Ước mơ có cây cầu đến trường của những đứa trẻ bên dòng Mã Giang

Nhật Vũ |

Để đến được trường học, những đứa trẻ sống trên ốc đảo phải đi đò, đến nay cây cầu vẫn là niềm mơ ước.

Cách trung tâm xã Cẩm Thành, huyện Cảm Thủy khoảng 10km, thôn Bèo Bọt bị chia cắt bởi sông Mã, xung quanh là đồi núi bao bọc, không có cây cầu nào bắc qua sông vì thế nơi đây được ví như một "ốc đảo" trên cạn.

Mơ ước có một cây cầu

Những mảng sương mù đặc nơi dẻo cao xứ Thanh dần tan đi bởi ánh mặt trời, trước mắt chúng tôi hiện ra từng tốp người rồng rắn lên đò để qua sông. Buổi sáng ở bến đò thôn Bèo Bọt đông kín, người lớn qua sông đi làm, học sinh "vượt sông" đến trường.

Hiện trong thôn có 44 học sinh Tiểu học, 21 học sinh THCS, 4 học sinh THPT và hơn 20 cháu khối mầm non vẫn ngày ngày phải lên đò qua sông đến trường.

Vừa dắt chiếc xe máy điện khi đò cập bến, em Lê Thị Lệ, học sinh lớp 9, Trường THCS Cẩm Thành nói, mỗi ngày em phải di chuyển 4 lần đò để đi học. Việc học của em cũng như các bạn trong thôn Bèo Bọt rất vất vả. Mùa đông em phải dậy từ 6 giờ sáng để ra bến đợi đò, sau khi lên đò qua sông, em phải di chuyển thêm 8km nữa mới đến được trường.

"Em mong có một cây cầu cứng hoặc cầu phao để em được chủ động trong việc đi học, để mỗi mùa mưa bão không phải nghỉ học ở nhà, còn mẹ em cũng qua sông bán hàng thuận tiện hơn" Lệ tâm sự.

Là giáo viên có thâm niên gần 3 năm gắn bó với điểm trường Phâng Khánh (1 điểm trường Trường Tiểu học Cẩm Thành), cô Nguyễn Thị Chuyên đã dạy biết bao thế hệ học trò của ngôi làng bên kia bờ sông Mã. Nhớ lại thời điểm của hơn hai thập kỷ trước, cô còn chưa quên những khó khăn, vất vả của những ngày đầu đến điểm trường công tác.

Theo cô Chuyên, hiện xã Cẩm Thành đầu tư con đò lớn hơn, có gắn máy nổ, mỗi chuyến chở được 15 đến 20 người. Dẫu vậy, việc qua lại với các em học sinh cũng rất bất tiện, chưa nói là nguy hiểm.

Chính vì vậy, cứ vào mỗi trận bão lũ, nước sông Mã dâng cao, lớp của cô Chuyên lại vắng bóng những học sinh của thôn Bèo Bọt, bởi không gia đình nào dám liều mạng vượt sông cho con đến trường.

Thầy Hoàng Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Thành thì ước mơ về cây cầu nối đôi bờ sông Mã không chỉ của bà con làng Bèo Bọt mà cũng là niềm mong mỏi của các thầy cô nhà trường.

Việc ngăn cách về giao thông đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dạy và học của nhà trường, nhất là vào mùa mưa bão các em không thể đến trường, việc tiếp thu bài vở bị gián đoạn. Chưa kể việc qua sông nguy hiểm, mỗi khi nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, hay các hoạt động phong trào, các em cũng không tham gia thường xuyên, đều đặn được.

Ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết, những bất cập về giao thông ở thôn khiến đời sống của bà con nơi đây gặp không ít khó khăn, vất vả. Trong đó, để đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng nhà cửa, xây dựng nông thôn mới là rất khó khăn.

Ví như, để xây dựng được một căn nhà, làm được một con đường bê tông, thì từng viên gạch, bao xi măng... đều phải vận chuyển bằng đò. Bên cạnh những khó khăn về đời sống, sinh kế, thì con đường đến trường của con em học sinh để lại nhiều trăn trở, các em phải qua sông, phải vượt chặng đường gần chục cây số để đến được trường.

Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, bà con thôn Bèo Bọt cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất, nhưng để đầu tư được cây cầu cần một nguồn vốn rất lớn vượt khả năng của xã, của huyện. Trong khi phương án di dân cũng không khả thi, bởi những vấn đề liên quan tới quỹ đất, kinh phí đầu tư hạ tầng cũng như nguồn vốn và kế sinh nhai cho bà con...

"Ốc đảo" biệt lập bên dòng Mã Giang

87 hộ dân với 385 nhân khẩu thôn Bèo Bọt, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chỉ có 2 cách để di chuyển ra bên ngoài, một là lên đò vượt sông Mã, hai là leo qua núi đá vôi dựng đứng dẫn sang huyện Bá Thước. Ước mơ có một cây cầu cứng hoặc cầu treo dân sinh là niềm mong mỏi hàng trăm năm nay của người dân thôn Bèo Bọt.

Để có thể đưa vợ đi ra trung tâm xã khám bệnh, hai vợ chồng anh Bùi Văn Đông thôn Bèo Bọt phải dậy từ sáng sớm để chờ đò qua sông. Anh Đông cho biết, vào mỗi buổi sáng sớm chờ đò rất mất thời gian bởi phải nhường chỗ cho các cháu đi học, người đi làm. "Không kể ngày bao nhiêu lượt "vượt sông" bởi hễ có việc ở bên ngoài làng là tôi lại phải ra bến, lên đò để qua sông" - Anh Đông nói.

Ông Cao Xuân Tuấn, trưởng thôn Bèo Bọt cho tôi biết, trước kia, ở vùng này có 2 thôn, 1 là thôn Bèo, 2 là thôn Bọt. Do nhân khẩu ít nên cuối năm 2018, hai thôn đã sáp nhập, và từ đó có cái tên Bèo Bọt. Về tuổi đời, cư dân đã sinh sống tại vùng đất này hàng trăm năm, người dân chủ yếu trồng luồng, cấy lúa, sản xuất nông nghiệp theo hướng tự cung, tự cấp.

Ông Cao Ngọc Hoan, đảm nhiệm trọng trách lái đò của thôn. Ông Hoan hiểu hơn ai hết những khó khăn khi cả mấy chục con người chồng chềnh trên thuyền để qua sông. Thời gian chạy đò với ông Hoan cũng vô cùng. Có thời điểm đêm hôm, người dân ốm đau, bệnh tật phải đi viện gấp hoặc vì một lý do bất đắc dĩ nào đó, là ông Hoan lại tất tưởi qua sông đón khách.

"Năm trước, có trường hợp lúc 2 giờ sáng, một thai phụ trở dạ, khó đẻ. Sau tiếng chuông điện thoại, ông gấp rút qua sông đưa thai phụ qua sông, đi cấp cứu kịp thời "mẹ tròn con vuông". Hay dịp Tết Nguyên đán năm rồi, khi cả gia đình ông đang sum vầy trong bữa cơm tất niên thì tiếng chuông điện thoại réo liên hồi. Đầu dây bên kia giọng hớt hải, báo việc gấp mong ông nhanh qua đón khách" - Ông Hoan nhớ lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại