Vạch trần đường dây quay lén khách sạn, thu lợi khổng lồ: Hàng vạn video, livestream nhạy cảm bị rao bán trong các nhóm kín

Thục Trinh |

Đường dây quay lén khách sạn ở Trung Quốc với hàng vạn video nhạy cảm được rao bán trên các nhóm kín đã dấy lên mối lo ngại về an ninh và quyền riêng tư của khách hàng sử dụng dịch vụ lưu trú.

Vạch trần đường dây quay lén khách sạn, thu lợi khổng lồ: Hàng vạn video, livestream nhạy cảm bị rao bán trong các nhóm kín- Ảnh 1.

Mới đây, báo chí Trung Quốc đã bóc trần một đường dây quay lén khách sạn có tổ chức cực kỳ tinh vi và nguy hiểm, bao gồm các quản trị viên và các đối tượng thực hiện nhiều công đoạn khác nhau trong đường dây này.

Bán camera, nhận hoa hồng hậu hĩnh

Theo lời khai của một quản trị viên trong đường dây, đầu mối phụ trách lắp đặt camera phải đặt cọc tiền để nhận được thiết bị quay lén do quản trị nhóm gửi qua đường bưu điện. Quá trình lắp đặt tại khách sạn sẽ có người hướng dẫn trực tiếp qua video và hỗ trợ hiệu chỉnh. Sau khi hoàn tất, quản trị viên sẽ hoàn trả tiền đặt cọc, thanh toán chi phí phòng khách sạn và trả một khoản hoa hồng cho người lắp đặt.

Phóng viên ghi nhận, tiền đặt cọc cho một camera thường dao động từ 500 đến 1.200 tệ, sau khi lắp đặt xong, người lắp đặt sẽ nhận được hoa hồng từ 8.000 đến hơn 10.000 tệ.

Các camera quay lén ưu tiên được lắp đặt tại những khách sạn có tỷ lệ lấp đầy cao hoặc gần các khu vực trường đại học. Quản trị viên cho biết: "Điều này giúp quay được nhiều video riêng tư hơn."

Vạch trần đường dây quay lén khách sạn, thu lợi khổng lồ: Hàng vạn video, livestream nhạy cảm bị rao bán trong các nhóm kín- Ảnh 2.

Nhiều bức ảnh camera mà quản trị viên cung cấp cho thấy camera chỉ nhỏ bằng hạt đậu xanh, loại camera cắm điện, được kết nối với bảng mạch bằng dây cáp. Dây nguồn của camera được nối với nguồn điện trong phòng khách sạn, chỉ cần cắm thẻ phòng là camera sẽ tự động bật và ghi hình mà không phát sáng.

Một số loại camera quay lén còn có thể kết nối với pin lithium hoặc sạc dự phòng, thao tác đơn giản hơn. Quản trị nhóm tiết lộ: "Chỉ cần đặt ở gần các vị trí khuất như cửa gió, ống điều hòa, đèn trần… một cục pin có thể quay được một đến hai tháng."

Loại camera sạc này cũng thường được giấu bên trong các vật dụng hàng ngày như hộp khăn giấy, đèn đuổi muỗi, trở thành thiết bị quay lén ẩn giấu trong các đồ đạc trong phòng.

Vạch trần đường dây quay lén khách sạn, thu lợi khổng lồ: Hàng vạn video, livestream nhạy cảm bị rao bán trong các nhóm kín- Ảnh 3.

Ngày 24/9, Công an quận Tân Hoa (thành phố Thạch Gia Trang) đã thông báo về vụ việc "camera quay lén trong homestay", cho biết 3 nghi phạm không quen biết với chủ homestay đã lợi dụng việc thuê phòng để lắp đặt thiết bị giám sát mua trên mạng. Cả 3 đối tượng đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hình sự theo quy định của pháp luật.

Việc lắp đặt camera quay lén chỉ là bước đầu tiên.

Nhiều quản trị nhóm cho biết, họ sẽ phân loại và dán nhãn các camera đã được hiệu chỉnh, sau đó bán để kiếm lời.

Livestream khách sạn được rao bán

Không lâu sau khi có người dùng X đăng bài rao bán livestream, đã có nhiều người bình luận bày tỏ ý định muốn xem.

Sau khi phóng viên tờ Tân Kinh Báo nhắn tin riêng và kết bạn Zalo với người dùng X người này đã gửi cho phóng viên những hình ảnh riêng tư của khách trọ được chụp từ 16 camera giấu kín, mỗi nhóm 5 hoặc 6 ảnh để phóng viên lựa chọn. "5 kênh giá 580 tệ, 6 kênh giá 680 tệ."

Từ những hình ảnh này có thể thấy, các camera quay lén được lắp đặt ở vị trí trên cao trong các phòng khách sạn thuộc nhiều loại hình khác nhau, có thể quan sát toàn bộ giường ngủ nhưng góc quay lại khác nhau. X cho biết: "Bạn thích xem góc nào thì chọn camera đó để mua."

Sau khi thanh toán, người dùng yêu cầu phóng viên tải xuống một ứng dụng điện thoại có tên "TP-LINK IoT" và gửi tài khoản đăng nhập cùng mật khẩu đã đăng ký bằng số điện thoại ảo. Đăng nhập vào ứng dụng này, phóng viên thấy trong mục "Thiết bị" đã có hình ảnh livestream của 5 phòng. 5 thiết bị được đặt tên lần lượt là A3, A4, A5, A6 và A7.

Phóng viên thử mở ngẫu nhiên một phòng, không chỉ xem được hình ảnh trực tiếp trong phòng mà còn có thể xem lại toàn bộ video do camera quay lén trong 7 ngày qua. Các video này được cắt ngẫu nhiên thành các đoạn từ hơn 10 giây đến vài phút và được lưu trữ trên đám mây. Bộ nhớ đám mây của một phòng hiển thị: Hôm nay có thêm 271 đoạn video.

X giải thích với phóng viên, các camera này được kết nối với đường dây trong phòng. Chỉ cần cắm thẻ phòng vào ổ điện, thiết bị sẽ tự động chuyển từ "trạng thái ngoại tuyến" sang chế độ quay và livestream trực tiếp, đồng thời tải lên đám mây để lưu trữ. "Việc này đảm bảo khi có người trong phòng, camera sẽ tự động livestream và ghi hình, giúp tiết kiệm dung lượng lưu trữ." Người mua có thể xem livestream và video đã ghi trong vòng 30 ngày sau khi đăng nhập.

Ngày 31/10, trên diễn đàn "Camera Bar", một người dùng khác (Y) cũng đăng bài về "camera giấu kín trong khách sạn", kèm theo ảnh chụp màn hình camera giám sát trong phòng khách sạn đã được che mờ. Sau khi để lại bình luận, người này đã kết bạn QQ với phóng viên Tân Kinh Báo.

Người dùng Y này đã gửi cho phóng viên nhiều video quay màn hình điện thoại trực tiếp, cho thấy người này đang nắm giữ ít nhất hơn 10 kênh livestream, với nhiều màn hình giám sát đều hiển thị ngày "2024/10/31". "Một nhóm 5 kênh, giá 880 tệ một tháng".

Ngoài việc đăng bài trên diễn đàn, các đối tượng còn quảng bá qua các nền tảng mạng xã hội. "Chúng tôi chỉ đăng một cách kín đáo, sau đó hướng dẫn khách hàng tiềm năng mua."

Có cả "đại lý" phát triển mạng lưới, chia sẻ lợi nhuận

Trong một nhóm kín được mã hóa trên ứng dụng chat, các kênh livestream camera được rao bán công khai với giá niêm yết.

Người bán thường đóng gói từ 4 đến 8 "kênh" livestream để bán, giá trung bình mỗi đài là hơn 100 tệ. Mua càng nhiều "kênh" một lúc thì giá càng rẻ.

Một người bán cho biết anh ta đã làm nghề này được hơn 2 năm, hiện đang sở hữu hàng trăm "kênh" livestream và một nhóm khách hàng hơn 30.000 người. Anh ta cam kết đổi kênh trong vòng 24 giờ nếu khách hàng không hài lòng. Nếu camera bị phát hiện và gỡ bỏ, hoặc xảy ra sự cố mất kết nối, khách hàng sẽ được bù kênh khác.

Việc bán "kênh" là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Trong đường dây này, do bị lợi nhuận hấp dẫn, số lượng người tham gia "đại lý cấp dưới" đang nhanh chóng tăng lên, trở thành mắt xích quan trọng giúp video quay lén lan truyền nhanh chóng.

Một người phụ trách lắp đặt camera tiết lộ với phóng viên Tân Kinh Báo rằng, anh ta là đại lý cấp 1, lấy camera từ các sòng bạc nước ngoài. "Một lần lấy một hai trăm cái." Hình ảnh quay lén sẽ được chèn quảng cáo trò chơi đánh bạc, nhằm mục đích thu hút người chơi cho các sòng bạc nước ngoài bằng cách bán kênh và video.

Đại lý cấp 2 dưới quyền anh ta mỗi khi lắp đặt một camera sẽ nhận được 18.000 tệ tiền hoa hồng. Đại lý cấp 2 sau đó tìm người khác lắp đặt, sẽ trả 12.000 tệ tiền hoa hồng. Cứ như vậy, hoa hồng giảm dần theo từng cấp, mỗi đại lý vừa tự mình lắp đặt để kiếm hoa hồng, vừa tuyển dụng đại lý để kiếm lời chênh lệch.

Một đại lý khác chuyên tuyển dụng kẻ lắp đặt cho biết, mỗi lần lắp đặt một camera, thợ lắp đặt có thể nhận được hoa hồng từ vài nghìn đến hơn 10.000 tệ. Anh ta cũng đồng thời tuyển dụng đại lý bán hàng, anh ta chào mời phóng viên rằng chỉ cần nộp phí đại lý, anh ta có thể bán quyền truy cập một số "kênh" cho phóng viên, sau đó phóng viên có thể bán lại với giá cao hơn.

Người dùng Y đã đăng bài trước đó chính là một đại lý bán hàng cấp 2, kiếm lời bằng cách lấy quyền xem livestream camera với giá rẻ từ cấp trên, sau đó bán lại với giá cao hơn. Anh ta cũng đồng thời phát triển đại lý cấp dưới, doanh thu bán "kênh" của mỗi cấp đại lý, từ cấp trên đến cấp dưới, đều được chia sẻ lợi nhuận theo từng tầng.

Ngày 1/11, anh ta nói với phóng viên rằng, tối hôm trước, doanh thu của anh ta là 8.900 tệ, sau khi trừ phần chia cho cấp trên, anh ta lãi được 30%, tức gần 3.000 tệ. Còn cấp trên của anh ta, một đêm ít nhất cũng kiếm được vài chục nghìn tệ.

Để lôi kéo phóng viên làm "cấp dưới" giúp anh ta mở rộng kênh bán hàng trong trường đại học, người này nói có thể chia cho phóng viên 15% lợi nhuận, bán quyền xem một nhóm 5 "kênh" với giá 750 tệ. "Một nhóm kênh bạn bán 1.000 tệ, rất dễ dàng."

Một vụ án từng được công bố trên trang web Văn thư Tòa án Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3/2018, nghi phạm họ Thẩm đã mua camera giấu kín với giá 150 tệ và chia sẻ cho cấp dưới. Chỉ trong 2 tháng, anh ta đã phát triển được hơn 80 cấp dưới. Thẩm thu lợi hơn 20.000 tệ, trong khi cấp dưới của anh ta thu lợi từ vài nghìn đến 30.000 tệ.

Đôi khi, chủ homestay cũng trở thành một mắt xích trong chuỗi quay lén. Vương Tinh (tên đã được thay đổi), người từng kinh doanh homestay ở ngoại ô một thành phố, cho biết vào năm 2018, khi đang kinh doanh homestay tại một khu chung cư, cô đã quen biết Trương Dẫn (tên đã được thay đổi) - một người đàn ông trung niên nói giọng Đông Bắc, để tóc húi cua, cũng kinh doanh homestay tại cùng khu chung cư.

Trong một lần trò chuyện, Trương Dẫn bất ngờ đề nghị Vương Tinh lắp camera trong phòng để quay lén video. Anh ta nói rằng đã lắp sẵn camera trong quá trình trang trí phòng. "Làm homestay đàng hoàng không kiếm được bao nhiêu tiền. Rất nhiều người làm như vậy".

Vương Tinh cho biết, Trương Dẫn sở hữu hàng chục căn hộ homestay và tự nhận mỗi phòng đều có từ 3 đến 5 camera. Những camera này được bán đi bán lại nhiều lần để livestream, kiếm tiền nhanh hơn so với tiền thuê phòng.

Thời điểm đó, giá thuê homestay 2 phòng ngủ thông thường trong khu vực vào khoảng 500 tệ, homestay 1 phòng ngủ khoảng 200 tệ. Tuy nhiên, giá homestay của Trương Dẫn chỉ bằng một nửa giá thị trường.

Trương Dẫn đề nghị hợp tác với Vương Tinh và đưa ra hai phương án: một là anh ta sẽ lắp camera trong homestay của Vương Tinh, sau đó chia sẻ lợi nhuận theo tháng hoặc theo năm cho cô mà cô không cần phải làm gì; hai là Vương Tinh tự mua thiết bị quay lén, tự lắp đặt, sau đó vận hành tài khoản trên nền tảng do anh ta giới thiệu và trả cho anh ta một khoản hoa hồng nhất định.

Vương Tinh đã từ chối hợp tác. Khoảng một năm sau, Trương Dẫn sang nhượng homestay và rời khỏi thành phố.

Vương Tinh nhớ Trương Dẫn từng nói rằng anh ta chỉ ở mỗi thành phố khoảng một năm rồi lại chuyển đi, sau đó tìm người ngoài nghề tiếp quản. "Như vậy sau này nếu bị phát hiện camera thì người khác sẽ chịu trách nhiệm, không truy ra anh ta được."

Camera quay lén "mượn" ứng dụng hợp pháp để livestream

Ngày 1/11, phóng viên Tân Kinh Báo mở lại ứng dụng "TP-LINK IoT" và phát hiện trong số 5 "kênh" livestream đã mua từ "Thượng Đế có mắt", có 2 "kênh" hiển thị "Thiết bị đã ngoại tuyến". Mặc dù không có hình ảnh trực tiếp nhưng vẫn có thể xem lại các video đã được tải lên đám mây trong 7 ngày qua.

Nhiều người bán "kênh" livestream quay lén khách sạn cho biết, họ đều sử dụng ứng dụng "TP-LINK IoT" để xem trực tiếp.

Phóng viên Tân Kinh Báo nhận thấy "TP-LINK IoT" là một ứng dụng hợp pháp, có thể tải xuống trên nhiều chợ ứng dụng điện thoại. Theo giới thiệu, ứng dụng này được phát triển bởi Công ty TNHH Kỹ thuật Phổ Liên, có chức năng chính là quản lý các sản phẩm giám sát an ninh của TP-LINK, chẳng hạn như camera mạng, đầu ghi hình... Ứng dụng hỗ trợ xem trước hình ảnh giám sát trực tiếp, ghi hình, chụp ảnh màn hình, đàm thoại bằng giọng nói, điều khiển xoay và xem lại bản ghi.

Người dùng nói trên đã giới thiệu với phóng viên Tân Kinh Báo rằng, sau khi có người mua "kênh" livestream, họ sẽ cung cấp tài khoản và mật khẩu đăng nhập ứng dụng "TP-LINK IoT", sau đó chia sẻ quyền xem của tài khoản camera chính cho người mua. "Một tài khoản chính có thể chia sẻ quyền xem cho hàng chục người".

Nhiều người bán "kênh" cũng cho biết, chia sẻ camera cho càng nhiều người thì lợi nhuận càng cao và phạm vi lan truyền càng rộng.

Một vụ án được Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông công bố vào năm 2020 cho thấy, đối tượng họ Cát đã lắp đặt camera siêu nhỏ do "Công ty Công nghệ 360" sản xuất trong nhiều phòng khách sạn ở nhiều thành phố khác nhau. Sau khi bị bắt, cảnh sát phát hiện trong tài khoản phần mềm camera của anh ta, hơn 20 camera đã được liên kết và chia sẻ cho 768 "thành viên gia đình". Theo nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, vào thời điểm đó, camera siêu nhỏ do "Công ty Công nghệ 360" sản xuất có thể chia sẻ cho tối đa 100 người dùng cùng xem thông qua mã mời.

Ngày 1/11, phóng viên Tân Kinh Báo đã gọi đến đường dây nóng "Dịch vụ khách hàng phần cứng 360". Nhân viên cho biết hiện tại, một camera sau khi được liên kết với tài khoản chính, tài khoản chính chỉ có thể chia sẻ cho tối đa 5 người cùng xem, không thể chia sẻ quyền xem cho nhiều người hơn.

Ngày 25/10, nhân viên dịch vụ khách hàng của ứng dụng "TP-LINK IoT" cho biết ứng dụng của họ chủ yếu dùng để liên kết với camera của chính hãng. Trước đây, camera của công ty hỗ trợ chia sẻ cho 100 người cùng xem. Để đảm bảo an toàn và quyền riêng tư, tính năng này đã được sửa đổi trong năm nay, chỉ cho phép chia sẻ miễn phí cho 5 người. Mua gói chia sẻ cao cấp cũng chỉ hỗ trợ tối đa 20 người cùng xem, với giá 180 tệ mỗi tháng.

Dịch vụ khách hàng của camera LeCheng cho biết camera LeCheng chỉ có thể xem hình ảnh giám sát qua ứng dụng LeCheng, hỗ trợ chia sẻ miễn phí tối đa cho 15 người. Nếu muốn chia sẻ cho hơn 15 người, mỗi người dùng được chia sẻ sẽ phải trả phí 10 tệ mỗi tháng, có thể chia sẻ cho hơn 100 người dùng.

Liên quan đến việc có người sử dụng ứng dụng "TP-LINK IoT" để chia sẻ hình ảnh quay lén, nhân viên dịch vụ khách hàng cho biết họ không thể kiểm tra xem hình ảnh giám sát có vi phạm quy định hay không. Nếu người dùng phát hiện bị quay lén, nên báo cảnh sát để xử lý. Camera do công ty sản xuất là thiết bị gia đình, ngay cả thiết bị nhỏ nhất cũng có ngoại hình khá dễ nhận biết, không có hình dạng camera giấu kín, khó thực hiện quay lén.

Chuyên gia an ninh Từ An (tên đã được thay đổi) nói với phóng viên Tân Kinh Báo rằng, một camera giám sát có hai bộ phận cần thiết là camera và bảng mạch. Bảng mạch là chìa khóa kết nối phần cứng và phần mềm, nó là một mô-đun bao gồm chip, mô-đun liên lạc, v.v. Bảng mạch của các nhãn hiệu camera khác nhau sẽ khác nhau, sự khác biệt về chip và giao thức được sử dụng đảm bảo rằng camera chỉ có thể kết nối với ứng dụng của cùng nhãn hiệu.

"Tuy nhiên, không loại trừ khả năng bị sửa đổi." Từ An cho biết, hiện nay những kẻ quay lén thường sửa đổi phần cứng, sau khi mua camera chính hãng, chúng sẽ tháo vỏ, lấy camera, bảng mạch và các linh kiện bên trong ra, sau đó tự lắp ráp thành thiết bị quay lén. Loại "camera giấu kín" được sửa đổi này có thể kết nối với ứng dụng của nhãn hiệu tương ứng.

Hà Chí Hội, người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống nghe lén, nhìn trộm, cũng cho rằng, những loại camera quay lén hiện nay trên thị trường hầu hết đều được chế tạo bằng cách sửa đổi các linh kiện điện tử. Theo quan sát của ông, kể từ khi công nghệ WIFI phổ biến, phương thức truyền tín hiệu và kích thước của camera siêu nhỏ đã cơ bản được định hình, không có sự tiến bộ nào về mặt kỹ thuật.

Từ An cho biết, hiện nay, số lượng người dùng được phép chia sẻ của các nhãn hiệu camera đã bị giảm đáng kể. Xét về mặt kỹ thuật, những kẻ quay lén gần như không thể tự mình bẻ khóa giao thức để vượt qua giới hạn số lượng người dùng được chia sẻ của phần mềm camera chính hãng.

Hàng vạn video quay lén được bán trong các nhóm trả phí

Ngoài việc bán quyền xem livestream, những video quay lén được camera trong khách sạn ghi lại và tải lên đám mây lưu trữ cũng sẽ được người bán lưu giữ, sau đó biên tập, tổng hợp và bán dưới dạng nội dung trả phí trong các nhóm VIP để kiếm lời lần nữa.

Rất nhiều nhóm trả phí cũng theo đó mà xuất hiện.

Ngày 22/10, trên một ứng dụng nhắn tin được mã hóa, một quản trị nhóm có hàng vạn thành viên liên tục đăng quảng cáo trong nhóm, mời gọi thành viên trả phí để vào nhóm VIP. "Cập nhật hàng ngày, phát lại bản ghi." Để thu hút thành viên, quản trị nhóm thường xuyên đăng ảnh chụp màn hình riêng tư của khách trọ.

Quản trị nhóm cho biết, với 158 tệ, người dùng có thể xem những hình ảnh nhạy cảm do camera khách sạn quay lén trước đây, được cập nhật định kỳ.

Phóng viên Tân Kinh Báo đã vào nhóm VIP do quản trị nhóm này lập ra và phát hiện nhóm đã có 819 thành viên, có hơn 2.000 video quay lén có thể xem, tất cả đều là video riêng tư của khách trọ. Từ thông tin hình ảnh và góc quay của video, có thể thấy những video này ít nhất đến từ 100 camera giấu kín được lắp đặt trong các phòng khách sạn khác nhau.

Trong các nhóm VIP của các nhóm khác, số lượng video quay lén khách sạn lên tới hàng vạn, số lượng thành viên cũng lên tới hàng nghìn người.

Một quản trị nhóm cho biết, nhóm mà phóng viên tham gia chỉ là nhóm VIP cấp thấp, video trong nhóm chỉ có thể xem chứ không thể chuyển tiếp hoặc tải xuống. Nếu muốn có quyền hạn lớn hơn, có thể trả thêm 99 tệ để vào nhóm VIP2 và tải xuống video.

Tháng 11/2022, một phụ nữ ở Lâu Để, Hồ Nam, khi đang ở một mình trong một khách sạn tại Lâu Để, đã bị camera giấu kín quay lén hình ảnh riêng tư. Sau đó, một người đàn ông lạ mặt đã dùng những hình ảnh này để tống tiền cô 100.000 tệ, đe dọa sẽ gửi ảnh cho cơ quan làm việc và người thân, bạn bè của cô. Người phụ nữ sau đó đã báo cảnh sát.

Tháng 6/2016, một người đàn ông đã báo cáo với Công an quận Thanh Sơn rằng anh ta nhận được một hộp giấy bên trong có ảnh khỏa thân của anh ta và một người phụ nữ khi đang ở trong khách sạn, kèm theo một tờ giấy ghi số điện thoại liên lạc. Sau khi liên lạc qua tin nhắn, đối phương yêu cầu anh ta đưa 50.000 tệ, nếu không sẽ công bố ảnh và video. Công an quận Thanh Sơn ngay lập tức tiến hành điều tra và bắt được 1 nghi phạm.

Tháng 11/2013, một cặp đôi nam nữ sau khi nghỉ qua đêm tại một khách sạn ở quận Đại Độ Khẩu, thành phố Trùng Khánh, đã nhận được video thân mật của họ vào ngày hôm sau. Người gửi tin nhắn yêu cầu 5.000 tệ, nếu không sẽ đăng video lên mạng. Sau khi nhận được báo án, cảnh sát đã bắt giữ 3 nghi phạm đã lắp camera giấu kín trong khách sạn để quay lén video và thực hiện hành vi tống tiền.

Hà Chí Hội cho biết, trước năm 2018, tình trạng quay lén tại các khách sạn và nơi công cộng diễn ra khá phổ biến. Trong năm 2018 và 2019, cơ quan công an đã nhiều lần truy quét toàn bộ chuỗi quay lén, tình trạng này đã được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, kể đầu năm đến nay, nhiều vụ quay lén đã bị phanh phui tại Hải Nam, Thạch Gia Trang và các địa phương khác, cho thấy hành vi vi phạm này có xu hướng gia tăng trở lại.

Một số kẻ lừa đảo lợi dụng việc kiếm hoa hồng để chiếm đoạt tiền đặt cọc

Lợi nhuận béo bở từ việc quay lén đã thu hút cả những kẻ lừa đảo mạo danh. Một quản trị nhóm cho biết, những kẻ lừa đảo thường dùng chiêu bài lắp đặt camera kiếm hoa hồng để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Phóng viên Tân Kinh Báo nhận thấy hầu hết các nhóm chat liên quan đến quay lén đều bị cấm bình luận. Ngay cả những nhóm chat có hàng nghìn người đăng ký cũng không thể xác minh được tính xác thực của nội dung trong nhóm.

Quản trị nhóm nói trên cho biết, những kẻ lừa đảo thường ăn cắp hình ảnh và nội dung từ các nhóm chat khác, thậm chí bịa đặt thông tin gửi hàng camera cho người lắp đặt, tạo cảm giác như liên tục có người đang lắp đặt camera quay lén trên khắp cả nước, nhằm thu hút người quan tâm hỏi mua.

Một người dùng tự xưng có hàng chục "kênh" livestream đồng thời tuyển dụng đại lý lắp đặt. Người này cho biết tiền đặt cọc cho một camera là 500 tệ, sau khi lắp đặt sẽ trả 8.000 tệ tiền hoa hồng, tiền đặt cọc chỉ có thể chuyển trực tiếp qua Alipay hoặc WeChat, sau đó gửi mã QR thu tiền.

Để tạo lòng tin cho người mua, người này thường xuyên gửi video hướng dẫn cách chế tạo camera quay lén từ các vật dụng hàng ngày.

Chiêu trò lừa đảo này có đặc điểm rõ ràng, người bán thường xuyên đăng video, hình ảnh liên quan đến quay lén hoặc thiết bị quay lén để chứng minh danh tính thật của mình. Một khi có người mắc bẫy, người bán sẽ yêu cầu người mua thanh toán bằng tiền điện tử hoặc lì xì bằng mật khẩu với lý do nộp tiền đặt cọc. Cuối cùng, người bán sẽ liên tục trì hoãn thời gian giao hàng với nhiều lý do khác nhau, thậm chí bất ngờ yêu cầu thêm phí vận chuyển để lừa đảo chiếm đoạt thêm tiền.

Trong quá trình điều tra và thu thập bằng chứng, phóng viên Tân Kinh Báo cũng gặp trường hợp bị chặn liên lạc sau khi đã nộp tiền đặt cọc, hoặc không nhận được hàng. Sau nhiều lần giao dịch với những người bán khác nhau, phóng viên mới mua được hai đợt hàng, tổng cộng 11 "kênh" livestream.

Khi phóng viên hỏi những "kênh" livestream này đến từ khách sạn nào hoặc ở đâu, nhiều người bán "kênh" đều tỏ ra úp mở. Có người nói những "kênh" này đều lấy từ đại lý cấp trên, không biết đã qua tay bao nhiêu người. "Chỉ cần xem được livestream là được rồi, ở đâu không quan trọng".

Những camera này thường được đặt ở vị trí cao trên tường trong phòng, rất khó xác định khách sạn cụ thể và cảnh báo cho khách sạn bằng cách quan sát chi tiết đồ đạc trong phòng.

Theo China News, Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại