Vai trò của hệ thống phòng thủ chủ động dạng mô-đun trong các phương tiện chiến đấu

Lê Ngọc |

Ứng dụng các thành tựu kỹ thuật và công nghệ mới nhất, các máy bay không người lái, tên lửa tầm xa đang trở nên cực kỳ nguy hiểm, vì vậy việc tạo ra những chiếc “khiên” tiên tiến giúp xe tăng, thiết giáp sống sót trên chiến trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

MAPS sẽ là chiếc “khiên” đáng tin cậy bảo vệ các phương tiện bọc thép trên chiến trường: Nguồn: lockheedmartin.com

MAPS sẽ là chiếc “khiên” đáng tin cậy bảo vệ các phương tiện bọc thép trên chiến trường: Nguồn: lockheedmartin.com

Hệ thống phòng thủ chủ động

Trong quân sự, hệ thống phòng thủ chủ động (Active Protection System - APS) được hiểu là một hệ thống có chức năng ngăn chặn hoặc tiêu diệt tên lửa/đạn có điều khiển, sử dụng phổ biến để bảo vệ các phương tiện chiến đấu bọc thép.

Nhằm mục đích này, người ta sử dụng hai loại biện pháp - biện pháp tiêu diệt mềm, bằng cách áp dụng các biện pháp đối phó điện tử làm thay đổi (giảm, hoặc khuếch đại) tín hiệu điện từ, âm thanh hoặc tín khác của mục tiêu cần bảo vệ; và biện pháp tiêu diệt cứng - áp dụng các biện pháp phản công mối đe dọa đang đến để phá hủy/cản trở hay hạn chế tác động của mối đe dọa đối với mục tiêu.

Có thể dẫn ra nhiều ví dụ về các phương tiện phòng thủ chủ động như pháo sáng, mồi bẫy, các hệ thống tự động dựa trên radar, hồng ngoại… để đối phó với các tên lửa đất đối không hoặc tên lửa không đối không…

Nhằm chống lại tên lửa dẫn đường bằng radar, một đám mây nhỏ, mỏng gồm các mảnh nhôm, sợi thủy tinh kim loại hóa hoặc nhựa…, được sử dụng. Người ta thường dùng những sợi thủy tinh phủ niken đồng hoặc sợi nylon tráng bạc có chiều dài bằng một nửa bước sóng radar dự đoán.

Vai trò của hệ thống phòng thủ chủ động dạng mô-đun trong các phương tiện chiến đấu - Ảnh 2.

Các cấu phần của bộ MAPS cơ sở; Nguồn: lockheedmartin.com

Người ta cũng có thể sử dụng vỏ giáp phản ứng - kẹp vật liệu nổ giữa hai tấm giáp dùng trên xe bọc thép hiện đại. Khi tên lửa chạm vỏ giáp, chất nổ sẽ phát nổ, làm gián đoạn bất kỳ tia plasma nào do thiết bị xuyên phá tạo ra, vô hiệu nó.

Hệ thống phòng thủ chủ động Trophy của Israel, hệ thống Quick Kill, Iron Curtain của Mỹ sử dụng mảng quét điện tử chủ động, cảm biến để đánh bại các mối đe dọa để giảm thiểu thiệt hại.

Hệ thống phòng thủ chủ động Arena, Afghanit do Nga sản xuất sử dụng radar bước sóng milimet để phát hiện, theo dõi và đánh chặn các loại đạn chống tăng đang bay tới, cả đạn xuyên động năng ​​và tích lũy.

Hiện tại, tốc độ tối đa của mục tiêu có thể đánh chặn là 1.700 m/s (Mach 5,0), với tốc độ trong tương lai dự kiến ​​lên tới 3.000 m/s (Mach 8,8), bảo vệ xe tăng từ mọi phía.

Giống như máy bay, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (InterContinental Ballistic Missile - ICBM) về mặt lý thuyết có thể né tránh các hệ thống phòng thủ chủ động bằng cách triển khai bẫy và mồi nhử trong giai đoạn giữa của chuyến bay.

Cơ chế mới được đề xuất tạo ra một "đám mây các mối đe dọa" bằng cách triển khai các bóng bay màng (polyethylene terephthalate - PET) lớn được nhôm hóa để che giấu đầu đạn giữa một số lượng lớn các vật thể cấu hình tương tự hiển thị trên màn hình radar.

Hệ thống phòng thủ chủ động dạng mô-đun

30 năm trước, trong Chiến tranh Vùng Vịnh, hàng nghìn xe bọc thép của Mỹ và đồng minh đã tràn vào Kuwait và miền Nam Iraq. Trong 100 giờ giao tranh ác liệt, M-1 Abrams và các xe tăng khác đã dễ dàng chiến thắng những chiếc xe tăng cũ thời Liên Xô của Iraq.

Nhưng cán cân quyền lực trên chiến trường đã thay đổi hoàn toàn trong ba thập kỷ sau đó. Các cuộc xung đột gần đây, đặc biệt là chiến thắng thuyết phục của Azerbaijan trước Armenia trong cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 7 tuần năm ngoái, đã cho thấy một lỗ hổng mới.

Với xe tăng và xe bọc thép cổ điển, tên lửa chống tăng đời mới, pháo tầm xa chính xác hơn và công nghệ máy bay không người lái phổ biến rộng rãi đang là một thách thức cực lớn. Theo thống kê, hiện Mỹ có hơn 6.000 xe tăng, Trung Quốc có khoảng 3.500 chiếc, và Nga - gần 13.000 chiếc.

Trên chiến trường, người ta thường dùng hai cách để bảo vệ xe tăng - bổ sung thêm các lớp áo giáp (làm tăng thêm trọng lượng của xe và có thể cản trở khả năng cơ động), hoặc sử dụng APS.

Lục quân Mỹ đang xem xét tích hợp hệ thống phòng thủ chủ động của Israel, Elbit’s Iron Fist, vào M2 Bradley, mặc dù có chậm trễ. Mỹ cũng đang thử nghiệm hai hệ thống thu gọn, một của Rafael và một của Rheinmetall (Đức), trên xe Stryker 8×8 - loại xe nhẹ nhất trong số các phương tiện được đề cập, là loại xe khó bảo vệ nhất.

Quân đội Mỹ đang cầu cứu "gã khổng lồ" quốc phòng Lockheed Martin để giúp bảo vệ các phương tiện thiết giáp an toàn hơn trước các mối đe dọa mới.

Lục quân đã cùng với Lockheed Martin phát triển hệ thống phòng thủ chủ động dạng mô-đun (Modular Active Protection System - MAPS) từ năm 2014, đã qua các đánh giá an toàn vào năm 2018, là thế hệ tiếp theo cho các phương tiện chiến đấu mặt đất và kíp lái.

MAPS là một thiết bị điều khiển các radar và cảm biến để phát hiện sớm các mối đe dọa và áp dụng các biện pháp đối phó.

Bộ MAPS cơ sở bao gồm hệ thống phân phối quản lý điện năng và bộ chuyển mạch mạng, một bộ điều khiển kiến ​​trúc mở cho phép tùy chỉnh hệ thống theo các điều kiện, phần mềm và giao diện người dùng cụ thể

Năm 2019, Lockheed đã chính thức chuyển giao phiên bản đầu tiên của phần mềm MAPS để thử nghiệm trên Bradley.

Trong một loạt các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật do Quân đội Mỹ tiến hành, các hệ thống hỗ trợ MAPS đã đánh bại cả 15 trong số 15 tên lửa chống tăng dẫn đường, bằng cách gây nhiễu tín hiệu, khiến chúng bay chệch mục tiêu.

Vai trò của hệ thống phòng thủ chủ động dạng mô-đun trong các phương tiện chiến đấu - Ảnh 4.

Nguyên lý hoạt động của MAPS; Nguồn: lockheedmartin.com

Từ nay đến năm 2023, Lục quân sẽ thử nghiệm khả năng phòng thủ mới chống lại tên lửa chống tăng trên nhiều loại phương tiện bọc thép, từ xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams đến xe bọc thép đa mục đích AMPV, xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe bọc thép hạng nhẹ Stryker. Một hệ thống chống mìn chống tăng có thể được bổ sung vào MAPS.

Kiến trúc mở cho phép sử dụng bất kỳ bộ cảm biến và loại đạn nào. Các nhà phát triển nhấn mạnh tính linh hoạt của MAPS - khi các mối đe dọa mới xuất hiện, các cấu phần chính có thể được giữ lại, chỉ thay thế các cảm biến và đạn phản lực.

Nó cũng cho phép MAPS được sử dụng trên bất kỳ loại xe thiết giáp hạng nặng (Abrams 70 tấn) hay hạng nhẹ (Stryker 20 tấn) nào - bằng cách chọn các cấu phần thích hợp.

Bộ cơ sở MAPS mở và có thể mở rộng được thiết kế để phát triển với các phương tiện chiến đấu hiện tại và hỗ trợ các khả năng của hệ thống bảo vệ phương tiện trong tương lai.

Quân đội cũng muốn có thể dễ dàng nâng cấp hệ thống trong tương lai, bổ sung các thành phần cải tiến khi chúng được phát triển mà không cần phải thiết kế và kiểm tra lại toàn bộ hệ thống.

Quân đội cũng muốn mua các bản nâng cấp tốt nhất từ bất kỳ nhà cung cấp nào thay vì lệ thuộc vào nhà cung cấp đã xây dựng hệ thống ban đầu.

Đó là lý do mô-đun hóa "Hệ thống bảo vệ tích cực dạng mô-đun" - triết lý thiết kế kiến ​​trúc mở, nhằm mục đích phù hợp với bất kỳ thành phần nào từ bất kỳ công ty nào, miễn là chúng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại