Truyền thông phương Tây nhận định, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất bổ nhiệm một nhà kinh tế làm Bộ trưởng Quốc phòng có thể mang lại cơ sở mới để Nga tiến hành một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.
Ngoài việc bổ nhiệm Andrei Belousov, Tổng thống Putin còn đề xuất ông Denis Manturov, Bộ trưởng Công thương, làm Phó Thủ tướng thứ nhất – một dấu hiệu cho thấy mở rộng sản xuất công nghiệp sẽ là ưu tiên của chính phủ.
Lựa chọn của ông Putin cũng cho thấy Nga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý chi tiêu quốc phòng hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế nói chung để duy trì một cuộc chiến tiêu hao với Ukraine.
Điều được thể hiện rõ ràng khi ông Belousov nhấn mạnh việc cải thiện phúc lợi của các quân nhân đang chiến đấu trong cuộc xung đột Ukraine.
Trong phiên điều trần trước Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 13/5, ông Belousov nhấn mạnh, các quân nhân chiến đấu trong chiến dịch quân sự ở Ukraine cần được hưởng mức lương tương xứng.
“Hiện nay, mức lương này đã được nâng lên ít nhất là 200.000 rúp (2.200 USD). Về nguyên tắc, mọi người phải được trả nhiều hơn. Tuy nhiên, đây không chỉ là việc chi trả bằng tiền mặt và trợ cấp. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm”, ông Belousov nói.
Ông Belousov cho biết, điều này còn bao gồm các khoản trợ cấp dành cho việc mua bất động sản nhà ở, các khoản thanh toán cho nhân viên dân sự làm việc trong quân đội và cung cấp các dịch vụ y tế.
Ông cũng bày tỏ sự bức xúc khi các cựu chiến binh tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine về nhà trong kỳ nghỉ phép “bị các cơ sở y tế dân sự từ chối tiếp nhận và gửi đến các bệnh viện thường xuyên quá tải”.
Một vấn đề khác là tình trạng quan liêu khi các quân nhân tìm cách tiếp cận các phúc lợi mà họ được hưởng. Ông nói thêm rằng, cách giải quyết lý tưởng nhất cho vấn đề này là sự hỗ trợ của hệ thống điện tử.
Quản lý tốt kinh tế thời chiến
Việc bổ nhiệm ông Belousov cho thấy trọng tâm của Tổng thống Putin là tích hợp nền kinh tế của quân đội vào nền kinh tế quốc gia, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine có thể định hình tương lai của Nga trong nhiều năm tới.
Alexandra Prokopenko, cựu quan chức ngân hàng trung ương Nga hiện đang làm việc tại Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu ở Berlin, cho biết: “Ưu tiên của ông Putin là cuộc xung đột hiện nay, và thắng lợi trong cuộc chiến tiêu hao sẽ phụ thuộc vào kinh tế”.
Trong hơn 6 năm làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin, ông Belousov nổi tiếng là người ủng hộ mạnh mẽ vai trò chi phối của nhà nước trong nền kinh tế và chi tiêu công.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ông Putin đã thực hiện một số đề xuất mà ông Belousov nêu ra từ nhiều năm trước, chẳng hạn như tăng thuế đối với các doanh nghiệp lớn và sử dụng nhiều hơn nguồn tiết kiệm dầu mỏ của đất nước.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cho rằng, ông Belousov là lựa chọn tốt nhất để tìm cách mua “vũ khí mới, hiện đại, công nghệ mới và cải tiến mới” cho quân đội nhưng vẫn phù hợp với khả năng của nền kinh tế quốc gia.
“Mọi thứ mà Bộ Quốc phòng đặt hàng… phải phù hợp với khả năng của nền kinh tế… Bộ trưởng Quốc phòng phải thường xuyên liên lạc với các bộ khác để tổ chức quá trình này một cách hiệu quả”, bà Matvienko nói, đồng thời khẳng định ông Belousov có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Bà cho biết thêm, ông Belousov sẽ không tham gia chỉ huy trên chiến trường mà việc này sẽ tiếp tục do Bộ Tổng tham mưu quân đội chỉ đạo.
Nghị sỹ Nga Sergei Mironov hoan nghênh việc bổ nhiệm ông Belousov, đồng thời nhấn mạnh rằng “các quân nhân không phải là những người duy nhất đang chiến đấu, mà nền kinh tế cũng vậy”.
Cơ sở cho cuộc chiến tiêu hao
“Các quyết định nhân sự cho thấy, ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao. Bên chiến thắng sẽ là bên có nhiều tài nguyên hơn hoặc sử dụng chúng hiệu quả hơn. Ông Putin cần một người quản lý đáng tin cậy trong cơ quan đang nhận được dòng tiền lớn nhất của Nga”, ông Konstantin Remchukov, biên tập viên báo Moscow, nhận định.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng, tác động của ông Belousov sẽ phụ thuộc vào cách ông quản lý mối quan hệ với các quan chức an ninh cấp cao như Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.
Mặt khác, việc bổ nhiệm một nhà kinh tế làm người đứng đầu Bộ Quốc phòng cũng phù hợp với việc củng cố chiến lược chậm rãi hơn của Nga trên chiến trường.
Chiến lược đột kích với thiết giáp và lính dù của Nga trong những ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine không mấy hiệu quả và đã được thay thế bằng các cuộc tấn công có hệ thống vào các tuyến phòng thủ Ukraine ở nhiều khu vực khác nhau của tiền tuyến.
Chiến lược mới cho phép Nga khai thác lợi thế về nhân lực và hỏa lực để từng bước tiến công trước lực lượng phòng thủ đã quá căng thẳng và kiệt sức của Ukraine. Điều này thể hiện rõ qua cách Nga thực hiện các cuộc tấn công gần đây ở phía Bắc Ukraine.
Nga đã cố gắng chiếm thành phố Kharkov ở phía Bắc trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự ở Ukraine bằng cách gửi các đoàn xe bọc thép tràn qua biên giới dọc theo các đường cao tốc. Cuộc tấn công không đem lại kết quả như kỳ vọng và Nga đã rút khỏi khu vực này vào tháng 9/2022.
Lần này Nga đã sử dụng các đơn vị bộ binh nhỏ được pháo binh hỗ trợ để từ từ tiến về phía trước, giành từng ngôi làng một.
Các nhà phân tích quân sự cho rằng chiến thuật này đã thành công trong việc buộc Ukraine phải điều lực lượng từ những khu vực khác trên mặt trận để tiếp viện cho Kharkov.
Nhà phân tích quân sự người Mỹ, Michael Kofman, cho rằng: “Giới lãnh đạo Nga đánh giá rằng đây là một cuộc chiến lâu dài đòi hỏi phải quản lý sự tiêu hao, tái thiết và huy động ngành công nghiệp quốc phòng”.