Theo GS.TS Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, say rượu là trạng thái một người khi vừa uống một lượng rượu lớn, gây rối loạn hành vi và ít nhất một trong sau biến đổi về cơ thể tương ứng với mức độ say.
Khi uống rượu, trong máu mỗi người có các ngưỡng nồng độ cồn khác nhau nên thời gian chuyển hóa và trạng thái cảm xúc cũng khác nhau.
Việc định lượng nồng độ rượu trong máu có thể xác định mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe ít hay nhiều của người uống.
Nồng độ cồn 50-70 mg/100 ml máu có thể gây hưng phấn, nói nhiều hơn, bắt đầu có sự suy giảm kỹ năng nhẹ trong hành vi, cảm xúc.
Nồng độ cồn 80-100 mg/100 ml máu được coi là ngộ độc rượu. Các triệu chứng thường gặp như buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, gây suy giảm kỹ năng, hành vi và không đủ năng lực để lái xe.
Nồng độ cồn 100-200 mg/100 ml máu khiến rối loạn hành vi, rối loạn tâm thần nghiêm trọng hơn. Người uống có thể tê bì chân tay hoặc mặt, da xanh xao, cảm xúc không ổn định, dẫn đến giảm khả năng nhận thức, quyết định.
Nồng độ cồn 200-300 mg/100 ml máu, bạn sẽ nói líu lưỡi, rơi vào trạng thái lú lẫn, nhớ nhớ quên quên, có thể mất trí nhớ hoặc không thể đi lại, phản ứng chậm.
Người không có khả năng dung nạp rượu, nồng độ cồn máu đạt đến 400 mg/100 ml sẽ bị ngộ độc rượu nặng, tụt huyết áp, mất khả năng vận động, có thể mất hoàn toàn ý thức, hạ thân nhiệt, bị ức chế hô hấp, hôn mê, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ Đức, khi uống rượu, bia, lượng cồn trong máu phụ thuộc vào 4 yếu tố, đó là cân nặng người uống, tốc độ uống, thời gian uống và nồng độ cồn trong đồ uống.
Chuyên gia dẫn chứng, một chai rượu mạnh 40 độ, cứ 100 ml rượu sẽ có 40 ml cồn. Một người có cân nặng khoảng 60 kg, chỉ cần uống một chén rượu tương đương khoảng 65 ml rượu 40 độ, sau 30 phút, nồng độ cồn có thể đạt 50 mg/100 ml máu.
Theo bác sĩ, không có tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu rượu bia là có hại, bởi nguy cơ khác nhau do phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống.
Một số người dễ bị tổn thương có thể tăng tính nhạy cảm đối với tính độc, kích thích tâm thần và gây nghiện của rượu bia. Các bằng chứng khoa học cho thấy, với một số người, uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Lạm dụng rượu bia không chỉ gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông mà hậu quả còn đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.
Cách uống rượu hạn chế bị say
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, sử dụng rượu bia đúng cách cũng là cách để hạn chế tình trạng say.
Bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Một đơn vị rượu là 10g cồn, tương đương ¾ lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30ml rượu whisky. Khi uống cần hạn chế, đối với nam: ≤ 2 đơn vị cồn/ngày; nữ: ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.
Trong quá trình uống nên từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miêng, và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc.
Chuyên gia lưu ý, tuyệt đối không nên uống rượu lúc đói, làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả, nước súp, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn của rượu. Nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
Bạn cũng không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga), rượu lẫn bia nó sẽ làm quá trình rượu hấp thu cồn vào máu nhanh hơn.
Ban không nên uống rượu với caffeine, vì rượu là chất ức chế, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” sau khi uống rượu là sai lầm.
Công thức tính nồng độ cồn trong máu
Để tính nồng độ cồn trong máu, bạn sử dụng công thức sau: C = A/V x 10/P x 0,789. Trong đó:
- C là nồng độ cồn trong máu, tính bằng gr/100ml
- A là lượng cồn đã uống, tính bằng gram
- V là khối lượng nước trong cơ thể, tính bằng kg
- P là trọng số của người uống, tính bằng kg
- 0,789 là khối lượng riêng của cồn.
Ví dụ: Một người uống 50gr rượu, cân nặng 70kg, khối lượng nước trong cơ thể khoảng 42kg, vậy nồng độ cồn trong máu của người đó sẽ là: 50/42 x 10/70 x 0,789 = 0,16gr/ml.
Chú ý: Cách tính nồng độ cồn trong máu trên đây chỉ có giá trị tại thời điểm uống bia rượu. Nồng độ cồn trong máu sẽ giảm dần trong quá trình cồn được chuyển hóa và loại bỏ khỏi cơ thể.