Nga đăng ký vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới và hàng loạt nghiên cứu triển vọng khác mang lại hy vọng cho người dân thế giới về cơ hội sớm chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên với một virus nguy hiểm và biến đổi không ngừng như SARS-CoV-2, vaccine không phải là liều thuốc màu nhiệm dập tắt ngay đại dịch. Đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi, với kế hoạch đồng bộ, từ chiến lược quốc gia, ý thức của người dân, đến sự hỗ trợ đắc lực của vaccine và sự đồng lòng, chia sẻ toàn cầu.
Các nhà khoa học, phòng thí nghiệm và chính phủ trên khắp thế giới đang nỗ lực hết mình, chạy đua với thời gian để tìm ra liều thuốc công hiệu, an toàn phòng ngừa Covid-19. Một cuộc đua khác cũng khốc liệt không kém đó là cuộc đua "đặt cọc", với các nước giàu dốc hầu bao để mong muốn có được vaccine trước tiên ngay khi ra đời.
Ngay trong ngày đầu thông báo, Nga công bố đã có hơn 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine. Các giao dịch vaccine hàng tỷ USD liên tục được các nước thông báo trong những ngày qua, cho thấy đang diễn ra một “cơn khát vaccine” trên toàn cầu, với hi vọng đây sẽ là phép màu giúp đẩy lùi ngay dịch bệnh.
Lạc quan nhưng không chủ quan là điều người dân thế giới cần vào lúc này. Viện nghiên cứu dịch bệnh hàng đầu của Đức Robert Koch cho rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu tin tưởng rằng việc tiêm chủng vaccine từ mùa thu năm nay có thể kiểm soát được đại dịch.
Thực tế hiệu quả của các vaccine cúm trước đây chỉ ở mức 20 đến 60%, trong khi vaccine sởi là 97%. Do đó, vaccine ngừa Covid-19 phải có hiệu quả cao hơn 70% hoặc thậm chí 80% mới có thể giảm xu hướng dịch bệnh. Hiệu quả của bất cứ loại vaccine nào cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu virus biến đổi không ngừng, hay sản phẩm vaccine đầu tiên đưa ra thị trường có thể chỉ cung cấp khả năng miễn dịch trong ngắn hạn.
Điều đáng lo ngại nhất đó là vaccine sẽ trở thành lời bào chữa cho tâm lý chủ quan, không tôn trọng các quy định giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang- những biện pháp vốn đơn giản những rất hiệu quả để kiểm soát dịch.
Câu hỏi tiếp theo đặt ra đó là vấn đề phân phối vaccine công bằng. Trong khi các nước phát triển đang đổ hàng tỷ đôla vào cuộc chiến sở hữu vaccine, những nước kém phát triển hay đang phát triển sẽ khó có cơ hội được tiếp cận. Nhiều chuyên gia dự tính, giá thành một liều vaccine Covid-19 trên thị trường có thể từ 50-60 USD. Các nước nghèo sẽ không có đủ khả năng tài chính để mua hàng triệu liều cần thiết. Và ngay cả khi giá cả tăng cao, vaccine cũng sẽ rơi vào tình trạng cung không đủ cầu.
Trong khi đó, dịch bệnh vốn không có biên giới, đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hóa khi các nền kinh tế có sự gắn kết và tương tác lẫn nhau. Việc các nước giàu dù tìm cách sở hữu vaccine vẫn không thể trở thành những 'thiên đường an toàn' trước virus, nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Do đó, kể cả khi có vaccine mà thiếu sự đoàn kết và chia sẻ toàn cầu thì cuộc chiến này cũng khó đạt được thành công.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Một phần hay một số nước không thể phục hồi và trở thành thiên đường an toàn nếu chỉ mình họ sở hữu vaccine. Họ nên cùng bước với phần còn lại của thế giới. Hãy chia sẻ vaccine hay các biện pháp khác để giúp thế giới phục hồi cùng nhau, khôi phục kinh tế nhanh hơn và giảm tác động của Covid-19.”
Có thể nói vaccine là một bước tiến lớn giúp người dân hướng tới việc quay trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, các nước có thể vẫn phải tiếp tục cuộc sống “ bình thường mới” ít nhất trong vài năm tới. Luôn hi vọng vào những điều tốt đẹp nhưng sẽ tốt hơn nếu các quốc gia chuẩn bị cho thực tế này và lên kế hoạch cho tình huống xấu nhất./.