Anh Trương, 30 tuổi (người Trung Quốc) có sở thích giao lưu bạn bè vào các buổi chiều sau giờ làm việc. Những lúc thời tiết nóng nực và háo nước thì việc hẹn nhau ở quán bia là lựa chọn đầu tiên của anh.
Khi uống bia, món yêu thích nhất của anh chính là thịt nướng bởi sự hấp dẫn từ mùi vị thơm phức cùng những cốc bia mát lạnh khiến cho cả nhóm bạn anh vô cùng thư giãn.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, có một lần sau bữa nhậu kết thúc, anh cảm thấy khó ở, trong bụng có cảm giác vừa no vừa đói, nôn nao.
Sau đó thì bụng đau dữ dội và bắt đầu buồn nôn, đồng thời đi ngoài ở mức nghiêm trọng, toàn thân mồ hồi ra đầm đìa, chân tay run lên.
Thấy tình hình có vẻ không ổn, người nhà lập tức đưa anh vào Bệnh viện Hải Từ để kiểm tra khẩn cấp.
Theo bác sĩ Cao Phong Ngọc, Bệnh viện Hải Từ cho biết, vào những ngày nắng nóng, có hôm bệnh viện phải tiếp cấp cứu đến 50 trường hợp với những triệu chứng đầy hơi, đau bụng do ăn uống.
Bác sĩ Ngọc cho rằng, công thức "thịt nướng + bia lạnh = rối loạn tiêu hóa" đã được các bác sĩ khuyến cáo từ lâu, nhưng nhiều người không để ý điều này.
Sở thích của anh Trương chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh về dạ dày, rối loạn tiêu hóa. Nếu không "kiêng" cách ăn này, tình hình bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng.
Bác sĩ Ngọc phân tích thêm, khi thời tiết nóng nực, nhiệt độ tăng lên, nhiều loại thức ăn để trong môi trường này sẽ tăng tốc độ tăng trưởng của vi khuẩn, khiến món ăn mau hỏng hơn.
Nếu không may ăn thực phẩm bẩn hay cũ, rất dễ gây viêm dạ dày, ruột cấp tính, đau dạ dày, đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và các triệu chứng khác.
Ngoài ra, một số người có thói quen để thức ăn lâu trong tủ lạnh, quá phụ thuộc vào tủ lạnh cũng là kẻ thù của sức khỏe đường tiêu hóa.
Thực phẩm bảo quản lâu ngày, các loại vi khuẩn, đặc biệt là E. coli sẽ sinh sản, gây viêm dạ dày, nghiêm trọng hơn sẽ đe dọa tính mạng.
Theo bác sĩ Ngọc, những thực phẩm có khả năng gây viêm dạ dày cấp tính do dễ bị hư hỏng trong môi trường nóng nực là thịt, trứng, sữa, đậu nành, cá, bánh ngọt.
Vì những tác nhân gây bệnh trong thực phẩm bị ô nhiễm không phá vỡ các protein, thường nó không thay đổi vẻ bề ngoài nên dễ dàng bị bỏ qua.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, vào mùa nóng, bạn nên mua thực phẩm với số lượng ít, chỉ vừa ăn, không nên tích trữ quá nhiều.
Có rất nhiều người thích để sẵn khá nhiều trái cây trong phòng khách để tiện ăn vặt, nhưng đây là cách thiếu an toàn vì không khí, ruồi muỗi có thể phát tán bệnh. Tốt nhất ăn đến đâu, rửa gọt đến đó.
Bên cạnh đó, việc uống nước đá, sử dụng điều hòa cũng cần cẩn thận để giảm thiểu tình trạng nhiễm lạnh, gây nên các bệnh về dạ dày.
Những người yếu bụng, nên hạn chế cả bia lạnh, nước đá, kem, dưa hấu đá và những món ăn lạnh giải khát để đông đá khác.
Cách hạn chế độc hại khi ăn thịt nướng
1. Nên ăn nhiều thịt nạc hơn thịt mỡ, ăn nhiều thịt trắng hơn thịt đỏ. Khi nướng thịt nạc cũng nên hạn chế cho thêm dầu mỡ, sẽ hạn chế được mỡ bốc khói và cháy sém.
2. Nên nướng thịt ăn kèm với rau củ quả vì những món ăn này giàu vitamin, các thành phần trong rau tự nó không dễ dàng để tạo ra chất gây ung thư. Rau quả chỉ nướng ăn trong thời gian ngắn hơn nên sẽ giảm bớt nguy cơ hình thành các chất gây ung thư.
3. Giá nướng hay dụng cụ nướng thịt cần phải được làm sạch triệt để. Điều này có thể làm giảm việc tạo khói và các chất gây ung thư khác trong quá trình nướng.
4. Nên đặt 1 lớp giấy thiếc trên vỉ nướng, chọc thủng một vài lỗ trên giấy thiếc để khi nướng mỡ có thể chảy xuống nhưng lại hạn chế khói bốc lên ám vào thức ăn.
5. Trước khi nướng, một số thực phẩm có thể hấp hoặc luộc sơ, để giảm thiểu thời gian nướng, làm giảm nguy cơ hình thành các chất gây ung thư trong quá trình nướng.
*Theo CNTV