Tổ chức phi chính phủ này đã tổng hợp thỏa thuận giữa các hãng dược và nhà cung cấp của 5 ứng viên vắc-xin hàng đầu hiện đang được thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn, dựa trên số liệu của hãng phân tích Airfinity.
“Tiếp cận vắc-xin cứu mạng người không nên phụ thuộc vào nơi bạn sống hay số tiền bạn có”, ông Robert Silverman, làm việc tại Oxfam Mỹ, nói.
“Phát triển và cấp phép một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả là việc rất cần thiết, nhưng điều quan trọng không kém là bảo đảm vắc-xin sẵn có và ai cũng mua được. COVID-19 có ở khắp nơi”, ông Silverman nói.
5 loại vắc-xin được Oxfam khảo sát là sản phẩm của AstraZeneca, Gamaleya/Sputnik, Moderna, Pfizer và Sinovac.
Oxfam tính toán tổng năng lực sản xuất của 5 hãng này là 5,9 tỷ liều, đủ dùng cho 3 tỷ người nếu 5 loại vắc-xin đó đều cần tiêm 2 mũi. Các hợp đồng đến nay đã cam kết cung cấp 5,3 tỷ liều, trong đó 2,7 tỷ liều (tương đương 51%) đã được các quốc gia/vùng lãnh thổ giàu có mua trước, trong đó có Mỹ, Anh, EU, Úc, Hong Kong và Macau, Nhật, Thụy Sĩ và Israel.
2,6 tỷ liều còn lại đã đươc mua hoặc hứa hẹn cung cấp cho các nước đang phát triển gồm Ấn Độ, Bangladesh, Trung Quốc, Brazil, Indonesia, Mexico và một số nước khác.
Oxfam nói rằng một trong 5 ứng viên vắc-xin, do Moderna điều chế, đã được tài trợ 2,5 tỷ USD từ chính phủ, nhưng vẫn có ý định bán sản phẩm với giá có lời và đã bán hết cho các nước giàu có.
Oxfam và các tổ chức khác kêu gọi cung cấp vắc-xin miễn phí cho người dân, phân phối công bằng dựa trên nhu cầu.
“Điều này chỉ có thể thực hiện nếu các hãng dược cho phép vắc-xin được sản xuất càng rộng rãi càng tốt và họ sẽ chia sẻ miễn phí bằng sáng chế của mình, thay vì độc quyền và bán cho những nhà thầu trả giá cao hơn”, Oxfam nói.
Tổ chức này ước tính chi phí để cung cấp vắc-xin miễn phí cho tất cả người dân trên thế giới là chưa đến 1% thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu.