASEAN rút tuyên bố chung - Ảnh 1.

Hội nghị Đặc biệt các Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Vân Nam, Trung Quốc.

Theo một quan chức Đông Nam Á, ASEAN đã chuẩn bị bản tuyên bố chung như văn kiện Malaysia đã công bố ban đầu. Trung Quốc cũng biết chuyện này từ trước.

Nhưng thay vì để ASEAN thể hiện quan điểm một cách độc lập, Bắc Kinh lại tìm cách gây sức ép, buộc ASEAN phải rút văn kiện này, khi ấy đã được công khai cho nhiều đơn vị truyền thông.

Nói chung, thay vì cùng ASEAN giải quyết vấn đề, và để mỗi bên tự do khẳng định lập trường của mình, Trung Quốc lại chọn cách làm tổn hại tới khả năng đạt đồng thuận của ASEAN. Và đúng như nhận định của chuyên gia, "hướng tiếp cận theo kiểu thắng – thua của Trung Quốc khiến cơ chế ngoại giao bế tắc".

ASEAN cứng rắn trước ngày ra phán quyết

Bản tuyên bố chung không được công bố của ASEAN đã thể hiện rõ quan điểm của khối. Văn kiện được chia làm 2 phần - phần đầu đề cập tới mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc, còn phần sau nhắc tới vấn đề biển Đông và nói rõ rằng vấn đề này ảnh hưởng tới mối quan hệ của 2 bên.

Nếu để ý tới các thông cáo chung của ASEAN trước đây thì có thể thấy 1 điều. Vấn đề biển Đông trong các văn kiện này thường được nhắc tới một cách hạn chế và không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc. Việc ASEAN dành hẳn một nửa văn kiện để nói tới vấn đề này cho thấy lập trường khá cứng rắn của khối.

Mặc dù không phải là các bên có liên quan trực tiếp tới tranh chấp trên biển Đông nhưng Singapore và Indonesia đều không đồng tình với quan điểm và cách hành xử của Bắc Kinh.

Giữ vai trò điều phối trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc, Singapore vốn đã không hài lòng khi Bắc Kinh cố chia rẽ ASEAN trước khi phán quyết được PCA công bố.

Nước này thậm chí còn tự đưa ra thông cáo báo chí riêng ngay sau hội nghị ở Vân Nam "kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tích cực hợp tác để đảm bảo hòa bình và ổn định của Biển Đông". Singapore thể hiện rất rõ lập trường của mình khi nhắc tới toàn khối trong vấn đề biển Đông. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bất bình của Singapore.

Về phía Indonesia, Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng nhấn mạnh: "Không tôn trọng luật pháp quốc tế thì hòa bình và ổn định khó có thể đạt được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại