Bức tranh ung thư như nào?
Theo GS Mai Trọng Khoa – nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai thì mặc dù có nhiều tiến bộ trong công tác phòng chống, chẩn đoán và điều trị ung thư nhưng tỉ lệ mới mắc ung thư và tỉ lệ tử vong do ung thư vẫn tiếp tục gia tăng ở nước ta.
Số liệu mới nhất được công bố năm 2018, theo Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu Globocal, nếu như năm 2012, trên toàn thế giới có 14 triệu ca mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong thì đến năm 2018 số ca mắc mới lên tới 18,1 triệu ca và 9,6 triệu ca tử vong.
Theo dự đoán đến 2025 sẽ tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó 56,8% ca ung thư mới và 68,9% ca ung thư tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển.
Giáo sư Khoa nhấn mạnh hiện nay ung thư là một trong những bệnh lý gia tăng hàng đầu và có nguy cơ trẻ hóa, trong năm 2018 ước tính có hơn 164.000 ca mới và hơn 114.000 ca tử vong.
Ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… số bệnh nhân tăng nhưng tỷ lệ chết hàng năm một số bệnh ung thư không tăng thậm chí còn giảm.
Để có được điều này, GS Khoa cho rằng các quốc gia phá triển có chương trình sàng lọc phát hiện sớm ung thư được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả, do người dân có ý thức tốt, đi khám sớm và phát hiện sớm, có phương pháp điều trị sớm, chính xác nên tỷ lệ bệnh nhân tử vong giảm hẳn, nhiều bệnh nhân được chữa khỏi hoàn toàn.
Tế bào ung thư
Còn ở nước ta thì tỷ lệ mắc ung thư tăng, bệnh nhân thường đến muộn, phastt hiện bệnh ở giai đoạn muộn, di căn… nên tỷ lệ tử vong vẫn tăng cao.
Vấn đề đặt ra lúc này, GS Khoa cho rằng cần làm sao để chương trình sàng lọc, tầm soát ung thư cần được làm thường xuyên rộng khắp, ý thức mỗi người trong cộng đồng cần được thay đổi và phải nhận thức rằng đi khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm ung thư là việc làm cần thiết cho bản thân và người dân phải chủ động đi sàng lọc ung thư thay vì phải kêu gọi….
Điều đặc biệt, theo GS Khoa ung thư trước gặp ở người già thì nay càng trẻ hoá. Ngày xưa có ung thư chỉ gặp ở người già, người trung niên trở lên thì nay người trẻ cũng bị rồi, có hiện tượng trẻ hoá một số loại ung thư.
Giáo sư Khoa cho biết ông gặp nhiều trường hợp trẻ nhỏ đã bị ung thư dạ dày, căn bệnh trước đây thường chỉ ở tuổi trung niên trở lên. Nhiều bệnh nhân trẻ đến khám thì phát hiện ung thư điều mà những năm trước đây rất hiếm gặp.
Làm gì để phát hiện ung thư sớm nhất
Theo giáo sư Khoa, cách phát hiện ung thư sớm nhất đó là tầm soát, sàng lọc để phát hiện bệnh sớm. Bình thường đi khám sức khỏe định kỳ cũng có thể phát hiện ung thư nhưng nhiều trường hợp phải sàng lọc, thăm khám bởi các bác sỹ chuyên khoa khoa ung bướu mới có thể phát hiện được bệnh sớm.
Để sàng lọc phát hiện sớm ung thư có hiệu quả, Giáo sư Khoa cho rằng chỉ nên tiến hành với những loại ung thư thường gặp, có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Việc tiến hành sàng lọc không quá phức tạp và không đòi hỏi nhiều thiết bị hiện đại nhưng lại cho được kết quả thăm khám chính xác…
Cần tập trung vào những lứa tuổi, giới, vùng địa dư, vùng lãnh thổ, những người có nhiều yếu tố nguy cơ do nghề nghiệp, yếu tố gia đình, di truyền dễ mắc bệnh ung thư. Ví dụ những loại ung thư thường gặp, không qua khó khăn trong sàng lọc như ung thư vú, ung thư gan, ung thư đường tiêu hóa, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi….
Muốn phát hiện sớm bệnh thì bản thân mỗi người phải tự kiểm tra những bất thường, GS Khoa chỉ ra 9 dấu hiệu "vàng" cảnh báo ung thư gồm:
- Viêm loét lâu liền
- Ho dai dẳng, tức ngực, điều trị không đỡ
- Chậm tiêu, khó nuốt
- Thay đổi thói quen bài tiết phân, nước tiểu
- Có khối u ở vú hay trên cơ thể
- Hạch bạch huyết to không bình thường
- Chảy máu, dịch ra bất thường ở âm đạo
- Ù tai, nhìn đôi
- Gầy sút, thiếu máu không rõ nguyên nhân.