Bé trai N.T.Ph (2,5 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng nôn ói, không thể ăn cơm cháo được. Bệnh sử ghi nhận trước đó, trẻ chơi đang trong sân vườn trước nhà, sau đó khát nước chạy vào nhà.
Bé thấy chai trà xanh không độ để trên bàn tưởng nước ngọt nên uống, không ngờ chai đó chứa axit sunfuric loãng (H2SO4) của người lớn chưa kịp cất.
Sau khi uống trẻ ho sặc sụa, ói ra dịch hóa chất vừa uống, được người nhà cho uống nước súc miệng. Sau đó trẻ không có biểu hiện gì tiếp tục chơi đùa.
Sau 2 ngày trẻ ăn cơm thì bị ói, chỉ ăn được cháo nhưng thỉnh thoảng ói ra và than đau rát vùng bụng trên rốn (thượng vị) nên được mẹ đưa vào bệnh viện khám.
Tại đây các bác sĩ thăm khám và tiến hành nội soi đường tiêu hóa của trẻ, thấy thực quản, dạ dày bình thường, nhưng vùng môn vị sưng đỏ, chít hẹp, khó đặt ống thông đi qua.
Các bác sĩ đã phải đặt ống thông qua da vào dạ dày, luồn qua chỗ hẹp môn vị, xuống ruột non để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ và để giữ môn vị không bị chích hẹp thêm.
Môn vị là bộ phận như một van cơ bắp, nằm ở cuối dạ dày chỗ tiếp nối với hành tá tràng, giữ thức ăn trong dạ dày cho đến khi thức ăn sẵn sàng để được chuyển xuống ruột non và tiếp tục quá trình tiêu hóa
Hiện trẻ tỉnh táo, được các bác sĩ dinh dưỡng cho chế độ ăn thích hợp qua ống thông này và tiếp tục theo dõi, nội soi tiêu hóa đánh giá tổn thương hẹp vùng môn vị để quyết định nong chỗ hẹp, giúp bảo tồn môn vị cho trẻ sau này vì nếu cắt bỏ sẽ gây khó khăn tiêu hóa, hấp thu thức ăn cho trẻ về sau.
BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, axit sulfuric là hóa chất hàng đầu, có tính phá hủy rất cao. Trường hợp này bé uống lượng ít, được pha loãng nên axit chưa kịp phá hủy thực quản, dạ dày.
Các bác sĩ đặc biệt lưu ý cha mẹ, người lớn không nên để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với nước uống, thức uống. Phụ huynh cũng lưu ý để thuốc và hóa chất xa tầm với trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc.