Trà giúp tăng cường năng lượng, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol và hỗ trợ giảm cân. (Ảnh: ITN).
Trà đã trở thành một trong những thức uống dễ tiêu thụ nhất. Dưới đây là quy tắc quan trọng để thưởng thức trà được khuyến nghị bởi các chuyên gia sức khỏe.
Bắt đầu ngày mới bằng một ly trà
Tác dụng tuyệt vời của trà đối với sức khỏe khiến món uống này được mệnh danh là “thuốc tiên của cuộc sống”. Cùng với thời gian, các lựa chọn về trà cũng nhiều lên gấp bội, từ trà xanh, trà vàng cho đến các loại trà thảo mộc.
Trà không chỉ có rất nhiều hương vị mà còn có nhiều cách uống phục vụ các mục đích khác nhau. Nếu trà đen giúp xua tan cảm giác thèm ăn, thì trà xanh lại giúp tiêu mỡ. Trong khi đó trà thảo dược giúp cải thiện khả năng miễn dịch, chống sốt và nhiễm trùng.
Uống trà điều độ sẽ mang lại vô số lợi ích. Trà giúp tăng cường năng lượng, bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol và hỗ trợ giảm cân. Tuy nhiên, uống quá nhiều có thể làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, tăng lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và gây hại tim.
Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần biết thời điểm thích hợp để uống trà và đảm bảo không kết hợp nó với các bữa ăn chính. Bạn cũng nên tránh uống trà đặc khi bụng đói.
Trà làm ấm cơ thể và bổ sung các chất tăng cường sức khỏe vào chế độ ăn uống. Tuy nhiên, không nhiều người sành uống trà biết rằng ngay cả trà cũng chứa caffein. Dựa trên cách trồng và chế biến trà, hàm lượng caffein trong trà khác nhau.
Có thể uống trà sau bữa ăn hay kết hợp với bữa sáng không?
Trà hoa cúc có thể giúp bạn thư giãn. (Ảnh: ITN).
Lalwani – một chuyên gia dinh dưỡng tại Ấn Độ cho biết: “Trà có chứa axit tannic, phản ứng với hàm lượng protein và sắt trong thức ăn. Kết quả là nó ngăn cản sự hấp thụ các thành phần này. Vì vậy, bạn chỉ nên uống trà sau bữa ăn khoảng 15 đến 20 phút.
Tuy nhiên, vì nhiều loại trà yêu thích của bạn có chứa caffein, uống trà thường không được khuyến khích sau bữa tối”.
Shruti Bharadwaj, một chuyên gia dinh dưỡng khác tại Ấn Độ cho rằng uống trà vào buổi sáng hoặc buổi tối đều được nhưng tốt nhất là tránh uống vào bữa sáng hoặc trong bữa ăn chính”.
Từ một góc nhìn khác, Priya Palan - chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện chuyên khoa Zen (Ấn Độ), nói rằng uống trà trong bữa sáng cũng không sao.
“Trà kết hợp tanin và cản trở một chút đến việc hấp thụ thức ăn nhưng không đến mức bạn không thể dùng nó như một phần của bữa sáng. Với việc hấp thụ sắt, tôi luôn khuyên rằng chúng ta có thể thêm một số vitamin C để tăng cường hấp thụ nó. Vì vậy, bạn có thể bổ sung thực phẩm kết hợp giúp thúc đẩy sự hấp thụ chất dinh dưỡng”, Palan nói.
Có thể uống trà khi bụng đói?
Palan cho biết: “Trà có chứa chất tanin có thể gây ra ít tính axit. Nếu một người có tính axit cao trong cơ thể nên cố gắng tránh uống trà đặc vào buổi sáng khi bụng đói. Bạn có thể thêm một chút sữa để làm loãng trà”.
“Nếu bạn thấy thèm một tách trà nóng sau bữa ăn tối, hãy thử chuyển sang trà thảo mộc, chẳng hạn như trà hoa cúc, có thể giúp bạn thư giãn sau một ngày dài làm việc và thậm chí giúp thúc đẩy tinh thần sảng khoái cũng như ngủ ngon hơn", Lalwani nói.
Một người có thể uống bao nhiêu tách trà một ngày?
Palan và Bharadwaj nói rằng 2-3 cốc là đủ trong một ngày. “Tránh uống trà ngay trước khi ngủ," Bharadwaj lưu ý.
2-3 cốc là đủ trong một ngày. (Ảnh: ITN).
Những điều nên và không nên khi uống trà:
1. Không đun trà quá lâu. Ngâm ở nhiệt độ thấp giúp giữ lại những lợi ích của trà.
2. Không thêm quá nhiều sữa và đường. Bản chất thực sự của trà không cần thêm sữa và đường. Ngay cả khi bạn muốn thêm sữa, hãy thêm sữa nóng vào cuối cùng và tắt ga sau khi đun sôi. Không ủ lâu.
3. Không dùng trà túi lọc. Thay vào đó, hãy sử dụng lá trà rời.
4. Nếu bạn muốn uống trà vào buổi tối, hãy uống vào khoảng 8:30, vì đây là thời điểm hệ tiêu hóa hoạt động mạnh nhất và chúng ta có thể bổ sung thêm lượng caffein để giúp chuyển hóa thức ăn.
5. Uống trà vào khoảng 3 giờ chiều rất có lợi cho cơ thể con người, vì nó có thể làm tăng hệ thống miễn dịch của chúng ta, ngăn ngừa cảm cúm và cảm lạnh.
Theo Hindustantimes