Uy lực của hệ thống THAAD Mỹ sắp gửi cho Israel

Diệp Thảo |

Mỹ đang có kế hoạch triển khai các hệ thống phòng không Terminal High Altitude Area Defense (THAAD) tới Tel Aviv trong bối cảnh căng thẳng Israel-Iran leo thang. Mặc dù được coi là "sự bổ sung cho Patriot", THAAD có thể bảo vệ nhiều khu vực hơn nhờ sở hữu phạm vi tấn công rộng hơn Patriot.

Hệ thống THAAD được đánh giá là một trong những hệ thống áp dụng công nghệ phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất trên thế giới. Nó được thiết kế đặc biệt để đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo trong giai đoạn cuối, ngay trước khi tên lửa đến sát mục tiêu. Vì vậy, THAAD là khí tài mạnh mẽ để bảo vệ các vị trí quan trọng, như căn cứ quân sự, khu vực dân sự, khỏi nhiều mối đe dọa tên lửa, bao gồm cả tên lửa tầm trung và tầm ngắn.

 - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ. Ảnh: Lockheed Martin

THAAD sử dụng công nghệ radar tinh vi, bao gồm hệ thống radar AN/TPY-2, cho phép phát hiện tên lửa ở khoảng cách xa. Khả năng đánh chặn của nó mở rộng đến độ cao hơn 150km. THAAD không dựa vào đầu đạn nổ để vô hiệu hóa các mối đe dọa mà sử dụng động năng để phá hủy tên lửa đang bay tới. Bằng cách va chạm trực tiếp với tên lửa của đối phương, hệ thống có thể phá hủy tên lửa ngay giữa không trung mà không cần đến đạn nổ khiến THAAD đặc biệt hiệu quả đối với các tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa có đường bay phức tạp.

Hệ thống này trang bị động cơ Pratt & Whitney Rocketdyne nhiên liệu rắn một tầng, có vec-tơ lực đẩy và khả năng tăng tốc lên tới tốc độ Mach 8.2. THAAD có tầm bắn từ 150 - 200 km (trần bắn tối đa lên tới 150 km tính từ mặt đất) và tương thích với các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không khác.

Mỗi xe phóng HEMTT-LHS của THAAD có thể mang theo 8 tên lửa đánh chặn, cùng với các xe phóng, một xe chỉ huy và điều khiển, các cụm pháo có radar tìm kiếm và theo dõi Raytheon AN/TPY-2 X-band với phạm vi phát hiện 1.000 km.

Iran đã cảnh báo rằng bất kỳ hành động tấn công lãnh thổ nào, bao gồm các nghi ngờ nhắm vào các nhà máy điện hạt nhân của Tehran, sẽ phải hứng chịu sự trả đũa của nước này. Việc Mỹ gửi THAAD cho Israel được cho là đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Washington nhằm bảo vệ trực tiếp Israel trước các cuộc tấn công tiềm tàng.

Được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không hiệu quả nhất thế giới, THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo - loại vũ khí thường được các lực lượng ủy nhiệm của Tehran sử dụng để tấn công Israel trong những tháng gần đây, ngay trên không.

Quân đội Mỹ hiện đang sở hữu 7 khẩu đội THAAD. Nếu được triển khai ở Israel, chúng sẽ cần nhân sự Mỹ vận hành do binh sĩ Israel vẫn chưa được đào tạo để điều khiển những cỗ máy này.

Trước đó, Mỹ cũng đã triển khai THAAD tới Hàn Quốc và Romania trong bối cảnh căng thẳng với Bình Nhưỡng và Moscow.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại