Ung thư đường tiêu hóa: Tăng nhanh ở người trẻ

Đức Trân |

Ung thư là căn bệnh đe dọa tính mạng và đang trở thành gánh nặng chung của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ người mắc ung thư nói chung, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa nói riêng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Ung thư đường tiêu hóa: Tăng nhanh ở người trẻ - Ảnh 1.

Nội soi tiêu hóa là phương pháp an toàn và hiệu quả để thăm khám toàn bộ hệ thống tiêu hóa. Ảnh: TL.

Ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh

Anh N.H.B. 26 tuổi ở Thái Bình có triệu chứng đi đại tiện ra máu, gầy sút đến 6kg/1 tháng. Khoảng hơn 1 tháng nay, anh B. xuất hiện đau bụng vùng hạ vị, đau âm ỉ, không lan kèm thay đổi khuôn phân, không nôn, sốt, ho, đau ngực, khó thở, về ăn uống và tiểu tiện bình thường. Ngay khi có dấu hiệu trên, anh B. đã đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Medlatec để thăm khám và làm xét nghiệm.

Tại đây, anh B. được thăm khám trực tiếp và thực hiện xét nghiệm. Bác sĩ đã chỉ định làm thêm nội soi, siêu âm và phải sinh thiết khối sùi tại trực tràng, phát hiện ra ung thư trực tràng. Theo lời người nhà bệnh nhân, tuy còn trẻ nhưng anh B. tiền sử sử dụng rượu bia nhiều, hút thuốc, chế độ sinh hoạt không hợp lý.

Còn anh P.V.Đ. (28 tuổi, quê Thanh Hóa) xuất hiện triệu chứng ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, ăn uống kém khoảng 1 năm trở lại đây, tuy nhiên, bệnh nhân không đi thăm khám tại cơ sở y tế mà tự ý mua thuốc dạ dày về uống, tình trạng bệnh có đỡ nhưng không khỏi hẳn. Đi khám ở bệnh viện tỉnh, anh nhận được kết quả nghi ngờ ung thư dạ dày. Lo lắng, người bệnh tìm đến Bệnh viện K Trung ương. Tại đây, sau khi khám, chụp, chiếu và làm sinh thiết, anh được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày và được chỉ định cắt hớt niêm mạc qua nội soi.

Một trường hợp khác, bệnh nhân L.L.A. (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) đến bệnh viện khám trong tình trạng đau bụng, rối loạn đại tiện. Người bệnh chia sẻ, thi thoảng bị đau bụng quanh rốn khi buồn đại tiện, phân có lúc có máu, dù không sốt, không nôn, không gầy sút cân. Kết quả siêu âm ổ bụng và nội soi đại trực tràng xuất hiện nhiều hạch mạc treo hố chậu phải và tổn thương sùi loét.

Ung thư đường tiêu hóa là cách gọi chung cho nhiều loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan… Trước đây, những căn bệnh này thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Tuy nhiên, kết quả thống kê, nghiên cứu từ nhiều bệnh viện cho thấy tỷ lệ mắc trong nhiều năm gần đây tăng nhanh và gặp ở lứa tuổi trẻ hơn.

Tầm soát sớm để phòng bệnh

BS. Phí Thị Quang - chuyên khoa Tiêu hóa BVĐK Medlatec cho biết: “Độ tuổi mắc các bệnh về đường tiêu hóa ngày càng trẻ hóa. Chuyên khoa Tiêu hóa của bệnh viện Medlatec đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ mới hơn 23, 24 tuổi nhưng đã mắc các bệnh ung thư dạ dày, ung thư trực tràng”.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, BS Phạm Hoàng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa bệnh viện này thông tin: “Trung bình một tuần chúng tôi phẫu thuật từ 2 - 3 ca ung thư dạ dày, trong đó có những ca tuổi đời còn rất trẻ. Đáng nói, ung thư đường tiêu hóa nếu được phát hiện sớm thì việc xử lý thường khá đơn giản, ít tốn kém và hiệu quả cao. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, ung thư đường tiêu hóa thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Rất nhiều trường hợp khi đến viện đã ở giai đoạn muộn”.

Đồng tình, BS Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại Bụng, Bệnh viện K Trung ương cho biết: “Chúng tôi đã gặp những bệnh nhân mới chỉ 20 tuổi đã mắc ung thư đường tiêu hóa. Thực tế cho thấy tỷ lệ mắc ung thư đường tiêu hóa trong nhiều năm gần đây tăng nhanh và gặp ở lứa tuổi trẻ hơn”.

Để phòng tránh, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần có kiến thức về các yếu tố có hại cho sức khỏe để hạn chế ăn thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, thuốc trừ sâu. Nên ăn nhiều rau và hoa quả, tăng cường vận động tập thể dục tránh béo phì. Nếu gia đình có tiền sử có người mắc ung thư đường tiêu hóa thì nên tầm soát phát hiện sớm định kỳ các bệnh lý này. Trẻ em nên tiêm phòng vaccine đầy đủ tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ung thư như virus viêm gan B, virus gây u nhú ở người để giảm thiểu nguy cơ.

Để hạn chế ung thư đường tiêu hóa, các bác sĩ nhấn mạnh, kiểm tra thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng bệnh.

BS Hà Hải Nam cho hay: “Tầm soát ung thư đường tiêu hóa là một trong những phương pháp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư chính xác nhất hiện nay. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp. Cụ thể, việc nội soi thực quản dạ dày hoặc đại tràng cho độ chính xác cao nhất, giúp tầm soát, phát hiện các dấu hiệu tiềm ẩn của ung thư đường tiêu hóa. Nội soi đại tràng là lựa chọn được ưu tiên trong tầm soát ung thư đại trực tràng với tỷ lệ phát hiện ung thư và polyp tuyến của phương pháp này đạt 95 - 100%”.

Theo BS. Phí Thị Quang - chuyên khoa Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Medlatec, nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp từ việc sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong thời gian dài. Ngoài ra, với chế độ ăn uống không hợp lý, thường xuyên sử dụng đồ ăn nướng, hun khói, chiên rán, ít rau xanh và lười vận động là nguy cơ lớn gây ung thư đường tiêu hóa ở nhiều người trẻ.

Ung thư đường tiêu hóa thường diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, do đó không nên đợi đến khi có triệu chứng mới đi khám. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị polyp đường tiêu hóa mà không hay biết, thậm chí ngay cả khi khối u ác tính đã ở giai đoạn một, hai cũng chưa bộc lộ triệu chứng rõ ràng. Tầm soát bằng các phương pháp chuyên sâu, hiện đại tại bệnh viện giúp chẩn đoán được sớm và chính xác loại ung thư tiêu hóa và có biện pháp điều trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại