USS Gerald R. Ford: "Siêu chiến hạm" 13 tỷ USD có xứng danh "siêu phẩm"?

Mạnh Kiên |

Một số chuyên gia cho rằng USS Gerald R. Ford hiện đại trị giá 13 tỷ USD là con tàu vừa nhiều khiếm khuyết vừa không được sử dụng đúng mục đích.

Một trong những tàu sân bay mới nhất, lớn nhất từng được chế tạo là siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ.

Được cung cấp năng lượng vận hành bởi hai lò phản ứng hạt nhân, USS Gerald R. Ford dài hơn ba sân bóng đá và lượng giãn nước trên 100.000 tấn.

Khi thực hiện các chiến dịch không quân, Ford có khả năng trở thành căn cứ cho hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng cùng hơn 4.500 thủy thủ.

Nhưng con tàu khổng lồ này đã ở trong hạm đội gần ba năm mà vẫn chưa được triển khai nhiệm vụ đơn lẻ nào.

Theo cây bút Mike Glenn của tờ The Washington Times, USS Gerald R. Ford là một bước tiến đột phá trong công nghệ, nhưng do bị ảnh hưởng bởi một loạt các vấn đề cơ học, giá thành của nó đã bị đẩy lên 13 tỷ USD.

USS Gerald R. Ford: Siêu chiến hạm 13 tỷ USD có xứng danh siêu phẩm? - Ảnh 1.

USS Gerald R. Ford bị cho là còn nhiều khiếm khuyết và định hướng không đúng nhiệm vụ.

Đây cũng là một trong ba siêu tàu sân bay được áp dụng hệ thống phóng máy bay bằng điện từ trường (EMALS) tiên tiến, một sự thay thế cho hệ thống phóng thủy lực trong nhiều thập kỷ.

Hiện tại, con tàu đang trong quá trình kiểm tra và thử nghiệm sau khi được chuyển giao. Các thử nghiệm quan trọng như kiểm tra sức chống chịu của Ford với các vụ nổ dưới nước sẽ được lên kế hoạch cho năm tới.

Sàn máy bay được thiết kế lại với sự tư vấn của các kỹ sư của NASCAR, mang lại cho Ford thêm không gian rộng rãi gấp rưỡi so với các con tàu tiền nhiệm.

Không gian mở rộng sẽ giúp tối đa hóa hiệu quả của con tàu trong nhiều nhiệm vụ, cũng như dễ dàng thích ứng với các hệ thống máy bay và vũ khí mới được lắp đặt theo thời gian.

23 công nghệ mới được tích hợp vào Ford đã giúp biến con tàu trở thành một sản phẩm công nghệ tuyệt vời nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tranh cãi khi tiến độ hoàn thiện liên tục chậm trễ và chi phí vượt quá chương trình. Ngoài, ra siêu tàu sân bay này cũng đang bị chỉ trích vì định hướng sai nhiệm vụ.

Jerry Hendrix, nhà phân tích quân sự đã nghỉ hưu của hải quân Mỹ nhấn mạnh, vấn đề rõ ràng nhất là Ford là con tàu đang được định hướng sai nhiệm vụ phù hợp với năng lực. Lầu Năm Góc đang đứng giữa một sự thay đổi sứ mệnh lớn - từ tập trung vào các nhóm khủng bố và các nhóm phi chính thống đến nhắm vào các mục tiêu là các đối thủ mang tầm vóc quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Được thiết kế để hoạt động trong một môi trường có mối đe dọa tương đối thấp như Vịnh Ả Rập, tàu sân bay "không phù hợp với việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc phòng hiện tại, vốn tập trung vào cạnh tranh quyền lực lớn", Hendrix viết trên National Review.

Ông ủng hộ các kế hoạch chế tạo tàu sân bay hạng trung ít phức tạp hơn về công nghệ và giá cả phải chăng hơn để chế tạo với số lượng lớn hơn.

"Hải quân cho biết họ cần tàu sân bay để ngăn chặn kẻ thù và giành chiến thắng. Lầu Năm Góc nên nhanh chóng chuyển sang một thiết kế mới có thể hỗ trợ đầy đủ cho Chiến lược phòng thủ quốc gia bằng cách thực hiện hiệu quả cả hai mục tiêu trên", Hendrix nói thêm.

Trung tá Dakota Wood, nghiên cứu viên cao cấp về quốc phòng tại Quỹ Di sản ở Washington, cho biết những dự đoán "màu hồng" được các hãng đóng tàu và các thành viên của Quốc hội mường tượng thường không thành hiện thực khi chi phí vượt trội.

"Họ thường huyễn hoặc tin vào những lời hứa ban đầu. Rất nhiều cam kết được đưa ra quá lạc quan so với những gì công nghệ có thể cung cấp cũng như ngân sách", Wood nói.

Tàu USS Gerald R. Ford gần đây đang vật lộn để chứng minh các tính năng mới. Nếu các hệ thống này không thể hoạt động an toàn trong thời gian thử nghiệm, con tàu sẽ không thể chứng minh rằng nó có thể ngay lập tức triển khai máy bay trong các chiến dịch, một yêu cầu quan trọng đối với các tàu sân bay.

Vào tháng 9 năm ngoái, hải quân Mỹ đã tăng chi phí của Ford thêm 197 triệu USD lên 13,2 tỷ USD, một phần để khắc phục sự cố liên tục trong thang chuyển vũ khí của tàu.

Ngoài ra, cũng có thêm các vấn đề với hệ thống nhà vệ sinh và nước thải trên USS Gerald R. Ford và những sự cố này cũng sẽ ảnh hưởng đến các con tàu tương lai như USS John F. Kennedy.

Cho đến lúc này, USS Gerald R. Ford sẽ còn nhiều việc để làm trước khi sẵn sàng cho nhiệm vụ chiến đấu. Một số chuyên gia cho rằng USS Gerald R. Ford hiện đại trị giá 13 tỷ USD là con tàu vừa nhiều khiếm khuyết vừa không được sử dụng đúng mục đích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại