Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng, tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trong toàn hệ thống, từ trên xuống dưới là rất cần thiết, giúp loại ra khỏi bộ máy không ít người không xứng đáng với cương vị được giao.
Đạo đức công vụ xuống cấp
Tuần qua, khi thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước.
Theo ông, vì sao việc này lại cần thiết đến vậy?
Việc tổng rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ là rất cần thiết.
Việc này giúp chúng ta thấy được bức tranh toàn thể về bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ và chúng ta biết được có bao nhiêu thủ trưởng các cơ quan đơn vị đề bạt, bổ nhiệm người thân của mình, bao nhiêu người đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa đủ điều kiện, chưa thực sự có uy tín trong tập thể cơ quan đơn vị.
Khi đánh giá được tổng thể bức tranh, ta mới xác định được trách nhiệm và xử lý nghiêm được vi phạm.
Việc bổ nhiệm lãnh đạo không đúng quy định, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng đã được báo chí phản ánh rất nhiều thời gian qua.
Với tư cách là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, qua giám sát, ông đánh giá việc này thế nào?
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên tiếp đưa ra các kết luận về vi phạm trong công tác cán bộ ở nhiều địa phương, thực trạng đó cho thấy vấn đề quan trọng nhất là đạo đức công vụ đang xuống cấp.
Bởi với một cán bộ lãnh đạo, nếu không có đạo đức công vụ thì họ sẽ thực hiện việc bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ công chức cho những người thân thuộc của họ, dẫn đến tình trạng “một người làm quan cả họ được nhờ”, “cả họ làm quan”.
Đạo đức công vụ xuống cấp cũng làm cho không ít cán bộ trở thành người có hành vi tham nhũng, nên từ đó mới có việc cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa đúng quy định, chưa đủ tiêu chuẩn hoặc là quá số lượng quy định, khiến lãnh đạo nhiều hơn nhân viên.
Hai hiện tượng nhức nhối trong công tác cán bộ ấy lại đều xuất phát từ một nguyên nhân là đạo đức công vụ. Người ta cũng nói về kẽ hở của pháp luật, nhưng tôi cho rằng cái đó chỉ một phần, còn đạo đức công vụ mới là gốc rễ vấn đề.
Nếu người thi hành công vụ, thủ trưởng các đơn vị có đạo đức thì họ sẽ không bổ nhiệm, đề bạt con cháu, người thân của mình vào những vị trí chủ chốt, có nguy cơ tham nhũng cao.
Nếu có đạo đức, thì dù có kẽ hở họ cũng không lợi dụng để làm những việc trái với quy định. Thay vào đó, họ sẽ có những đề xuất, tham mưu để bịt những kẽ hở ấy.
Lợi ích nhóm chi phối công tác cán bộ
Thưa ông, tiêu chuẩn, quy định về công tác cán bộ cũng đã rất đầy đủ, chặt chẽ, nhưng vì sao vẫn xảy ra những câu chuyện như bổ nhiệm không đúng quy định, bố trí người thân, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn nhân viên... như vừa qua? Ông có cho rằng công tác tổ chức cán bộ đã bị lợi ích nhóm chi phối?
Có thể nói là như vậy, bởi lợi ích nhóm chi phối cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến những lỗ hổng, vi phạm trong công tác cán bộ. Lợi ích nhóm tạo thành một đường dây liên kết, bao che cho nhau để mưu cầu lợi ích cá nhân bất chính, để những người có quyền quyết định việc bổ nhiệm hành động vì lợi ích đó.
"Cán bộ là gốc rễ của mọi vấn đề. Vì thế, tham nhũng trong công tác cán bộ thậm chí nguy hiểm, nghiêm trọng hơn cả hành vi tham nhũng về kinh tế. Nếu công tác cán bộ mà có tình trạng nhiều vi phạm như thời gian qua thì sẽ là một mối nguy hại rất lớn, bởi nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đơn thuần, mà mối nguy lớn hơn là mất uy tín của Đảng và Nhà nước, mất lòng tin của dân, gây xáo trộn xã hội”. Ông Đỗ Đức Hồng Hà |
Trong công tác cán bộ, biểu hiện của lợi ích nhóm cũng rất đa dạng, phức tạp, có ở tất cả các khâu, các bước trong quy trình của công tác cán bộ. Hơn nữa, nó rất khó phát hiện vì thường được bao che, nên mới có chuyện sai phạm về cán bộ kéo dài qua nhiều thời kỳ, chậm được khắc phục.
Điển hình của lợi ích nhóm trong công tác cán bộ chính là tình trạng chạy chức, chạy quyền, nhằm ngồi vào những chiếc ghế dễ bề thăng tiến, kiếm lợi nhuận.
Để đạt được lợi ích nhóm, người có chức quyền, người có quyền quyết định nhân sự luôn tìm cách lợi dụng sơ hở trong các quy định của pháp luật, tạo các mối quan hệ để móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân, bất chấp nhân phẩm, đạo đức.
Hơn nữa, do các nguyên tắc, quy chế, quy định, quy trình về công tác cán bộ còn có nhiều kẽ hở nên dễ bị một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ lợi dụng để “lách luật”.
Vì thế, nếu không có giải pháp đột phá thì việc đấu tranh chống các hành vi chạy chức, chạy quyền; lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực vẫn chỉ dừng lại ở việc hô hào, hình thức và niềm tin trong nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng sẽ càng suy giảm.
Con sâu làm rầu nồi canh
Thực tế cũng cho thấy có những lãnh đạo đã gửi gắm, cài cắm con em mình vào những nơi dễ có cơ hội thăng tiến. Ông có cho rằng việc làm này của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đã gây tai tiếng cho cả bộ máy?
Đó chính là những con sâu làm rầu nồi canh, vì có thể khẳng định bức tranh chung là không phải người đứng đầu, không phải thủ trưởng, cơ quan đơn vị nào cũng sa sút về đạo đức công vụ, cũng vì những mưu lợi cá nhân mà luôn tìm cách đưa người thân, con cháu vào bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, dù chỉ là số ít nhưng việc này lại gây dư luận không tốt, gây bức xúc trong nhân dân, và làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.
Tuy ít, nhưng hậu quả nó để lại rất nặng nề, nghiêm trọng, ảnh hưởng chung đến hình ảnh của cán bộ công chức, ảnh hưởng chung đến uy tín của cả bộ máy.
Vì thế, quan trọng nhất là xử lý nghiêm và phải công khai việc xử lý những sai phạm trong công tác cán bộ để nhân dân và cử tri cả nước biết.
Việc xử lý nghiêm minh còn có tác dụng răn đe những người có chức có quyền, răn đe người đang manh nha có biểu hiện suy thoái về đạo đức.
Việc tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ là cần thiết, song đó cũng chỉ là việc kiểm tra lại những việc đã làm. Để ngăn chặn tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối công tác tổ chức cán bộ trong thời gian tới, theo ông cần phải làm gì?
Chúng ta phải đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó quan trọng nhất là khắc phục được nguyên nhân về đạo đức công vụ của những cán bộ công quyền.
Tức là trước tiên phải làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho các cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước.
Đặc biệt, với các tổ chức Đảng, người đứng đầu cần được giáo dục về quyết tâm phòng, chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng.
Thêm nữa, cần phải phát huy dân chủ, chấp hành nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, khắc phục tình trạng độc đoán, chuyên quyền, quyền lực tập trung vào một số ít người, hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp pháp hóa chủ trương, quyết định biểu hiện “lợi ích nhóm” của một số ít người.
Cảm ơn ông!