Ngày 21/9 (rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Fed, đã kết thúc hai ngày họp thường kỳ với thông báo quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, lên biên độ 3% - 3,25%, trong nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong 4 thập kỷ.
Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 trong năm nay và là lần thứ 3 liên tiếp Fed tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, mức độ mà Chủ tịch FED Jerome Powell gọi là "cao bất thường". Biên độ 3% - 3,25% cũng là lãi suất cao nhất của Fed tính từ tháng 1/2008.
Các dự báo mới nhất của Fed cho thấy lãi suất chính sách của họ sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm nay, trước khi đạt đỉnh 4,6% vào năm 2023 để chống lạm phát. Việc cắt giảm lãi suất không được dự kiến cho đến năm 2024.
Ngay sau thông tin trên, chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – tăng vọt lên mức cao nhất mới trong vòng 20 năm, là 111,63, kết thúc phiên 21/9, DXY vẫn giữ được mức tăng 1,1% so với phiên liền trước, lên mức 111,42.
Đồng euro, thành phần lớn nhất trong chỉ số DXY, giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm, chạm 0,9810 USD, kết thúc phiên vẫn giảm 1,3% so với phiên liền trước, xuống 0,9837 USD.
So với đồng yên, đồng USD tăng nhẹ, tăng 0,5% lên 144,41 yên. Các thương nhân bắt đầu cảnh giác với việc đẩy đồng USD tăng lên cao nữa trước khả năng Nhật Bản sẽ can thiệp để kéo đồng yen tăng lên.
Jan Szilagyi, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Toggle AI, một công ty nghiên cứu đầu tư, cho biết: "Họ (Fed) có một khoảng thời gian ngắn để hành động tích cực và họ có vẻ háo hức sử dụng nó". "Có một lý do khác để thực hiện các đợt tăng mạnh (lãi suất). Đó là sự khoan dung của công chúng và thị trường đối với chính sách thắt chặt tiền tệ khi tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%, là mức thấp trong lịch sử".
Đồng đô la Canada giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm so với đồng đô la Mỹ khi các nhà đầu tư cân nhắc kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất của Fed. Kết thúc phiên, CAD giảm 0,3% xuống 1,34 CAD/USD, hay 74,63 US cent, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2020 – là 1,3445 CAD.
"Fed không gây sốc cho bất kỳ ai bằng cách tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, nhưng đã tỏ thái độ ‘diều hâu’ hơn trong việc dự báo mức lãi suất cuối kỳ cao hơn so với dự đoán của thị trường", Royce Mendes, giám đốc điều hành đồng thời người đứng đầu mảng chiến lược vĩ mô của Desjardins cho biết.
Giá dầu, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada, giảm 1,2% xuống 82,94 USD/thùng do thái độ ‘diều hâu’ của Fed bù lại cho lo ngại về nguồn cung dầu khí thắt chặt khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gia tăng căng thẳng.
Đồng bảng Anh chạm mức thấp nhất mới trong vòng 37 năm so với USD sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/9 ký sắc lệnh động viên cục bộ để huy động lực lượng dự bị tham gia chiến đấu bảo vệ Nga và các vùng lãnh thổ của nước này.
Vào lúc 1143 GMT, đồng bảng Anh giảm 0,83% so với đồng USD, xuống 1,1285 USD - mức thấp nhất kể từ năm 1985.
Colin Asher, nhà kinh tế cấp cao thuộc Mizuho Corporate Bank, cho biết: "Sự sụt giảm của đồng bảng Anh chủ yếu là do thông tin từ Nga. Đồng bảng Anh cũng thường giao dịch theo xu hướng các tài sản rủi ro, đó là một lý do khiến đồng tiền này quá yếu trong năm nay".
Đồng bảng Anh đã mất 16% giá trị so với đồng đô la từ đầu năm đến nay do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, cùng với căng thẳng địa chính trị bùng phát và lạm phát tăng vọt.
Các nhà giao dịch đồng bảng Anh đang trông đợi một đợt tăng lãi suất dự kiến vào thứ Năm của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) - vốn đang vật lộn để bảo vệ nền kinh tế khỏi cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, cũng như các tác động từ chính sách tài khóa trong nước.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt
Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 26 tháng do chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2020 – khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên.
Áp lực giảm giá đang gia tăng đối với đồng nhân dân tệ khi một số ngân hàng trung ương ở nước ngoài dự kiến sẽ mạnh tay tăng lãi suất trong tuần này để kiềm chế lạm phát cao. Quỹ đạo thắt chặt tiền tệ của Fed có thể ảnh hưởng đến quyết định của các đồng nghiệp và các đồng tiền chủ chốt. Sự khác biệt ngày càng lớn giữa lãi suất của Fed với của ngân hàng trung ương Trung Quốc, vốn đã giữ lãi suất ở mức thấp, đã gây áp lực đặc biệt lên đồng nhân dân tệ.
Trên thị trường giao ngay, tỷ giá nhân dân tệ trong nước kết thúc phiên 21/9 giảm 266 pip xuống 7,0442 CNY/USD. Trên thị trường nước ngoài, nhân dân tệ cũng giảm xuống 7,05 CNH, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, sau khi có thời điểm xuống chỉ 7,0502 CNY (vào khoảng giữa trưa).
Trên thị trường tiền điện tử, việc FOMC tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp đã "giáng một đòn" mạnh vào đồng bitcoin, đẩy đồng tiền điện tử lớn nhất này xuống dưới ngưỡng tâm lý 19.000 USD, và gây gia tăng ăng thẳng trên thị trường bitcoin.
Bitcoin (BTC) đã tăng vọt trong vài giờ sau thông báo tăng lãi suất của Fed, nhưng chuyển sang tình trạng bán tháo vào cuối buổi chiều cùng với chứng khoán Mỹ.
Rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam, Bitcoin chỉ còn 18.358 USD.
Giá Bitcoin trong 24 giờ qua.
Đáng ngạc nhiên là giá vàng bật tăng trở lại trong phiên vừa qua sau khi Fed tăng lãi suất. Lý do bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc phiên 21/9 tăng 0,7% lên 1.673,86 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,3% lên 1.675,7 USD. Trong phiên, có lúc giá vàng giao ngay tăng hơn 1%.
"Thị trường (vàng) nhanh chóng nhận ra rằng việc tăng lãi suất và quan trọng hơn, lộ trình tăng lãi suất dự kiến đã được tính toán rõ ràng vào giá thị trường ... Thị trường sau đó đã chứng kiến sự phục hồi đáng kể (của giá vàng) từ những mức thấp đó", David Meger, giám đốc. giao dịch kim loại thuộc High Ridge Futures cho biết.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk