Các lọ vaccine Sputnik V tại bệnh viện San Martin ở ngoại ô Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Reuters
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết nhiều nước đang “xếp hàng” để được nhận Sputnik V. Đặc biệt là khi một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học uy tín The Lancet ngày 2/2 cho thấy Sputnik V có có hiệu quả phòng ngừa COVID-19 lên tới gần 92%.
Trên 20 quốc gia đã thông qua việc sử dụng Sputnik V, trong đó có thành viên Liên minh châu Âu (EU)– Hungary. Brazil và Ấn Độ cũng đang tiến gần tới việc thông qua vaccine do Nga sản xuất này.
Về phần mình, Nga cũng nhắm tới thị trường EU khi chương trình tiêm vaccine COVID-19 của khối này gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung thiếu hụt.
Trong thời gian qua, cuộc đua điều chế vaccine COVID-19 được coi mang tính địa chính trị nổi bật bởi các chính phủ đều tìm cách thoát khỏi thiệt hại kinh tế, xã hội từ quá trình phong tỏa tránh lây lan dịch.
“Sputnik V” là vệ tinh đầu tiên của thế giới do Liên Xô phóng năm 1957. Moskva chọn cái tên “Sputnik V” để đánh dấu mốc thành công trong việc trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn vaccine phòng COVID-19.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/8/2020 tuyên bố nước này phê chuẩn vaccine phòng COVID-19 sau gần 2 tháng thử nghiệm trên cơ thể người. Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Putin khẳng định vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya sản xuất là an toàn.
Bà Oksana Antonenko tại công ty tư vấn Control Risks (Anh) đánh giá: “Với Sputnik V, Nga chứng minh được năng lực sản xuất sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của toàn thế giới”.
Trong khi các nhà sản xuất vaccine trên toàn cầu đang chật vật để đáp ứng được tình trạng cung vượt cầu hiện nay thì Nga cam kết tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho 146 trệu người dân nước này.
Một tình nguyện viên tiêm Sputnik-V tại Moskva, Nga năm 2020. Ảnh: Reuters
Ngày 25/1, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã cảm ơn người đồng cấp Putin vì cam kết chuyển cho quốc gia Trung Mỹ này 24 triệu liều Sputnik V trong vòng 2 tháng tới. Ba ngày sau đó, Tổng thống Bolivia Luis Arce trực tiếp nhận các kiện Sputnik V đầu tiên đến nước này tại sân bay La Paz.
Argentina đã khởi động chương trình tiêm vaccine đại trà đầu tiên sau khi nhận được trên nửa triệu liều Sputnik V từ tháng 1. Ngoài ra, Nga cũng chuyển vaccine cho Nicaragua, Paraguay và Venezuela.
Guinea là quốc gia châu Phi đầu tiên tiếp nhận Sputnik V, từ cuối năm 2020. Một số quốc gia châu Phi khác như Zimbabwe, Ivory Coast… cũng đang để mắt tới vaccine của Nga.
Không giống như vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech, Sputnik V chỉ cần trữ trong tủ lạnh thông thường thay vì tủ đông. Do vậy, Sputnik V dễ dàng vận chuyển hơn và thuận tiện trong phân phối tại những nước có khí hậu nóng.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) – một đồng minh truyền thống của Mỹ- cũng thông qua sử dụng Sputnik V.
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 2/2 cho biết Sputnik V có thể được sử dụng tại 27 nước thành viên EU với điều kiện vaccine COVID-19 do Nga sản xuất này được Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) thông qua.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã đánh giá cao việc Nga điều chế Sputnik V. Ông nói: “Đây là tin tốt cho toàn nhân loại. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thêm công cụ để đối mặt với dịch COVID-19”.