Iran sắp bị “hất” khỏi Syria đúng ý Israel?

Hùng Cường |

Một quan chức tình báo Israel cho rằng, Moscow đã nhận ra xung đột giữa Iran và Israel có thể làm suy yếu lợi ích của Nga trong cuộc chiến Syria.

Tờ Telegraph ngày 28/5 dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Israel cho biết, Israel ngày càng lạc quan về việc có thể gây sức ép buộc Iran rút quân khỏi Syria trong bối cảnh Nga dường như đã nhận thấy rằng sự hiện diện của Iran ở Syria gây ra mối đe dọa với lợi ích riêng của họ.

Tổng vụ trưởng Bộ Tình báo Israel Chagai Tzuriel cho biết, ông tin là Moscow nhận ra rằng cuộc chiến giữa Iran và Israel có thể làm suy yếu lợi ích của Nga trong cuộc chiến Syria.

"Đánh giá của tôi là người Nga quan tâm đến việc bảo đảm thành quả của họ ở Syria. Tôi nghĩ rằng họ [Nga-ND] hiểu là nếu người Iran tiếp tục những việc làm hiện tại thì điều này sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng và phá hoại những kế hoạch của họ ở Syria", ông Tzuriel nói.

Quan hệ Nga-Iran rạn nứt?

Israel từ lâu đã nói sẽ không cho phép Iran có chỗ đứng về mặt quân sự vĩnh viễn ở Syria và đã sớm nhận ra rằng Nga – một đồng minh thân cận của Iran lại chính là chìa khóa để ngăn chặn Tehran gây dựng ảnh hưởng ở quốc gia đã hơn 7 năm chìm trong nội chiến.

Trong những tuần gần đây, quân đội Israel đã tiến hành các cuộc tấn công ngày càng khốc liệt hơn nhằm vào những mục tiêu của Iran trên lãnh thổ Syria và những đòn đánh này cũng gây ra không ít thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống phòng không của chế độ Assad.

Theo quan điểm của ông Tzuriel, các cuộc không kích của Israel kết hợp với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng với đó là bất mãn liên quan đến vấn đề kinh tế trong nội bộ Iran là những yếu tố góp phần thổi bùng lên căng thẳng giữa Iran với đồng minh Nga và Syria.

Tzuriel nhận định: "Tôi nghĩ đây là thời điểm thai nghén cơ hội lớn. Theo đánh giá tình hình, chúng tôi đang ở vào thời điểm thích hợp để có thể cố gắng thay đổi cơ bản tình hình chiến lược".

Ông Tzuriel nói rằng các báo cáo chưa được xác nhận cho thấy lực lượng không quân Syria đang cố gắng đẩy quân đội Iran ra khỏi các sân bay bởi đây là mục tiêu thường xuyên của các đợt không kích của Israel.

Vết rạn nứt tiềm ẩn trong quan hệ Nga-Iran ngày càng trở nên rõ ràng trong những tuần gần đây.

Hồi giữa tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, tất cả các lực lượng nước ngoài sẽ rời khỏi Syria sau khi quân đội Syria hoàn toàn kiểm soát đất nước. Tuyên bố của ông Putin được cho là lời cảnh báo gửi đến Iran.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran sau đó cho biết: "Không ai có thể sai bảo Iran làm gì; Iran có chính sách độc lập riêng".

Mới đây nhất, hôm 28/5, Ngoại trưởng Nga tuyên bố chỉ nên có các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad được phép đóng quân ở khu vực biên giới ở phía Nam Syria, ngụ ý rằng cả Iran lẫn Hezbollah đều không được phép xuất hiện gần biên giới Syria-Israel.

Bình luận này của ông Lavrov được đánh giá như một "chiến thắng nhỏ" dành cho Israel – quốc gia vốn từ lâu đã thúc giục Nga kiềm chế sự hiện diện của lực lượng Iran trên khắp lãnh thổ Syria và đặc biệt là ở khu vực phía Nam, gần biên giới Israel.

Theo chuyên gia phân tích Michael Horowitz của Le Beck International - chuyên về tư vấn địa chính trị và an ninh, Israel đã cố gắng trong một thời gian dài để cảnh báo Nga về sự nguy hiểm khi Iran hiện diện tại Syria nhưng chỉ đến gần đây nỗ lực của Israel mới phần nào được đền đáp vì có xung lực thúc đẩy.

"Israel theo đuổi chiến lược thuyết phục Nga rằng Nga sẽ mất rất nhiều nếu họ không làm gì với Iran. Cho đến vài tuần trước, chiến lược này dường là vô ích vì Nga có vẻ như không hiểu và không quan tâm. Tuy vậy, Nga đã thay đổi vì chiến lược leo thang không kích của Israel nhằm vào các cơ sở Iran tại Syria đang thực sự đe dọa dẫn đến xung đột", ông Horowitz nói.

"Cuộc chơi" còn nhiều phức tạp

Ông Horowitz cảnh báo rằng sự thay đổi gần đây không có nghĩa là Israel sẽ chắc chắn đạt được mục tiêu buộc Iran rời khỏi Syria. "Điều này không có nghĩa là Israel đã thắng. Tuy vậy nó thực sự mang lại động lực khi đánh dấu sự thay đổi lần đầu tiên trong thái độ của Nga", Horowitz nhận xét.

Ngay cả khi Nga và chế độ Syria tin rằng sự hiện diện của Iran đang khiến họ phải trả giá quá đắt thì cũng không rõ họ phải làm thế nào để có thể gây sức ép buộc quân đội Iran và lực lượng dân quân người Shiite đồng minh của Tehran rời khỏi Syria.

Iran đã đầu tư nguồn lực mạnh mẽ vào việc giữ vững chế độ Assad trong nhiều năm và đương nhiên họ không dễ dàng từ bỏ vị thế hiện nay của mình ở Syria. Ở chiều ngược lại, quân đội của ông Assad cũng còn phụ thuộc nhiều vào lực lượng dân quân thân Iran khi họ cố gắng giành lại những phần lãnh thổ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của quân nổi dậy.

"Ông Assad và người Nga vẫn cần đến lực lượng dân quân người Shiite để giúp họ hoàn thành những gì họ đã bắt đầu ở Syria. Tuy nhiên, điều đó không làm thay đổi cơ bản đánh giá của tôi cho rằng hiện đang có một cơ hội", ông Tzuriel nói.

Cuối tuần qua, Mỹ đã phát đi cảnh báo cho rằng quân đội Syria dường như đang tập trung lực lượng, chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào khu vực do các phần tử nổi loạn kiểm soát ở phía Tây Nam Syria, gần biên giới với Jordan và khu vực Cao nguyên Golan hiện do Israel kiểm soát.

Khu vực này là một phần của "Khu vực giảm leo thang căng thẳng" – nơi mà lực lượng của ông Assad và các chiến binh nổi dậy phải tuân thủ ngừng bắn. Thỏa thuận về các khu vực giảm leo thang căng thẳng đạt được hồi năm ngoái giữa Mỹ, Nga và Jordan.

Sở dĩ khu vực phía Tây Nam Syria được đánh giá là "nhạy cảm" bởi nơi đây gần biên giới với Jordan và Israel, cả hai đều là đồng minh của Mỹ. Washington cảnh báo sẽ có các biện pháp "cứng rắn và phù hợp" nếu quân đội Syria quyết định tấn công. Lực lượng Assad cho đến nay vẫn phát đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng hành động bất chấp cảnh báo của Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại