Ước mơ đi học để được làm đôi chân của mẹ

QUỐC NAM |

Đến hạn nhập học, Trần Đức Thanh Nhuệ (Quảng Trị) gom hết cũng chỉ được gần 5 triệu đồng. Đó là số tiền tích cóp từ thúng xôi mỗi sáng của mẹ và cả của một số người quen biết cho để Nhuệ lận lưng đi học.

Ước mơ đi học để được làm đôi chân của mẹ - Ảnh 1.

Trần Đức Thanh Nhuệ (giữa) nói mình sẽ vượt mọi khó khăn để tự tin đến giảng đường đại học cùng bạn bè - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Từng nghĩ đến những thử thách, khó khăn đang chờ mình ở nơi xa lạ, nhưng Nhuệ vẫn quyết tâm đi học. Với bạn, chỉ có học mới là con đường ngắn để đền đáp những ân tình mà người mẹ tật nguyền của mình đã cặm cụi với gánh xôi nuôi các con ăn học suốt hơn hai chục năm qua.

Cả đời mẹ cặm cụi lo cho hai chị em ăn học, nhưng mẹ gần 60 tuổi rồi, cũng không thể làm việc được lâu nữa với đôi chân tật nguyền. Mình phải học thật giỏi để có việc làm tốt và sẽ làm đôi chân của mẹ.

TRẦN ĐỨC THANH NHUỆ

Thúng xôi của người mẹ tật nguyền

Nhuệ đã vào TP.HCM nhập học, trở thành tân sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) được hai tháng. Khoản tiền mang theo cũng sắp cạn vì nhiều thứ cần phải mua sắm cho việc học tập và sinh hoạt. Riêng khoản học phí chừng 12 triệu đồng tạm thời đã nhờ chị gái cũng đang là sinh viên năm cuối của trường này xoay xở mượn giúp.

Nhuệ nói những khó khăn này mình sẽ phải vượt qua. Cũng vì hai đầu gối của mẹ đã chai sần bởi cuộc mưu sinh nuôi cả nhà.

Bà Trần Thị Bé - mẹ Nhuệ - không may mắn từ nhỏ. Năm 1973, cả nhà bà trúng bom, mẹ cùng bốn chị em của bà không qua khỏi. Riêng bà, dù sống sót nhưng bị bom chặt đứt đôi chân từ đầu gối trở xuống cùng nhiều mảnh bom găm trong cơ thể.

Rồi hai chị em Nhuệ lần lượt chào đời trong niềm vui khôn tả của người mẹ dù các con không được biết mặt cha. Để nuôi con, bà Bé làm quen với công việc bán xôi. Để nấu được thúng xôi, với cơ thể không nguyên vẹn như bà là cả sự thử thách. Quỳ lết trên nền xi măng sần sùi chuẩn bị gạo, đậu đã trở thành công việc quen thuộc của bà mỗi tối.

Quần quật trong gian bếp chật chội đến khuya, bà Bé mới nấu xong nồi xôi. Hơn 3h sáng, khi hai chị em Nhuệ còn say giấc, người mẹ nghèo ấy đã bắt đầu một ngày mưu sinh, đẩy chiếc xe với thúng xôi ra chiếc sạp nhỏ ở sát vách trường học cách nhà hơn cây số.

Nếu bán hết, bà cũng kiếm được gần trăm ngàn tiền lời, vừa lo cơm áo của gia đình, vừa phần tích cóp cho con đi học. Đó cũng là hình ảnh luôn ám ảnh Nhuệ.

"Sức khỏe của mẹ ngày càng không tốt khi những mảnh bom năm xưa còn trong người vẫn làm mẹ đau nhức. Nhưng mẹ vẫn chống chịu với nó suốt mấy chục năm trời để cặm cụi hy sinh cho mấy đứa con đi học", Nhuệ viết trong đơn đăng ký xét học bổng.

Học để làm đôi chân của mẹ

Chúng tôi đến khi bà Bé vẫn đang cặm cụi nấu xôi dưới bếp. Từ khi Nhuệ vào TP.HCM nhập học, mỗi ngày bà phải nấu tăng thêm vài lon nếp nữa. Trời mưa, nền nhà ẩm ướt, hai đầu gối dù lết trên hai chiếc dép vẫn bê bết vết bẩn. Lấy tấm khăn lau vội, những vết chai sần dày cộm nổi lên trên những thớ thịt bị bom cắt đã liền sẹo lộ ra.

Nhưng bà chưa bao giờ lấy đó làm lý do để than vãn. Sống khổ riết bà cũng quen rồi. "Hai chị em hắn cùng học đại học, mình gắng bán nhiều hơn chút, dư thêm mấy đồng cũng có cái gửi thêm cho con, về muộn hơn chút cũng không sao, miễn con được học hành đến nơi đến chốn", bà Bé nói.

Thanh Nhuệ từng có ý định thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhưng vì sơ sẩy, bạn không đủ điểm trúng tuyển. Vậy là đành chấp nhận chuyển hồ sơ vào Trường THPT Chu Văn An (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cách nhà hơn chục cây số, mỗi ngày hai bận đi về.

Không chỉ học giỏi, Nhuận còn bắt đầu tập nghiên cứu khoa học. Năm lớp 12, đề tài khoa học của Nhuận giành giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Trị. Và Nhuận được tuyển thẳng vào khoa công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Biết hoàn cảnh cũng như kết quả học tập của Nhuệ, suốt những năm THPT, một số nhà hảo tâm đã tìm gặp và hỗ trợ học bổng. Số tiền 5 triệu đồng Nhuệ mang theo đi nhập học mới đây cũng có hơn phân nửa của những người này cho khi biết em đậu đại học.

Cô Trần Thị Mỹ Thiện - giáo viên chủ nhiệm của Nhuệ ba năm THPT - nói các giáo viên hầu như ai cũng biết rõ hoàn cảnh nên luôn tạo điều kiện cho Nhuệ rất nhiều. "Có lẽ chính hoàn cảnh gia đình và hình ảnh người mẹ tật nguyền tảo tần sớm hôm đã tiếp thêm sức mạnh để Nhuệ học tốt và luôn đứng tốp đầu của lớp", cô Thiện chia sẻ.

Mẹ, con và cơ duyên với Tuổi Trẻ

Ước mơ đi học để được làm đôi chân của mẹ - Ảnh 2.

Người mẹ tật nguyền vẫn tảo tần sớm hôm cùng nồi xôi đã nuôi con ăn học suốt 20 năm qua - Ảnh: QUỐC NAM

Bà Trần Thị Bé - mẹ Nhuệ - chính là một diễn viên trong phim Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, phát hành năm 1999). Bộ phim từng đoạt một số giải thưởng của Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương.

Trong phim, bà Bé được chọn vào vai nhân vật Hảo, một cô gái đôi mươi ở miền Trung gió cát với số phận nghiệt ngã vì bị trúng bom cụt mất đôi chân tới gối, gần y như cuộc đời thật của bà Bé vậy.

Bước ra khỏi bộ phim, bà trở về cuộc sống đời thường của một người tật nguyền và không nghề nghiệp. Khoảng đầu năm 2000, báo Tuổi Trẻ có một bài viết kể về thân phận đời thường hẩm hiu của nhân vật Hảo sau khi bước ra khỏi bộ phim.

Ngay sau đó, với cơ duyên hạnh ngộ, bà Bé được tạo điều kiện để dựng một sạp nhỏ bán xôi ở sát vách trường hướng nghiệp dạy nghề ở TP Đông Hà (Quảng Trị), bắt đầu hành trình 20 năm bán xôi lề đường nuôi con đi học tới hiện nay.

Và gần 20 năm sau, cậu con trai Thanh Nhuệ của bà được báo Tuổi Trẻ chọn trao suất học bổng Tiếp sức đến trường , nối dài hành trình của bạn trên con đường học vấn. "Đó là một cơ duyên vô cùng ý nghĩa với gia đình tôi", bà Bé nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại