TS-BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế Bệnh viện Nội tiết trung ương, trả lời:
Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (2017): Trong 100 g mật ong chứa 81,3% đường và một số thành phần sau: nước, chất đạm, canxi, phốt pho, các khoáng vi lượng...
Với người bình thường, hằng ngày cần cung cấp khoảng 10% năng lượng từ nguồn đường hấp thu nhanh có trong đường kính, mật ong, bánh kẹo ngọt…
Nếu bạn muốn uống mật ong để giúp cơ thể khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, có lợi cho sức khỏe như bạn "nghe nói" thì cũng nên dùng số lượng hạn chế, có thể là 5 ml/ngày.
Tuy nhiên, việc sử dụng này có dẫn đến bị mắc bệnh đái tháo đường hay không thì bạn cần nên duy trì thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để điều chỉnh chế độ ăn và luyện tập phù hợp.
Đặc biệt là khi bạn có tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường (mẹ bạn như bạn mô tả).
Trường hợp mẹ bạn bị đái tháo đường type 2, vì bạn không nói rõ tình trạng kiểm soát đường máu, mắc bệnh bao lâu, có bệnh kèm theo hay không... nên rất khó có câu trả lời chính xác cho bạn.
Bạn nên đưa mẹ đến các chuyên khoa nội tiết như Bệnh viện Nội tiết trung ương để được các chuyên gia y tế cho lời khuyên chính xác, nhất là các loại thực phẩm gây tăng đường máu cao như mật ong,… để hạn chế các biến chứng do bệnh đái tháo đường gây ra, làm tổn thương các cơ quan như tim mạch, thận, mắt, dây thần kinh dẫn tới biến chứng như suy thận, mù lòa, hoại tử chi…
Ngoài ra, mật ong không được khuyên dùng đối với người thừa cân, người lớn tuổi hoặc tiền đái tháo đường… Nếu muốn sử dụng mật ong mỗi ngày, cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng.