Ung thư, phổi đen như bồ hóng gác bếp vì hút thuốc lào
Ông N. T. K 62 tuổi, giáo viên về hưu tại Hà Nội đến khám tại trung tâm ung bướu Bệnh viện Bạch Mai vì các xét nghiệm chỉ điểm khối u cao.
Ông K kể, 2 tháng trước ông thường xuyên mất ngủ, mỗi đêm ngủ từ 3-4 giờ, ngủ không sâu giấc. Sau đó, bệnh nhân đã tự mua thuốc an thần (seduxen) uống nhưng vẫn không ngủ được.
Ông luôn trong trạng thái mệt mỏi, suy nghĩ nhiều, ăn uống kém nên đã đến khám tại phòng khám tâm thần – Viện sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị rối loạn giấc ngủ. Ông được điều trị bằng thuốc an thần, chống lo âu.
Sau đó ông K xuất hiện triệu chứng đau tức bụng thượng vị, kèm theo đi ngoài phân lỏng 3-4 lần / ngày. Ông được bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày, soi đại tràng, xét nghiệm máu.
Kết quả nội soi dạ dày và đại tràng bình thường, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u : CEA : 130 ng/ml. Vì xét nghiệm chất chỉ điểm khối u CEA tăng cao nên bệnh nhân được hội chẩn bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Bệnh nhân được chuyển Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu chẩn đoán và điều trị tiếp.
Ông K cho biết, ông hút thuốc lá từ năm 30 tuổi và hơn 10 năm nay ông đã bỏ được thuốc, lúc còn trẻ ngày nào cũng hút cả bao thuốc. Khi bỏ thuốc lá, ông K quay về hút thuốc lào và không hề biết thuốc lào cũng có thể gây bệnh ung thư dù trong gia đình chưa có ai bị ung thư.
Bác sĩ tiến hành chụp PET/CT phát hiện nhiều khối u đi dọc cơ thể theo động mạch, đặc biệt có những khối u kích thước lớn lên tới 8,5x5,1 cm và 5,1x3,9cm. Ông K được bác sĩ tiến hành nội soi phế quản và sinh thiết u qua nội soi, xét nghiệm mô bệnh học và chẩn đoán ung thư phổi phải loại biểu mô tuyến, giai đoạn 4, di căn gan, xương, hạch ổ bụng.
Hình ảnh ung thư phổi, di căn hạch cổ của bà N.
Hay như trường hợp của bà Nguyễn Thị N. 58 tuổi, trú tại Hải Phòng. Bà N. thường xuyên ho, đau tức ngực. Khi đi khám bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi biểu mô tuyến giai đoạn 4 có di căn trung thất.
Bà N. kể mình không hút thuốc lá nhưng gia đình ở vùng trồng thuốc lào nên bà hút thuốc lào từ nhỏ. Bà nghĩ thuốc lào không độc hại vì gia đình tự trồng, tự thái thuốc, phơi và để hút. Hơn 30 năm bà hút thuốc lào, khi phát hiện bị ung thư và phẫu thuật phổi đã đen như bồ hóng gác bếp.
Bà N. đã được bác sĩ truyền hoá chất và xạ trị, tuy nhiên đến nay hạch đã di căn cổ, đòn vai. Bà N. vô cùng hoang mang vì đến khi mắc ung thư ở giai đoạn muộn khao khát sống của bà luôn cháy bỏng, nhưng cũng chẳng có tác dụng gì bởi các phương pháp kéo dài cuộc sống cho bà cũng không đáp ứng được nhiều.
Thuốc lào gây ung thư không kém thuốc lá, chuyên gia chỉ rõ 8 dấu hiệu ung thư phổi
Theo BSCK II Tạ Chi Phương – Nguyên bác sĩ bệnh viện K Hà Nội cho rằng, về bản chất thuốc lá và thuốc lào đều độc hại như nhau. Trong khói thuốc có 400 loại chất, trong đó có 200 chất có khả năng gây độc. Kể cả người hít phải khói thuốc lào cũng độc hại không khác gì khói thuốc lá.
Chính vì thế, nhiều người nghĩ rằng bỏ thuốc lá để hút thuốc lào cho đỡ độc là hoàn toàn sai lầm. Cách tốt nhất là nên tử bỏ cả thuốc lá và thuốc lào càng sớm càng tốt, bởi cả hai loại thuốc này đều chứa các chất sinh ung như nhau.
Thuốc lá, thuốc lào gây ung thư như nhau
GS Mai Trọng Khoa – Giám đốc trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư hàng đầu về tỉ lệ mắc tại Việt Nam. Bệnh nhân thường vào viện khi bệnh ở giai đoạn muộn (giai đoạn III, IV).
Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, đích, miễn dịch sinh học. Lựa chọn và lập kế hoạch điều trị phụ thuộc giai đoạn bệnh, mô học, tình trạng đột biến gen, thể trạng của từng bệnh nhân.
Đối với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, điều trị chủ yếu dùng các phương pháp toàn thân như hóa chất, điều trị đích, miến dịch sinh học.
Theo GS Khoa, bệnh ung thư phổi giai đoạn đầu thường không có triệu chứng cụ thể. Nhưng khi bệnh phát triển, thường có những dấu hiệu sau:
- Ho không khỏi, ngày càng nặng hơn
- Hô hấp có vấn đề, chẳng hạn như thở dốc
- Đau ngực kéo dài
- Ho ra máu
- Khàn giọng
- Thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, như bị viêm phổi
- Luôn cảm thấy vô cùng mệt mỏi
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Với những bệnh nhân hút thuốc lá, thuốc lào lâu năm, bác sĩ cho rằng có thể thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư phổi. Hiện nay, có 3 loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất là cho việc tầm soát là chụp Xquang phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm, chụp cắt lớp điện toán ngực (CT Scan)
Tuy nhiên việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ cao. Theo các hướng dẫn từ Hiệp hội ung thư Mỹ khuyến cáo nên CT Scan hàng năm cho các đối tượng như tuổi 55-74 tuổi, hút thuốc trên 30 gói thuốc/năm hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại.