Tự phát hiện ung thư bằng cách nào?
Ở Việt Nam, ung thư vú là 1 trong 10 ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ, ước tính mỗi năm có khoảng 11.000 ca ung thư vú mới và hơn 4.500 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư vú có thể khỏi hoàn toàn, nhưng yếu tố then chốt là phải phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Chị P.T.L (37 tuổi) tự sờ thấy bên tuyến vú trái có vài khối u nhỏ, sau khi tham khảo người thân và đồng nghiệp chị L đã quyết định đi khám. Kết quả siêu âm cho thấy hình ảnh có 04 khối u nhỏ ở tuyến vú trái, tuy nhiên trên kết quả X-quang tuyến vú có hình ảnh vi vôi hóa lan tỏa toàn bộ tuyến vú trái.
Bác sĩ đã chỉ định sinh thiết khối u của chị L, để chẩn đoán bản chất khối u, kết quả giải phẫu bệnh ung thư biểu mô thể nhày, phối hợp thể nội ống. Do được phát hiện sớm cho nên tiên lượng điều trị của chị L rất khả quan.
Ung thư vú có thể phát hiện sớm khi chưa có triệu chứng, ảnh minh hoạ.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết để phát hiện ung thư vú sớm nhìn - sờ - quan sát vú rất quan trọng, có nghĩa là mỗi người cần phải biết cách tự khám vú tại nhà. Thời điểm khám vú: sau sạch kinh 5-7 ngày.
Bước 1: Đứng trước gương kiểm tra hai bên ngực đối xứng không? Vùng da ngực có bị nhăn nheo, viêm loét, sần sùi, thay đổi màu sắc không? Đầu vú có lõm xuống, tiết dịch bất thường không?
Bước 2: Dùng ngón tay ngón tay cái và ngón trỏ vê nhẹ đầu vú. Ấn đầu vú xuống xem có thấy xuất hiện khối u hay không? Bóp nhẹ núm vú kiểm tra xem có tiết dịch không.
Bước 3: Kiểm tra toàn bộ vú, dùng 4 ngón tay nhẹ nhàng kiểm tra toàn bộ vùng vú. Kiểm tra theo hướng xoắn ốc từ núm vú ra bên ngoài hoặc theo hình nan hoa từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong. Ấn nhẹ, xoay tròn, miết trượt trên da, phát hiện có u, cục bất thường không?
Khám vú là bước tầm soát ung thư vú sớm khi chưa có triệu chứng. Nếu phát hiện sớm ung thư vú và điều trị kịp thời, bệnh có thể chữa khỏi được.
Theo bác sĩ Trần Văn Thụ - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, khi bệnh nhân khám vú có bất thường sẽ thực hiện bước tiếp theo là siêu âm và chụp X-quang.
Trong đó, siêu âm vú chủ yếu phát hiện khi kích thước khối u lớn, nên thường ở giai đoạn nặng, hoặc đã di căn; trường hợp không tạo khối rõ ràng thì nhìn trên hình ảnh siêu âm khó chẩn đoán xác định.
Chụp X-quang tuyến vú là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú với những ưu điểm vượt trội như sau:
- Chẩn đoán sớm nguy cơ ung thư vú, đặc biệt có giá trị đối với khối u không sờ thấy được bằng khám thường, những tổn thương kín đáo, các tổn thương trong lòng ống sữa, các tổn thương vôi hóa rất nhỏ với độ nhạy, từ 71- 96%.
- Phát hiện tổn thương bất thường vú, hố nách hai bên.
- Theo dõi tổn thương đã biết, phát hiện tổn thương tái phát hay mới đối với các trường hợp đã phẫu thuật u vú.
- Hướng dẫn sinh thiết vú chính xác hơn.
- Kỹ thuật sử dụng một lượng tia X rất nhỏ nên an toàn cho sức khỏe của người chụp.
Từ kết quả chẩn đoán của X-quang tuyến vú, giúp bác sĩ có cơ sở chẩn đoán chính xác đi đến khẳng định là chọc hút tế bào bằng kim nhỏ hay sinh thiết khối u, từ đó chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị đúng đắn, kịp thời cho người bệnh.
Phụ nữ nên làm gì để phòng ung thư
Ung thư vú phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới 95%. Chị em không nên quá lo lắng nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, đặc biệt là siêu âm và chụp X-quang tuyến vú để phát hiện sớm các bất thường.
Việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người bệnh có cơ hội điều trị khỏi bệnh cao, giảm đau đớn và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động thể dục, chế độ ăn khoa học (giảm ăn mỡ, ăn nhiều rau xanh, hoa quả), kiểm soát cân nặng, hạn chế stress cũng là các năng ngừa ung thư rất hiệu quả cho phụ nữ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kỹ thuật X-quang vú được khuyến cáo chụp với các trường hợp sau:
- Chụp 1- 2 năm/ lần khi phụ nữ từ 40-49 tuổi; Phụ nữ từ >50 tuổi nên chụp 1 năm/lần.
- Chụp 1 lần/năm nếu phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao và phụ nữ có nguy cơ rất cao nên thực hiện từ 20 tuổi trở lên;
- Chụp X-quang vú định kỳ hàng năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.