Uống nước lạnh, ăn đồ lạnh dễ mắc ung thư dạ dày?

Ngọc Minh |

Trước thông tin cho rằng việc thường xuyên uống nước lạnh, ăn đồ ăn lạnh sẽ gây tổn thương dạ dày và ung thư dạ dày, chuyên gia lên tiếng.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin thường xuyên uống nước lạnh, ăn đồ lạnh dễ mắc ung thư dạ dày. Do dạ dày rất "sợ" lạnh, khi dạ dày bị lạnh sẽ khiến bộ máy tiêu hoá hoạt động kém. 

Những thông tin đó khiến cho người thường xuyên uống nước lạnh cảm thấy lo lắng. Vậy việc uống nước lạnh thường xuyên sẽ tác động tới dạ dày ra sao?

Bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. HCM khẳng định, thông tin uống đồ lạnh, ăn đồ lạnh gây ung thư dạ dày là không có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, việc uống nước lạnh quá mức cũng gây ra những tác hại không mong muốn cho sức khoẻ.

Theo bác sĩ Mai, khi ăn uống thực phẩm lạnh, cơ thể sẽ điều hoà nhiệt độ về mức nhiệt thông thường nên cơ thể sẽ mất nhiều năng lượng hơn. Thêm vào đó, nếu đồ uống quá lạnh có thể gây co các mạch máu ở dạ dày và thành ruột, làm giảm lượng máu đến và đi khỏi các vùng này, cản trở quá trình tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng, gây triệu chứng khó tiêu, đầy bụng.

Uống nước lạnh, ăn đồ lạnh dễ mắc ung thư dạ dày? - Ảnh 1.

Uống nước lạnh không liên quan tới ung thư dạ dày (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm với bác sĩ Mai, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho rằng thông tin uống nước lạnh dễ mắc ung thư dạ dày là không có sơ sở khoa học. Không có mối liên quan nào giữa uống nước lạnh với bệnh ung thư.

Với người bình thường, khi uống nước lạnh hoặc nước mát, cơ thể sẽ hấp thu và điều hòa nhiệt độ trở lại. Tuy nhiên, nếu đồ uống lạnh quá mức có thể khiến các vi mạch trong dạ dày và ruột co thắt lại, từ đó làm giảm tức thì chức năng tiêu hóa.

Ung thư dạ dày có nguyên nhân từ đâu?

Bác sĩ Mai cho biết, ung thư có nhiều nguyên nhân phối hợp từ yếu tố gen, tuổi, giới tính, môi trường, nhiễm Helicobacter pylori và tác động của cả chế độ ăn uống.

Một chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu chất xơ và vitamin C có liên quan đến giảm nguy cơ mắc ung thư dạ dày. "Ngược lại, các loại thịt hun khói, ướp muối chứa các hợp chất nitrosamine, hydrocacbon thơm và acid amin dị vòng; thuốc lá và rượu làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư dạ dày", bác sĩ Mai khuyến cáo.

Do đó, để đảm bảo sức khoẻ cũng như phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư, mọi người cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời kiểm tra sức khoẻ định kỳ nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời. 

Bác sĩ Mai lưu ý, đối với bệnh ung thư dạ dày cần khám ngay khi có các dấu hiệu như đầy bụng, ợ hơi, ợ chua sau ăn, chán ăn, sụt cân nhanh trong thời gian ngắn không rõ nguyên nhân, buồn nôn, mệt mỏi, phân có màu bất thường như phân đen hay lẫn máu...

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch theo dõi định kỳ với các đối tượng có tiền căn nhiễm Helicobacter pylori, viêm loét dạ dày hay gia đình có người bị ung thư dạ dày để tầm soát và phát hiện bệnh sớm.

Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách:

- Duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý; ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E; hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên vì qua chế biến, các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích. Đây là những chất gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

- Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ để phát hiện bất thường sớm.

Ngọc Minh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại