Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF

Kim Dung |

Ứng dụng công nghệ trong quản lý để tăng tính minh bạch, hiệu quả, phát huy được các giá trị vô hình từ các tài sản trí tuệ trong bóng đá – đó là chia sẻ của Ông Lương Hoàng Hưng.

PV: Vì sao ông quyết định tham gia ứng cử Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông?

Tôi quyết định ra tranh cử chức vụ Phó Chủ tịch (PCT) truyền thông VFF khóa VIII, theo đề cử của tổ chức thành viên thuộc Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Tôi muốn dùng kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động truyền thông gần 30 năm qua để giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển, đặc biệt là xây dựng hình ảnh đẹp cho VFF.

PV: Ông nghĩ thế nào về vai trò của truyền thông đối với bóng đá Việt Nam?

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, truyền thông được thể hiện rất đa dạng. Nó không chỉ đơn thuần là việc đăng tải thông tin như báo chí truyền thống, mà còn là hoạt động truyền thông trên các loại hình khác nhau như: báo điện tử, mạng xã hội, truyền hình, phát thanh, các công cụ Media khác,...

Báo chí không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, quảng bá mà còn giúp VFF đánh giá các hoạt động của mình, là kênh thông tin quan trọng giúp phát hiện tài năng trẻ, hun đúc tình yêu bóng đá, niềm tự hào dân tộc như sự kiện U23 thành công trên đấu trường châu Á vừa qua.

Do đó, chúng ta cần phải chú trọng xây dựng những hình ảnh đẹp cho các câu lạc bộ bóng đá của Việt Nam, Liên đoàn bóng đá của địa phương và đặc biệt là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Thời gian qua, bóng đá Việt Nam vẫn đang còn tồn tại một số tiêu cực, chính hệ thống truyền thông và báo chí đã giúp liên đoàn rất nhiều trong việc đấu tranh chống các hình thức tiêu cực trong bóng đá.

Với một nền bóng đá mạnh và đẹp, chúng ta chắc chắn sẽ có được sự tin tưởng, yêu quý của người hâm mộ. Ngoài ra, đó còn là cơ hội để thu hút được sự ủng hộ, tài trợ cho bóng đá.

Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF - Ảnh 1.

PV: Cách nào để hình ảnh bóng đá Việt Nam ngày càng đẹp hơn trong mắt người hâm mộ?

Theo tôi, việc cấp thiết mà chúng ta cần làm đó là cải tiến phương pháp và các công cụ, cũng như quản trị truyền thông.

Ví dụ, chúng ta có thể xây dựng một hệ thống cổng thông tin đa phương tiên để tích hợp dữ liệu hoạt động của bóng đá và các câu lạc bộ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam,… có thể chuyển tải đến được các cơ quan truyền thông, các kênh thông tin khác như mạng xã hội, người hâm mộ một cách chính xác và nhanh nhất.

Đồng thời phải có cơ chế xử lý và phát ngôn thông tin cho VFF, sao cho tránh các cuộc khủng hoảng về truyền thông như thời gian vừa qua.

Chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan báo chí, cũng như những người hoạt động trong giới truyền thông để tạo sự thân thiện, cũng như giúp họ cập nhật thông tin mới nhất về hoạt động của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, của công ty cổ phần Bóng đá Việt Nam cũng như của các CLB bóng đá Việt Nam.

Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF - Ảnh 2.

Trong thời gian vừa qua, lực lượng báo chí đã có đóng góp rất lớn trong quá trình xây dựng hình ảnh đẹp và thúc đẩy hoạt động của bóng đá Việt Nam.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông báo chí, vì đây là kênh truyền tải thông tin chính thống, giúp hình ảnh của bóng đá Việt Nam trở nên đẹp hơn trong lòng người hâm mộ Việt Nam cũng như trên thế giới.

PV: Theo ông, có cần phải có đề án cụ thể cho các vị trí chủ chốt không?

Không chỉ riêng bóng đá, mà kể cả khi ứng cử các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội cũng cần phải xây dựng đề án hoặc chương trình hành động của mình. Theo tôi, các ứng viên cần phải có phương án cụ thể để nêu rõ chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể của mình sẽ làm gì cho bóng đá, giúp bóng đá phát triển.

Và đó cũng là căn cứ, thước đo để đánh giá tính hiệu quả trong suốt nhiệm kỳ, so sánh sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước và sau này. Do đó, chúng ta cần phải công khai, công bố các đề án đó để các thành viên của VFF và người hâm mộ đều được biết.

PV: Ông sẽ làm gì ưu tiên trước nếu trúng cử?

1. Cần rà soát, xây dựng và đề xuất chuẩn hoá lại hệ thống thông tin, phát hành thông tin ra bên ngoài, cũng như quan hệ báo chí. Đây là vấn đề quan trong trong quản trị truyền thông, nếu việc này không làm chuyên nghiệp, quyết liệt thì luôn tạo ra các hiệu ứng tiêu cực trong mắt người hâm mộ.

Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF - Ảnh 3.

2. Rà soát, xây dựng, đề xuất các kế hoạch truyền thông để tăng cường mối quan hệ giữa VFF với các tổ chức bóng đá Quốc tế, các liên đoàn bóng đá. Đặc biệt là xây dựng hình ảnh "đẹp" đối với người hâm mộ.

3. Tiếp theo sẽ là vấn đề số hoá tài sản trí tuệ trong bóng đá. Theo tôi, vốn lớn lớn nhất của bóng đá Việt Nam chính là "tài sản trí tuệ". Đó là gì? Chúng ta có thể thấy, tài sản trí tuệ tôi muốn nói ở đây chính là "thương hiệu bóng đá Việt Nam".

Chính thương hiệu bóng đá thông qua hình ảnh đẹp của đội tuyển Quốc gia, đội tuyển U23 Việt Nam đã hiệu triệu tinh thần yêu tổ quốc hàng chục triệu người dân Việt Nam trong thời gian vừa qua.

"Thương hiệu bóng đá Việt Nam" chính là tài sản trí tuệ của bóng đá. Chúng ta cần phải "số hóa" các tài sản trí tuệ và thông qua quảng bá truyền thông để "bán" và làm "vốn" cho hoạt động của VFF và bóng đá Việt Nam.

Chúng ta có rất nhiều tài sản trí tuệ cần "số hóa" và chưa khai thác triệt để được như: Bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam, U23 Việt Nam, quần, áo, giày, hình cầu thủ, biểu trưng đội tuyển, thương hiệu VFF và của các CLB, bản quyền truyền hình, ca khúc bóng đá, các game show…

Với kinh nghiệm làm công tác quản lý tờ báo về sở hữu trí tuệ, tôi nghĩ sẽ xây dựng và khai thác tốt các tài sản trí tuệ loại trừ được các vi phạm về bản quyền cho bóng đá Việt Nam.

Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF - Ảnh 4.

4. Tôi cho rằng sẽ phải ứng dụng triệt để hơn nữa để đưa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào hoạt động quảng bá, tuyên truyền và quản lý vận hành tại VFF.

Ví dụ, chúng ta có thể nâng cấp website của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam thành một cổng thông tin thật sự với công nghệ 4.0 có cả ứng dụng App cho điện di động.

Đây chính là nền tảng công nghệ giúp báo chí - truyền thông, giới hâm mộ có thể tiếp cận bóng đá qua tương tác là hình ảnh, các hoạt động bóng đá trong và ngoài nước, chuyện bên lề,… để từ đó giúp cho các cầu thủ, HLV, trọng tài, khán giả có thể kịp thời nắm bắt thông tin về các trận bóng đá, các giải đấu của Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể áp dụng công nghệ 4.0 để triển khai việc bán vé điện tử. Tôi cho rằng, hoạt động này sẽ tạo được nguồn thu lớn cho bóng đá. Đồng thời, sẽ góp phần kéo khán giả lại gần bóng đá Việt Nam hơn. Chúng ta có thể bán vé từng mùa, từng trận đấu, bán vé trước cả năm hoặc theo quý. Những người mua trước có thể sẽ nhận được ưu đãi về giá vé.

Như bạn biết, các đội tuyển quốc gia khác ở châu Á đã khởi động vấn đề này cách đây khoảng 10 năm. Một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu quản lý bằng công nghệ để hệ thống hóa dữ liệu các đội bóng của họ cách đây nhiều năm. Bây giờ, đi đâu cũng nghe nói đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nếu người làm truyền thông ở VFF mà yếu mảng này thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Không chỉ là đẩy mạnh truyền thông, tôi sẽ đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain vào quản lý để giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch và tối đa hóa hiệu quả quản lý cho các hoạt động của VFF.

Ứng viên PCT Lương Hoàng Hưng & hoài bão giảm tiêu cực, tăng tính minh bạch ở VFF - Ảnh 5.

PV: Còn điều gì ông đặc biệt quan tâm?

Tôi nghĩ rằng, để bóng đá Việt Nam có thể phát triển toàn diện, cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Bởi, nếu không có nguồn lực của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính trong việc ứng dụng, thay đổi công nghệ, trang thiết bị hoặc nhân sự.

Do đó, việc truyền thông cho các doanh nghiệp cần phải được chú trọng. Tôi chắc chắn rằng, các doanh nghiệp sẽ luôn đồng hành cùng một nền bóng đá trong sạch, công bằng và phát triển.

Để làm được điểu đó, các thành viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VIII cần phải đoàn kết, cùng nhìn về một hướng, để phục vụ bóng đá tốt hơn. Sự đoàn kết sẽ thúc đẩy cải cách bóng đá Việt Nam, giúp cho các CLB bóng đá và các tổ chức thành viên của VFF mạnh hơn.

Tôi tin rằng, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian sắp tới, nếu chúng ta có những thay đổi trong phương pháp quản lý.

Ông Lương Hoàng Hưng - Tổng biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo - có gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông tại các cơ quan báo chí lớn của trung ương và TP.HCM. Ngoài làm báo, bằng tâm huyết của mình, nhiều năm liền ông đã góp phần tạo ra "sợi dây" gắn kết, hỗ trợ cho hàng chục ngàn doanh nhân và cộng đồng khởi nghiệp trên cả nước.

Bên cạnh đó, ông Hưng còn hỗ trợ hoạt động cho nhiều tổ chức, tạo được hiệu ứng xã hội tốt như Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, Câu lạc bộ Quản trị và Khởi nghiệp, Câu lạc Doanh nhân Khánh Hòa Sài Gòn,

Đặc biệt, khi còn công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng, nhiều năm liền, ông là thành viên BTC của Giải Bóng đá Mini ĐBSCL, Ban tổ chức Quả Bóng Vàng Việt Nam.

Những lần Việt Nam bị “vỡ mộng” trong nhiệm kỳ VII của VFF

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại