Trước đó, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại Tổ và tại Hội trường về phương án phân bổ NSTƯ năm 2018.
Một số ý kiến ĐBQH đề nghị giải trình về khoản chi đối với Đề án 911; có ý kiến đề nghị ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Phương án phân bổ NSTƯ năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội đã bố trí kinh phí cho các Đề án đào tạo của ngành giáo dục, trong đó có Đề án 911 dựa trên chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch, mức chi từ nguồn ngân sách theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức và khả năng triển khai thực tế.
Năm 2018, mức bố trí cho Đề án 911 đã dự kiến giảm mạnh so với các năm trước, nhưng vẫn phải duy trì một phần để tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học các kỳ tuyển sinh trước đây.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các Đề án nói chung của ngành giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm.
Về ưu tiên đầu tư cho giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa và giáo viên phổ thông, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện khá toàn diện nhiệm vụ này, cụ thể như: đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú...; triển khai các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia với các đối tượng ưu tiên là vùng núi, vùng dân tộc, vùng khó khăn...; thực hiện chính sách miễn/giảm học phí, học bổng, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ trang thiết bị học tập, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo, kinh phí mua sách, tài liệu học tập; triển khai nhiều Đề án, Dự án, Chương trình phục vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên phổ thông... Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ phương án phân bổ như dự thảo Nghị quyết.
Liên quan tới kinh phí Đề án 911, Bộ GDĐT đang xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình lên Chính phủ Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mức kinh phí 12.000 tỷ đồng.
Trong đó, 94% kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đề án không đặt yêu cầu Nhà nước cấp kinh phí mới mà đề nghị tích hợp khoản kinh phí còn lại của Đề án 911 và Đề án 2020.