Vạch trần thủ đoạn giả bác sĩ để lừa đảo

M.Tiến - M.Trí |

Lợi dụng uy tín của bệnh viện và bác sĩ, một số đối tượng đã ngụy trang giả làm bác sĩ để chiếm đoạt tiền của bệnh nhân - một thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Đối tượng đã nghĩ ra một màn kịch rất tinh vi để đưa người nhà bệnh nhân vào tròng, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Vị tiến sĩ rởm và màn kịch tinh vi

Tài liệu điều tra ban đầu từ cơ quan Công an, sáng 18/6/2020, Công an phường Phương Mai (quận Đống Đa) nhận được đơn trình báo từ chị P.T.H.S. (sinh năm 1975, trú tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Theo phản ánh, chị bị một phụ nữ không quen biết giả làm bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, tối 17/6 chị đang trông người nhà điều trị tại bệnh viện thì nhận được điện thoại của một phụ nữ tự xưng là "Tiến sĩ Hương", hiện đang công tác tại khoa hồi sức tích cực nói là muốn trao đổi về tình hình bệnh tật của anh V.H.C. - người thân của chị S.

Nhận được điện thoại, chị S. lập tức theo chỉ dẫn đi gặp bác sĩ để biết liệu pháp điều trị cho người nhà.

"Tiến sĩ Hương" thông báo tình trạng sức khỏe anh C. không tốt cần, sử dụng phác đồ điều trị mới và tiêm thuốc ngoài với giá 18 triệu đồng/mũi tiêm. Tổng các chi phí cho quá trình điều trị là 90 triệu đồng. "Thấy cô ta mặc áo blouse, khuôn mặt khá phúc hậu nên tôi thấy tin tưởng" - chị S. kể lại.

Vốn là người ngoại tỉnh, lạ nước lạ cái, phần cũng rất lo lắng cho sức khỏe người thân nên chị S. đã đồng ý với phương pháp chữa bệnh trên và thống nhất với "Tiến sĩ Hương" sẽ chuyển khoản 100 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng T. mà cô ta đưa cho.

Vạch trần thủ đoạn giả bác sĩ để lừa đảo - Ảnh 1.

Đối tượng Trần Thị Thanh Hồng.

Khoảng 10 phút sau chị S. đã sử dụng dịch vụ Internet Banking để chuyển số tiền cho đối tượng. Thế nhưng, sáng hôm sau chị lên khoa đang điều trị cho chồng, tìm gặp "Tiến sĩ Hương" thì chẳng thấy vị bác sĩ này đâu cả. Lúc này chị S mới ngỡ ngàng nhận ra mình đã bị mắc một cú lừa lớn.

Sau khi tiếp nhận trình báo, Công an phường Phương Mai phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Đống Đa khẩn trương tổ chức điều tra, xác minh và truy bắt đối tượng.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau đó một ngày, Công an quận Đống Đa đã bắt giữ đối tượng Trần Thị Thanh Hồng (sinh năm 1980, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Tại cơ quan Công an Hồng khai do thiếu tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định giả danh làm bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người nhà bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Trước đó Hồng đã có quá trình làm thực tập sinh tại bệnh viện nên cô ta rất thông thạo các đường đi lối lại cũng như kiếm được một bộ quần áo blouse để giả làm bác sĩ / nhân viên bệnh viện.

Tối 17/6, Hồng mặc một bộ quần áo blouse đi vào phòng hành chính Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai tại tầng 5 tòa nhà 21 tầng. Tại đây, lợi dụng lúc vắng người, Hồng đã chụp trộm bệnh án của bệnh nhân V.H.C., trong đó có số điện thoại của người nhà là chị S.

Tiếp đó, Hồng dựng màn kịch để khiến chị S. chuyển tiền vào tài khoản cho mình. Khi thấy tiền về tài khoản, Hồng đã ra cây ATM ở phường Linh Đàm rút 50 triệu đồng tiền mặt. Hôm sau Hồng chuyển khoản và rút tiền mặt gần hết số tiền trên.

Theo cơ quan công an ngoài vụ việc này, với thủ đoạn tương tự, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 60 triệu đồng của anh Nguyễn T.A (sinh năm 1994, trú tại huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 30/6/2020, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xác minh và làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.

Đồng thời, yêu cầu Giám đốc bệnh viện phối hợp với cơ quan công an địa phương để điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản người nhà bệnh nhân nêu trên.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, có các biện pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác của bệnh nhân và người nhà trong thời gian khám, điều trị tại bệnh viện.

Chọn bệnh viện để lấy uy tín nhằm lừa đảo

Cuối tháng 6/020, các trinh sát hình sự Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện bắt giữ một đối tượng chuyên giả làm bác sĩ, nhân viên văn phòng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Gã là Phùng Văn Thảo (sinh năm 1988, trú tại xã Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc). Bốn năm trước, Thảo từng giả làm bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để lừa đảo, bị phạt tù. Song vừa mới được tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục tái phạm.

Vạch trần thủ đoạn giả bác sĩ để lừa đảo - Ảnh 2.

Vừa ra tù, Phùng Văn Thảo tiếp tục tái phạm.


Trước đó do thiếu tiền tiêu xài lại nghiện chơi game, Phùng Văn Thảo lên mạng xã hội và thấy tài khoản của anh Nguyễn Văn M.đăng bán chiếc điện thoại iPhone đời mới, Thảo liền nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt.

Thảo gọi đến máy của anh M.trao đổi về giá cả. Sau khi chốt giá hơn 29 triệu đồng, Thảo hẹn anh M.đến tòa nhà Trung Yên 1, phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy để giao dịch, trao tiền nhận điện thoại.

Đến điểm hẹn, đối tượng đã đưa anh M. lên tầng 2 tòa nhà và giới thiệu rằng mình đang là nhân viên văn phòng tại đây. Thảo nói cần phải kiểm tra máy, kiểm tra sạc pin và được anh M. đồng ý.

Lúc này, đối tượng lấy cớ vào văn phòng kiểm tra, rồi đi vòng xuống tầng 1 để bỏ trốn ra bến xe Mỹ Đình. Anh M. đợi mãi không thấy người mua mang tiền, điện thoại ra trả mới biết bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Cầu Giấy đã tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc. Căn cứ vào tài liệu điều tra, ngày 16/, Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Phùng Văn Thảo.

Trước đó, năm 2016 Phùng Văn Thảo xưng là bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương lừa mua điện thoại của anh Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1991, trú tại ngõ Thái Thịnh, phường Thịnh Quang, Đống Đa). Gã "điều" anh Hùng đem điện thoại đến Khoa chụp chiếu hình ảnh của bệnh viện để thực hiện giao dịch mua bán.

Khi đến hành lang của Khoa X-quang, anh Hùng đưa Thảo xem điện thoại. Đối tượng giả vờ ngắm nghía và hỏi mật khẩu.

Nghe nạn nhân đọc, Thảo thao tác mở được màn hình điện thoại, kiểm tra sạc pin rồi lấy lý do đi tìm ổ cắm điện để thử sạc và đi về phía hành lang bên trong, lợi dụng có lối thoát để giở bài "chuồn". Thảo bị cơ quan công an bắt ngay sau đó.

Người dân cần cảnh giác

Cũng với chiêu giả làm bác sĩ trong bệnh viện ra tay giúp người bệnh, đối tượng Nguyễn Văn Điềm (sinh năm 1986, trú tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã lừa trót lọt một người nhà bệnh nhân ngoại tỉnh đưa người thân về điều trị.

Hơn một năm trước anh Phạm Văn N. (thường trú ở huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đưa con trai bị tai nạn gãy chân lên Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Trong khi chờ làm thủ tục nhập viện thì có một người đàn ông mặc blouse trắng, đeo khẩu trang, đầu đội mũ chụp y tế tới, tự xưng là bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức.

Sau một hồi hỏi han anh N., người đàn ông này nói: Nếu muốn làm thủ tục nhập viện và mổ nhanh cho con thì đưa cho anh ta 16 triệu đồng, anh ta sẽ lo liệu giúp.

Tin tưởng người đàn ông này là bác sĩ trong bệnh viện, anh N. đã huy động tiền từ người nhà đi cùng để đưa đủ số tiền. Ngoài số tiền theo yêu cầu, người đàn ông còn cầm cả thẻ bảo hiểm y tế của con anh N., nói là "đi làm thủ tục"...

Đợi mãi, không thấy người đàn ông tự xưng là bác sĩ quay lại, lúc này anh N. mới biết mình đã bị lừa.

Ngay sau khi nhận được thông tin và trích xuất camera an ninh trong bệnh viện, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã xác định, đối tượng giả danh bác sĩ để lừa tiền của anh N. chính là Điềm.

Đây là đối tượng nghiện ma túy, đã có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản và 2 tiền sự bị đưa đi cai nghiện bắt buộc. Sau khi trở về địa phương, Điềm vẫn chứng nào tật nấy, tiếp tục nghiện hút.

Để có tiền hút hít, hằng ngày, Điềm đi lang thang khắp nơi tìm sơ hở để trộm cắp và lừa đảo. Hôm đó, khi từ nhà đi qua khu vực Bệnh viện huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Điềm thấy trong sân bệnh viện, có một bộ blouse trắng đang phơi.

Gã nảy sinh ý định sẽ đóng giả bác sĩ để lừa đảo nên đã vào bệnh viện huyện lấy trộm bộ quần áo này, rồi tiếp tục tới một hiệu thuốc tây mua 1 khẩu trang y tế và 2 mũ chụp y tế màu xanh.

Sau khi đã có đủ "đồ nghề", Điềm đi xe buýt tới Bệnh viện Việt Đức, rồi thay quần áo giả danh là bác sĩ, đi vào bệnh viện. Sau một hồi quan sát, tìm "con mồi", Điềm đã tiếp cận anh N. và thực hiện vụ lừa đảo nêu trên.

Theo một bác sĩ thuộc Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện E, nắm bắt tâm lý bệnh nhân muốn được phẫu thuật hoặc điều trị sớm để mau về nhà nên một số đối tượng xấu thường giả dạng bác sĩ hoặc nhân viên y tế lân la đến gặp.

Những đối tượng này thường mặc áo blouse, đeo ống nghe để bệnh nhân và người nhà nghĩ là nhân viên của bệnh viện.

Các đối tượng giả vờ hỏi thăm, hướng dẫn thủ tục điều trị hoặc phẫu thuật, sau đó gợi ý bệnh nhân muốn được mổ sớm thì sẽ giúp đỡ và đề nghị đưa trước khoản tiền "lót tay". Sau khi cầm tiền, bác sĩ giả cao chạy xa bay, mặc bệnh nhân khốn đốn.

Điều đáng nói, những đối tượng này chỉ xuất hiện ngoài giờ làm việc vì khi đó đa phần nhân viên y tế đã về nhà nên nguy cơ bị phát hiện rất thấp.

Ngoài ra một chiêu lừa bịp khác cũng khiến nhiều bệnh nhân sập bẫy. Cũng mặc áo blouse, các bác sĩ giả mon men đến gần bệnh nhân như kiểu hỏi han ân cần, hướng dẫn cách uống thuốc.

Cầm thuốc bệnh nhân đang uống, họ tỏ vẻ lo lắng vì tác dụng không cao và gợi ý giúp mua thuốc tốt hơn. Muốn mau hết bệnh, lại gặp bác sĩ tốt bụng nên người bệnh chẳng ngần ngại đưa tiền nhờ mua thuốc khác. Khi đã lấy được tiền, bác sĩ giả lặn tăm.


Bệnh viện da liễu trung ương ảnh báo giả danh bác sỹ lừa đảo

Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phải ra khuyến cáo tới người dân cần nâng cao cảnh giác không để các đối tượng mạo danh nhân viên Bệnh viện lừa đảo.

Theo đó thời gian gần đây có một số tổ chức, cá nhân đã mạo danh, tự ý sử dụng hình ảnh của các Phó Giáo sư, Bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương trên các trang mạng xã hội, facebook, website để quảng cáo mà không xin phép.

Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Quốc tế LACO đã sử dụng hình ảnh của PGS.TS Phạm Thị Lan về việc giới thiệu bộ sản phẩm chăm sóc da. Hiện tại trang web này đã gỡ hình ảnh của bác sĩ.

Một phòng khám y học cổ truyền đã lấy hình ảnh của PGS.TS Lê Hữu Doanh - Bệnh viện Da liễu Trung ương làm hình ảnh minh họa cho hoạt động của phòng khám này với những lời quảng cáo giật gân "Vảy nến - Á sừng - Tổ đỉa, Một đi không trở lại". Hiện phòng khám này đã gỡ hình ảnh bác sĩ của Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Đây là những những hành vi sử dụng hình ảnh của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khiến nhiều người tin tưởng về chất lượng của các sản phẩm.

Việc làm này khiến người dân có thể có nhận định không đầy đủ về các sản phẩm, cơ sở này dẫn đến việc lựa chọn phương pháp điều trị sai lầm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Bên cạnh đó cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Để đảm bảo sự an toàn của người bệnh và uy tín của bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện khuyến cáo tới người dân cần nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh nhân viên bệnh viện lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền… có thể gây ra những rủi ro đáng tiếc và thiệt hại về sức khỏe lẫn kinh tế cho người sử dụng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại