Uy lực đáng gờm của tên lửa chống tăng NAG Ấn Độ

Lê Ngọc |

Nhờ các đặc tính chiến-kỹ thuật, tên lửa chống tăng nội địa Nag đã được Ấn Độ chọn thay vì dòng Spike của Israel mà trước đó nước này định đặt mua.

Nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh

Sau khi Ấn Độ quyết định loại bỏ thương vụ trị giá nửa tỷ USD mua tên lửa chống tăng Spike của Israel để chọn dòng tên lửa nội địa Nag, giới quan sát đã dành sự chú ý cho dòng vũ khí mới này.

Tên lửa Nag (Nāga - "Cobra" - “Rắn hổ mang”) là tên lửa chống tăng có điều khiển "bắn và quên" thế hệ thứ ba của Ấn Độ, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, tấn công kiểu "đột nóc", được phát triển bởi Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và VEM Technologies Ltd, thuộc Chương trình phát triển tên lửa có hướng dẫn tích hợp.

Uy lực đáng gờm của tên lửa chống tăng NAG Ấn Độ - Ảnh 1.

Tên lửa chống tăng Nag. Nguồn: httptrishul-trident.blogspot.com

Được sản xuất bởi Bharat Dynamics Limited theo giấy phép, Nag sẽ thay thế tên lửa Konkours của Nga và tên lửa Milan (Pháp) có tầm bắn 2.000m, hiện có trong quân đội Ấn Độ.

Các dòng vũ khí do Ấn Độ phát triển luôn được đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật đỉnh cao và tên lửa chống tăng Nag, được thiết kế để phá hủy xe tăng hiện đại và những mục tiêu bọc thép hạng nặng, là một trong số đó.

Nag được nghiên cứu từ những năm 1980 và năm 2005, DRDO bắt đầu thiết kế phiên bản tên lửa chống tăng vác vai có điều khiển.

Nag được chế tạo bằng vật liệu composite trọng lượng nhẹ và có độ bền cao; có trọng lượng tổng cộng 42 kg, dài 1.900mm, đường kính 190mm, đầu đạn nặng 8kg, tốc độ bay 828km/h, tầm bắn từ 3 - 7km nếu phóng từ mặt đất và 10km nếu phóng từ trực thăng tấn công; được trang bị radar tìm kiếm ảnh hồng ngoại (IIR) tiên tiến với hệ thống điện tử hàng không tích hợp.

Ở ngoài tầm hỏa lực của đối phương, với tầm bắn lên tới 7.000m, Nag hoàn toàn có thể tiêu diệt các xe tăng chủ lực hiện đại vì kể cả tăng T-90, pháo 2A46 125mm của nó cũng chỉ có tầm bắn tối đa 5.000m.

Đầu đạn của Nag là đầu đạn nổ hai lần - có khả năng xuyên qua các loại giáp phản ứng nổ hiện đang được sử dụng trên các loại xe tăng chủ lực hiện đại. Sau khi được phóng khỏi ống phóng, tên lửa Nag sẽ bung sải cánh rộng 400mm, cho phép ổn định đường bay và tăng khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lớn.

Chi phí phát triển tên lửa Nag khoảng 51 triệu USD. Nag có hai phiên bản NAMICA (Nag Missile Carrier) trang bị cho Lục quân - là xe chiến đấu bọc thép BMP-2, có trọng lượng 14,5 tấn, có khả năng di chuyển 7km/h trong nước, tích hợp 12 tên lửa với 8 ở chế độ sẵn sàng khai hỏa; và HeliNa (Helicopter-launched Nag) trang bị cho Không quân, tầm bắn hiệu quả 7-8km, phiên bản nâng cấp của tên lửa được trang bị một máy tìm kiếm radar chủ động gắn trên mũi mới và có tầm bắn 15-20 km.

"Đả bại" tên lửa nhập ngoại

Quân đội Ấn Độ từng có nhu cầu cấp bách trang bị hàng chục nghìn tên lửa chống tăng điều khiển thế hệ thứ ba, nhưng các nỗ lực nhập khẩu của New Delhi đều chưa mang lại kết quả.

Năm 2007, Ấn Độ công bố gói thầu mua tên lửa chống tăng song sau đó đành phải hủy vì chỉ có duy nhất hãng Rafael của Israel tham gia với mẫu Spike.

Ấn Độ cho biết, Mỹ từ chối cung cấp số lượng tên lửa chống tăng Javeline (sử dụng dạng phóng không gây nổ, rất hữu dụng đối với môi trường tác chiến trên địa hình cao) mà Ấn Độ yêu cầu vì “những cân nhắc mang tính chiến lược và địa chính trị quốc tế”, đồng thời, từ chối chuyển giao công nghệ sản xuất Javeline cho nước này.

Gần đây, Mỹ muốn bán cho Ấn Độ khoảng 6.000 đơn vị Javeline trong vòng 1 năm sau khi ký kết hợp đồng, sau đó sẽ cùng sản xuất với Ấn Độ. Giai đoạn tiếp theo, hai bên sẽ cùng phát triển một phiên bản tên lửa chống tăng nội địa cho Ấn Độ.

Mỹ cũng sẽ chấp nhận chuyển giao công nghệ chế tạo Javelin, bao gồm sản xuất đầu đạn, động cơ, nhiên liệu, hệ thống dẫn đường và tìm kiếm, nhưng không bao gồm thuật toán dẫn đường - yếu tố mà Ấn Độ cho là mang tính cốt lõi đối với mọi hệ thống dẫn dường.

Sau nhiều năm dày công nghiên cứu cải tiến, tên lửa chống tăng Nag thế hệ thứ 3, được cho là vượt xa tên lửa Javeline của Mỹ và Spike của Israel, đã được DRDO thử nghiệm thành công trong các điều kiện thời tiết và chiến đấu khác nhau, tại khu vực Pokhran, thuộc vùng sa mạc bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ.

Sử dụng hệ thống dẫn đường bằng hồng ngoại, NAG có thể khóa được mục tiêu ở khoảng cách 4km trước khi phóng, trong khi các dòng tên lửa chống tăng như Javeline của Mỹ và Spike của Israel, chỉ đạt 2,5km.

Nguyên lý này cho phép tên lửa bắn trúng mục tiêu trong điều kiện nhiệt độ cao, cả ban ngày và ban đêm - khắc phục tốt vấn đề nhiễu địa vật kể cả khi được sử dụng trong môi trường sa mạc nóng bỏng, vốn là khắc tinh của các thiết bị hồng ngoại.

Thử nghiệm mới nhất vào tháng 7/2019 đã được tiến hành thành công trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt, bao gồm xác định tầm bắn tối thiểu, tầm bắn tối đa, tấn công gián tiếp cũng như tấn công trực tiếp vào mục tiêu...

Tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của Nag trong thử nghiệm là 77% - một tỷ lệ khá cao dù hệ thống radar chủ động của nó vẫn chưa được hoàn thiện. Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định hủy hợp đồng trị giá 500 triệu USD mua các tên lửa Spike của Israel và ra thông báo về việc bắt đầu sản xuất hàng loạt dòng tên lửa chống tăng nội địa NAG.

Đây là lần thứ hai New Delhi từ bỏ thương vụ nửa tỷ USD với dòng tên lửa chống tăng được đánh giá có tầm bắn xa nhất thế giới này. Quân đội Ấn Độ được cho là sẽ mua ít nhất 40.000 tên lửa chống tăng trong vòng 2 năm tới.

Việc đưa Nag vào sản xuất và trang bị không chỉ giúp các lực lượng vũ trang Ấn Độ nâng cao khả năng chiến đấu nói chung và chống tăng nói riêng, mà còn còn giúp nước này chủ động trong cung ứng, giảm lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại