Một số người có thói quen uống cà phê ngay sau khi ngủ dậy mà chưa ăn sáng. Người khác uống cà phê cả ngày, thậm chí cả lúc đói.
Trong khi nhiều người uống cà phê khi đói mà không gặp vấn đề gì, người khác lại bị khó chịu về đường tiêu hóa hoặc bồn chồn.
Vậy thói quen uống cà phê lúc đói có hại sức khỏe không? Tờ HuffPost của Mỹ đã phỏng vấn các chuyên gia dinh dưỡng về vấn đề này.
Uống cà phê lúc đói có hại sức khỏe không?
Uống cà phê lúc đói có hại không?
Chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, Alissa Rumsey, nói với HuffPost rằng: "Mỗi người có phản ứng khác nhau với cà phê, nhưng một số người có thể đặc biệt nhạy cảm với caffeine, có lẽ nhạy cảm hơn khi bụng đói".
Không có nhiều nghiên cứu đề cập cụ thể đến ảnh hưởng của uống cà phê khi đói. Và mối liên hệ giữa uống cà phê và các vấn đề tiêu hóa nói chung vẫn chưa được làm rõ.
Do vậy, điều quan trọng là phải lắng nghe cơ thể phản ứng với cà phê khi bạn uống lúc đói, vì cách chúng ta phản ứng với thực phẩm là khác nhau. Nếu bạn cảm thấy ổn sau khi uống cà phê lúc đói, bạn không cần phải dừng lại. Nếu thấy khó chịu, bạn có thể muốn điều chỉnh thói quen của mình.
Stefani Sassos, chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, nói với HuffPost: "Trong dinh dưỡng, thực sự không có quy chuẩn chung cho tất cả mọi người. Không ai hiểu rõ cơ thể của bạn hơn chính bạn. Khả năng chịu đựng caffeine, hay bất kỳ đồ uống hoặc thực phẩm nào khác, đều rất cá nhân".
Cụ thể, đối với một số người, uống cà phê lúc đói thực sự có thể gây khó chịu. Dưới đây, các chuyên gia sẽ nói về mặt trái của việc uống cà phê lúc đói và phải làm gì khi điều này xảy ra.
Một số người có thói quen uống cà phê ngay sau khi ngủ dậy mà chưa ăn sáng.
Những người có vấn đề tiêu hóa
Cà phê kích thích sản xuất axit trong dạ dày, có thể gây khó chịu cho một số người, bao gồm những người gặp chứng ợ nóng và trào ngược. Đối với một số người, cảm giác khó chịu có thể dễ nhận thấy hơn khi uống cà phê lúc đói. Nếu đây là trường hợp của bạn, chuyên gia dinh dưỡng Mỹ Maya Feller khuyên bạn nên kết hợp cà phê cùng các loại thực phẩm làm dịu độ axit trong dạ dày.
"Các loại thực phẩm này bao gồm chuối chín, bột yến mạch, trứng, trái cây (không phải cam quýt) và bánh mì nướng ngũ cốc", Feller giải thích. "Lưu ý đường bổ sung vào cốc cà phê vì chúng được biết là tác nhân gây chứng trào ngược và ợ nóng ở một số người".
Cà phê cũng làm tăng sự co bóp của các cơ trong đại tràng, đó là lý do tại sao nó giúp một số người đại tiện dễ hơn. Nhiều người coi đây là một lợi ích. Nhưng với những người mắc các tình trạng tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích hoặc dễ bị tiêu chảy, nó có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Một lần nữa, điều quan trọng là phải chú ý đến cảm giác của bạn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu khi uống cà phê lúc đói và thức ăn kèm không có tác dụng, hãy cân nhắc cắt giảm cà phê.
"Thông thường, số lượng rất quan trọng khi nói đến thực phẩm hoặc đồ uống và khả năng dung nạp đường tiêu hóa", chuyên gia Sassos nói. "Bạn có thể chịu được một tách cà phê, nhưng ba cốc gây khó chịu nghiêm trọng. Hãy lắng nghe cơ thể mình và điều chỉnh sao cho phù hợp".
Nếu bạn cảm thấy bồn chồn hơn sau khi uống cà phê, hãy thử ăn một món ăn nhẹ cùng với cà phê xem có cải thiện được không.
Những người bị bồn chồn lo âu
Tác động kích thích của caffeine có thể giống với (hoặc làm tăng) các triệu chứng lo âu thông thường như căng thẳng, bồn chồn, khó ngủ và nhịp tim nhanh - đặc biệt khi được tiêu thụ với liều lượng lớn.
Những người bị rối loạn lo âu có thể cảm thấy bồn chồn với lượng caffeine ít hơn những người không bị lo âu. 400 mg cà phê mỗi ngày được cho là an toàn đối với hầu hết người lớn khỏe mạnh, nhưng những người lo âu có thể bị bồn chồn với 200 mg. (Để so sánh, bạn cần biết một tách cà phê 240 ml pha ở nhà thường chứa khoảng 100 miligram caffeine).
Nếu bạn cảm thấy bồn chồn hơn sau khi uống cà phê, hãy thử ăn một món ăn nhẹ cùng với cà phê xem có cải thiện được không. Lượng đường trong máu giảm khi bạn không ăn trong một thời gian cũng có thể góp phần gây ra cảm giác lo lắng.
Bạn cũng có thể nghĩ đến việc giảm lượng caffeine. "Những người dễ bị lo lắng do caffeine có thể cải thiện tình hình bằng cách ăn một thứ gì đó trước, nhưng tại sao không chọn đồ uống không có caffeine hoặc ít nhất là giảm lượng cà phê tiêu thụ?", Marilyn Cornelis - một nhà nghiên cứu caffeine và phó giáo sư tại khoa y tế dự phòng tại Đại học Northwestern (Mỹ) – nói.
Có thể các triệu chứng của bạn không liên quan gì đến cà phê
Điều quan trọng là bạn phải ghi nhớ bất kỳ sự khó chịu nào mà bạn cảm thấy sau khi uống cà phê khi đói - hoặc bất kỳ thứ gì khác mà bạn ăn. Theo chuyên gia Rumsey, đôi khi không phải thực phẩm gây ra các triệu chứng.
"Hãy quan tâm đến những gì bạn đang cảm thấy - nó có thể liên quan đến thức ăn, cà phê hoặc thứ gì đó khác", Rumsey nói. "Gợi ý: Các triệu chứng thường không liên quan gì đến thức ăn và thường liên quan đến điều gì đó khác đang diễn ra trong cuộc sống - như căng thẳng, mất ngủ hoặc lo lắng. Thử ăn các loại thực phẩm khác nhau, để ý đến sự thích thú và cảm giác của bạn trong và sau khi ăn, có thể giúp bạn hiểu hơn về những gì phù hợp nhất với mình".
(Nguồn: HuffPost)
*Đọc thêm bài viết của tác giả Trà My tại đây!