Theo ThS.BS. Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ cao từ 30-55 tuổi chiếm khoảng 70% các trường hợp, thường gặp ở nam giới.
Ung thư vòm họng khi được phát hiện ở giai đoạn sớm bệnh có thể chữa khỏi. Việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư vòm họng có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng, là cách tốt nhất để nâng cao cơ hội điều trị thành công của bệnh.
Vị trí khối ung thư vòm họng
Sàng lọc phát hiện sớm là yếu tố quyết định đến hiệu quả điều trị ung thư nói chung, ung thư vòm họng nói riêng. Tuy nhiên, do những biểu hiện không rõ ràng nên bệnh nhân ung thư vòm họng đa số chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn - BS Long chia sẻ.
Hình ảnh nội soi tai mũi họng (TMH) trước điều trị: có khối u sùi vòm (mũi tên)
Các triệu chứng phổ biến của ung thư vòm họng
Ở giai đoạn sớm các dấu hiệu của bệnh thường nghèo nàn, khó nhận biết, có thể gặp một số triệu chứng như:
Nhức đầu âm ỉ, không thành cơn.
Ù tai là dấu hiệu thường gặp, khi ung thư vòm họng xâm lấn gây tắc vòi nhĩ, người bệnh thường xuyên bị ù tai một bên, có cảm giác như tiếng ve kêu bên trong tai.
Ngạt mũi từng lúc, đôi khi có khịt khạc máu mũi.
Nổi hạch cổ hay gặp nhất là hạch góc hàm, đặc điểm nổi bật là hạch nhỏ, chắc, không đau, thường tình cờ phát hiện.
Giảm thính lực, viêm tai giữa tái phát.
Triệu chứng do chèn ép dây thần kinh: liệt mặt, giảm thị lực…
ThS.BS. Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai khám và tư vấn cho bệnh nhân.
Các triệu chứng trên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác, tuy nhiên, chú ý kỹ một chút người bệnh có thể phân biệt được một đặc điểm chung của bệnh ung thư vòm họng là các dấu hiệu thường xuất hiện ở một bên và nặng dần theo thời gian, sử dụng điều trị thuốc vẫn không khỏi.
Khi có các dấu hiệu trên ở người có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng, cần đến khám bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng để nội soi vòm họng kiểm tra phát hiện sớm đồng thời khám bác sỹ chuyên khoa ung thư để được tư vấn về chẩn đoán và điều trị.
Cách giảm nguy cơ mắc ung thư vòm họng
Chia sẻ về phòng bệnh, BS Long cho biết, hiện nguyên nhân gây ung thư vòm họng chưa được xác định cụ thể nhưng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố nguy cơ ung thư vòm họng bao gồm cả yếu tố có thể kiểm soát và không thể kiểm soát. Chính vì vậy, dù không có cách nào phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng tuyệt đối, nhưng chúng ta có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh như:
Không hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm bảo quản lâu ngày như thịt muối, cá muối…
Sử dụng bảo hộ lao động cho các nghề nghiệp phơi nhiễm với các chất gây ung thư.
Hạn chế uống rượu bia.
Ngoài ra cần quan hệ tình dục an toàn vì có một số loại ung thư có quan hệ mật thiết với việc quan hệ tình dục bằng miệng thường xuyên trong đó có ung thư vòm họng, thủ phạm chính gây ra do bị nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus). Đây là virus gây u nhú lây nhiễm chủ yếu qua đường sinh dục, hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Trong số các typ HPV lây nhiễm, HPV 16 được cho là có liên quan đến ung thư vòm họng.
Thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện những bất thường.
Các phương pháp cần thiết để sàng lọc ung thư vòm họng
Mục đích của sàng lọc là để chẩn đoán sớm bệnh khi chưa có bất kỳ triệu chứng nào. Các phương pháp cần thiết như: Khám tổng quát (bác sĩ chuyên khoa), xét nghiệm máu, nội soi tai mũi họng, siêu âm, chụp MRI (cần thiết khi đánh giá mức độ xâm lấn).